Tạo bàn đạp cho kỳ lân công nghệ Việt

Hơn 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon (Mỹ) khiến Bình Trần, đồng sáng lập và Điều hành Quỹ 500 Startups Vietnam, cảm nhận được “cơn khát” của start-up Việt với giấc mơ kỳ lân.
Bình Trần, đồng sáng lập và Điều hành Quỹ 500 Startups Vietnam.  Ảnh: Lê Toàn Bình Trần, đồng sáng lập và Điều hành Quỹ 500 Startups Vietnam. Ảnh: Lê Toàn

Tìm kiếm kỳ lân...

Kín tiếng, kiệm lời, nhưng thân thiện, dễ gần, luôn dành thời gian hỗ trợ từng nhà sáng lập dù quản lý danh mục đầu tư hơn 50 công ty. Đây là “nhận dạng” mà nhân viên Quỹ 500 Startups vẽ về người điều hành của Quỹ  500 Startups Vietnam - Bình Trần.

Có thể cảm nhận được đúng như vậy khi nghe Bình Trần kể về Saola Accelerator, một trong những dự án mới nhất của 500 Startups nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Bình Trần đúng là một nhà đầu tư với đầy đủ trí tuệ, đam mê, và cả tham vọng.

Saola được coi là phiên bản Việt của chương trình tăng tốc (accelerator) mà 500 Startups ra mắt lần đầu tiên ở Thung lũng Silicon năm 2010 và thường được vinh danh là một trong những chương trình tăng tốc hàng đầu ở Mỹ, theo đánh giá của Tạp chí Forbes và Entrepreneur.

“Với Saola, chúng tôi mong muốn tạo ra bàn đạp cho kỳ lân công nghệ Việt”, Bình Trần tự tin. Trong khóa 1 của chương trình, 6 công ty khởi nghiệp đã tham gia 60 buổi đào tạo và hội thảo. Họ cũng đã dành hơn 100 giờ làm việc với 8 chuyên gia về các nội dung tập trung vào tăng trưởng.

Đánh giá ban đầu, theo người điều hành Quỹ 500 Startups Vietnam, các start-up này đang tăng trưởng khá tốt và đều có điểm chung là công ty công nghệ Việt, nhưng có tư duy toàn cầu, có đội ngũ sáng lập gồm các cá nhân xuất sắc và truyền cảm hứng.

Ở vị trí nhà đầu tư, Quỹ 500 Startups Vietnam không chỉ rót vốn, mà còn luôn theo sát các nhà sáng lập để hỗ trợ, giúp họ kết nối với các nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới toàn cầu của 500 Startups. Thậm chí, khi các công ty khởi nghiệp là thành viên của gia đình 500 Startups cần huy động nhiều vốn hơn, Quỹ có thể “dẫn dắt” vòng đầu tư và hỗ trợ họ thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư có tiếng khác ở Thung lũng Silicon.

Saola là một trong những chương trình của 500 Startups tại Việt Nam bên cạnh hoạt động đầu tư. Trong 4 năm qua, Quỹ đã đầu tư vào 52 công ty khởi nghiệp. 52 công ty này đã huy động được hơn 180 triệu USD trong các vòng gọi vốn tiếp theo và đạt được mức định giá tổng cộng gần 1 tỷ USD.

Con số mà Bình Trần và cộng sự đang hướng tới là 80 - 100 công ty trong danh mục đầu tư vào năm 2020. Khóa 2 của chương trình Saola Accelerator sẽ được thực hiện ngay đầu năm, vào tháng 2/2020.

“Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm công nghệ không chỉ cho Đông Nam Á, mà còn cho cả các nền kinh tế mới nổi khác. Chúng tôi sẽ tích cực hợp tác với Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khác để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Việt Nam, đưa các start-up Việt ra toàn cầu”, Bình Trần cùng người cộng sự Eddie Thái đặt mục tiêu tham vọng, bên cạnh vai trò làm cầu nối cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam với ASEAN, Mỹ...

Và chương mới của cuộc đời

Bình Trần là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt, được biết đến là chủ nhân của hơn 20 sản phẩm công nghệ. Ông là nhà đồng sáng lập của 4 start-up khá đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Nổi bật trong đó là Klout - nền tảng theo dõi và đánh giá ảnh hưởng xã hội trực tuyến mà Tổng thống Barack Obama đã đăng ký sử dụng dịch vụ vào năm 2010. Klout được định giá 200 triệu USD.

Năm 2015, Bình Trần và cộng sự Eddie Thái đã huy động được 14 triệu USD “làm vốn”, quyết định về Việt Nam xây dựng một quỹ đầu tư khởi nghiệp hạt giống, đồng hành với start-up Việt.

Quyết định trở về của Bình Trần vốn không nằm trong dự tính. Sau khi thoái vốn ở Klout, Bình Trần được Chính phủ Brazil mời làm diễn giả tại một diễn đàn công nghệ trong khuôn khổ World Cup 2014 tại Brazil. Tại đây, ông gặp Khailee Ng, Giám đốc điều hành Quỹ 500 Startups khu vực Đông Nam Á.

“Câu chuyện của Khailee Ng và khoản đầu tư vào Grab khiến tôi suy nghĩ. Khailee Ng cũng nói rất nhiều về những bất ngờ trong sự hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ ở khu vực Đông Nam Á. Trái tim tôi trở nên rộng mở với một suy nghĩ, có những thời điểm quan trọng khi mà một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ có thể thay đổi cuộc sống của hàng trăm, thậm chí hàng triệu người”, Bình Trần kể và gọi cuộc gặp này như một chất xúc tác, để ông bắt tay vào viết những dòng đầu tiên trong chương mới của cuốn sách đời mình.

Trong chương sách này, Eddie Thái, đội ngũ nhân sự 500 Startups và quê hương Việt Nam là các nhân vật chính. Thực ra, Bình Trần thừa hiểu đây là quyết định mạo hiểm. Chưa có kinh nghiệm quản lý quỹ trước đó, trong bối cảnh Việt Nam năm 2015 là một thị trường mới nổi và chưa có một vụ thoái vốn nào quy mô, thì huy động vốn cho một quỹ đầu tư thực sự là thách thức.

Nhưng cả Bình Trần và Eddie Thái đều tin tưởng vào tài năng công nghệ Việt Nam khi bắt tay vào gọi vốn. Tiếng tăm của nhân sự công nghệ Việt cũng không quá mới. Một giám đốc của Google đã từng chia sẻ với Bình Trần rằng, Việt Nam có số lượng kỹ sư phần mềm trên nền tảng Android của Google ngang bằng với Indonesia - quốc gia có dân số gần gấp ba Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, vị này đánh giá cao năng lực của các kỹ sư trẻ Việt Nam.

Nhưng đó chưa phải là tất cả sự hấp dẫn mang tên Việt Nam. Đội ngũ sáng lập 500 Startups Vietnam tin rằng, Việt Nam sẽ đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế số của khu vực trong khi nhu cầu về vốn đầu tư hạt giống ở Việt Nam chưa được đáp ứng.

“Chúng tôi muốn tận dụng thời gian sớm một chút để gieo hạt giống đúng thời điểm, xây dựng một thương hiệu đầu tư mà những nhà sáng lập có thể tin tưởng”, Bình Trần nói.

Hiện tại, 500 Startups Vietnam là quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực nhất tại Việt Nam, bám theo mục tiêu tìm kiếm và nuôi dưỡng những kỳ lân công nghệ của start-up Việt. Hành trình có thể còn gian nan, nhưng như Bình Trần và cộng sự chia sẻ, họ tin vào con đường và giá trị đang mang lại.

Chat với Bình Trần

 Là một nhà đầu tư, thì mơ mộng hay thực tế thì tốt hơn?

 Nhà đầu tư nào cũng cần có một chút hoài nghi. Nhưng tùy vào đội ngũ sáng lập và giai đoạn đầu tư để thực tế hay mơ mộng. Ở giai đoạn đầu, nhà đầu tư cần nhìn vào đội ngũ sáng lập với tất cả sự lạc quan.

Một nhà đầu tư cần có điều gì để thành công?

 Nhà đầu tư luôn cần theo sát hệ sinh thái khởi nghiệp và các nhà sáng lập để có thể tìm ra những công ty tốt. Tuy vậy, để thành công trên cương vị nhà đầu tư cũng cần một chút may mắn.

Cộng đồng start-up Việt nên quan tâm đến điều gì?

 Huy động quá nhiều tiền quá sớm có thể không tốt chút nào cho một start-up và các nhà đầu tư. Tôi sẽ khuyên các nhà sáng lập nên cố gắng vạch ra một lộ trình gọi vốn phù hợp, nhất định phải liên quan chặt chẽ với lộ trình tăng trưởng thực tế của start-up. 

Bình Trần là một tên thuần Việt, có tiện cho một người Mỹ?

 Nhiều người gặp khó khăn khi phát âm tên của tôi, giống như tên của hầu hết những người nhập cư lớn lên ở Mỹ. Tuy vậy, tôi mừng vì đã quyết định giữ tên mình dù chọn cuộc sống ở Mỹ. Tôi đặt cho con gái út tám tháng tuổi cả tên tiếng Việt và tên tiếng Anh. Tôi muốn con tôi cũng tự hào về di sản và dân tộc mình như tôi.

Đào Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục