Gỡ nút thắt đất quốc phòng
Mặc dù vẫn cần thêm nhiều đợt tiếp thu, chỉnh sửa, nhưng Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ vào đầu tuần này có thể coi là phiên bản hoàn thiện nhất kể từ khi Dự thảo lần đầu bắt đầu quá trình tham vấn, xin ý kiến cách đây 4 tháng.
Thực hiện tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) chỉ quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc và những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội. Vì vậy, Dự thảo Luật được sắp xếp, dự kiến bố cục gồm 11 chương và 106 điều, giảm 96 điều so với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.
“Dự thảo kế thừa, phát triển các quy định đã được áp dụng ổn định, có hiệu quả, thực tiễn kiểm nghiệm tốt; bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; bổ sung, sửa đổi những quy định nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những vướng mắc, bất cập, đề xuất giải quyết các vấn đề mới, vấn đề phát sinh, khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới”, ông Uông Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) là cơ quan soạn thảo đã vận dụng tối đa tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Cụ thể, Dự thảo Luật đã có quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng vào hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác cảng hàng không; khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, đặc biệt là vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng tại cảng hàng không dùng chung có khai thác lưỡng dụng giữa quốc phòng, an ninh và dân dụng.
Khoản 3, Điều 31, Dự thảo Luật quy định: “Việc đầu tư xây dựng công trình thiết yếu tại cảng hàng không thuộc danh mục cảng hàng không liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh được thực hiện từ nguồn vốn nhà nước hoặc nguồn vốn huy động theo phương thức đối tác công - tư (PPP)”.
Tại khoản 6, Điều 31, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất, đối với công trình tại cảng hàng không trên đất quốc phòng, an ninh và tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cấp có thẩm quyền được quyết định việc cho phép doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, bảo trì, khai thác công trình tại cảng hàng không trên đất quốc phòng, an ninh để phục vụ mục đích lưỡng dụng, mà không phải chuyển quyền sử dụng đất, mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng, bảo trì, khai thác công trình tại cảng hàng không là tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân để phục vụ mục đích lưỡng dụng, nhà đầu tư không cần chuyển quyền sở hữu tài sản và được phân bổ, thu hồi chi phí tương ứng với phần chi phí đầu tư, bảo trì, khai thác công trình.
Theo Bộ Xây dựng, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 và pháp luật về đầu tư, xây dựng hiện hành quy định, để xây mới công trình hoặc nâng cấp, mở rộng, chủ đầu tư dự án phải được giao đất hoặc được cho thuê đất để đầu tư xây dựng công trình trên đất.
Thực tế khai thác ngành hàng không dân dụng, nhiều cảng hàng không được hình thành từ sân bay quân sự và được đưa vào khai thác lưỡng dụng. Quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới công trình trên đất quốc phòng, tài sản quốc phòng để khai thác lưỡng dụng (đường cất - hạ cánh, đường lăn, công trình bảo đảm hoạt động bay) gặp khó khăn, do theo yêu cầu về quốc phòng - an ninh, thì không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tài sản trên đất từ quốc phòng sang dân dụng, dẫn đến chủ đầu tư không được giao đất, cho thuê đất và không đủ điều kiện để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
“Để tạo điều kiện thuận lợi, tăng nguồn lực cho đầu tư, xây dựng, khai thác cảng hàng không, sân bay, chúng tôi đã đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng: cho phép các doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư, khai thác theo phương thức PPP trên tài sản công là đất do Bộ Quốc phòng quản lý, hoặc tài sản công là các công trình hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Một điểm nhấn quan trọng khác tại Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) là thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Cụ thể, với thẩm quyền mà Luật giao, Chính phủ sẽ thực hiện các phương án phân cấp theo nguyên tắc: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện việc quản lý nhà nước theo phân công, phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo phân công, phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng theo các nguyên tắc phân cấp, ủy quyền của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước khu vực lân cận cảng hàng không, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường cảng hàng không; phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn và điều tra sự cố, tai nạn tàu bay, quản lý chướng ngại vật hàng không, thực hiện việc phân cấp theo thẩm quyền quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, với thẩm quyền mà Luật giao, Chính phủ sẽ thực hiện các phương án phân cấp để đảm bảo tính đặc thù của lĩnh vực hàng không; khai thác, sử dụng linh hoạt, hiệu quả bầu trời thông qua các quy định về phân loại, khai thác vùng trời, trong đó thực hiện phân cấp cho bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành các hoạt động về quản lý, cấp phép trong lĩnh vực hàng không dân dụng; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước khu vực lân cận cảng hàng không, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường cảng hàng không; phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn và điều tra sự cố, tai nạn tàu bay, quản lý chướng ngại vật hàng không.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bảo đảm quyền tự do tham gia đầu tư của tất cả thành phần kinh tế, bao gồm cả hãng hàng không, khi không đặt ra vấn đề ưu tiên cho các thành phần kinh tế nào để đảm bảo tính cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đầu tư, xây dựng và vận hành nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không theo các mô hình phù hợp như PPP, BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
“Hiện hệ thống pháp luật chưa có quy định ưu tiên hoặc bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các hãng hàng không, trong việc tham gia đầu tư hạ tầng tại sân bay. Các điều kiện đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp được chỉ định, tạo rào cản tiếp cận đối với nhà đầu tư tư nhân, đồng thời gây khó khăn cho việc phát triển các mô hình logistics hub, nhà ga VIP, cơ sở bảo dưỡng tàu bay (MRO) tại các sân bay hiện hữu”, đại diện Vietjet cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều đề xuất của các doanh nghiệp hàng không liên quan đến việc đơn giản thủ tục kinh doanh.
Trong công văn gửi Bộ Xây dựng vào cuối tháng 6/2025, Bamboo Airways cho biết, mặc dù không được quy định cụ thể tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hiện hành, nhưng Điều 31, Luật Đầu tư (năm 2020) quy định, dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bamboo Airways đề xuất bãi bỏ quy định này, do việc triển khai dự án thành lập hãng hàng không mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đã phải tuân thủ và đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt trong quá trình thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Theo Bộ Xây dựng, nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư mới kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không được quy định tại Luật Đầu tư.
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia thị trường vận tải hàng không, Bộ Xây dựng đã đề xuất trong Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) phương án đơn giản hóa đối với thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không thương mại theo hướng phân cấp thẩm quyền cho Bộ Xây dựng (không trình Thủ tướng Chính phủ).
“Nếu phương án này được thông qua, thì vừa tạo điều kiện đáng kể về thủ tục cho nhà đầu tư, vừa thể hiện mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý hoạt động vận tải hàng không”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam phân tích.
Hiện tại, có 5 hãng hàng không nội địa khai thác thị trường vận tải hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines.
Bên cạnh đó, tháng 6/2025, Hãng hàng không Sun Phú Quốc Airways đã được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và dự kiến khai thác từ cuối năm 2025.
Năm hãng hàng không hiện hữu đang khai thác 66 đường bay nội địa, được thiết kế theo kết cấu “trục - nan” với các đường bay đi, đến các địa phương tỏa ra từ 3 thành phố lớn của 3 miền là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.