Tỷ phú Trần Bá Dương: Xe bị pan, vào tay người biết nghề sẽ tái tạo giá trị mới

Những nét vẽ chính trong bức chân dung tỷ phú Trần Bá Dương đã và đang thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh ánh thép của công nghiệp, cơ khí; màu vàng, màu xanh của những vựa trái cây, là màu đất, màu nước của những vùng đầm tôm, đầm cá đang dần “lấp lánh”.
Với tỷ phú Trần Bá Dương, sự hợp tác giữa HVG và Thadi là cơ duyên để ông tham gia một lĩnh vực mới. Với tỷ phú Trần Bá Dương, sự hợp tác giữa HVG và Thadi là cơ duyên để ông tham gia một lĩnh vực mới.

1. Hai tháng trước, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) đã tìm gặp ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco.

Từng có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá da trơn lớn nhất Việt Nam, với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, đồng thời sở hữu độc quyền giống heo được chuyển giao từ Đan Mạch và đã đầu tư xây dựng các trại heo giống công nghệ cao tại An Giang, Bình Định, nhưng HVG  đang gặp khó  khăn trong việc cân đối tài chính khi đầu tư với tầm nhìn dài hạn.

“Tôi thấy ở ông ấy sự đam mê về nông nghiệp, điều mà nhiều người bạn giàu có và sẵn lòng giúp tôi việc này, việc khác không có. Hơn nữa, ông ấy rất cẩn thận, đã nói là làm”, ông Minh nói về cuộc gặp... lịch sử của cả ông và HVG.

Ngày 9/1/2020, tại TP.HCM, Thadi (công ty con của Thaco) và HVG đã trở thành đối tác chiến lược. Theo đó, Thadi đầu tư vào HVG  với tỷ lệ 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ các chức vụ gồm Phó chủ tịch HĐQT, Giám đốc tài chính, chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng, đồng thời hỗ trợ tài chính. Thadi cũng đầu tư 65% vào liên doanh Thadi - HVG trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định.  

Đồng thời, Thadi đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn thực hành của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1,2 triệu con/năm, nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cao cho xuất khẩu và thị trường trong nước.

Tất nhiên, không phải chỉ có HVG “được” trong thương vụ này. Ông Dương tự nhận, nhân duyên trong mảng nông nghiệp mấy năm vừa rồi mang lại cơ hội cho Thaco trong việc nâng tầm và thể hiện việc chia sẻ sức mạnh.

Giờ đây, sau lần bắt tay với ông Đoàn Nguyên Đức và Hoàng Anh Gia Lai năm 2018 và lần này với ông Dương Ngọc Minh và HVG, ông Dương và Thaco không chỉ mang lợi thế máy móc vào nông nghiệp, mà hội tụ dần hệ sinh thái cho phát triển nông nghiệp, nền tảng để đi lên các nấc thang cao hơn trong lĩnh vực này với tốc độ nhanh, nhưng bền vững. Có thể kể tới lợi thế sẵn có từ đất đai của Hoàng Anh Gia Lai đã triển khai đầu tư cây trái, lợi thế năng lực sản xuất của HVG với các xưởng chế biến, vùng nuôi trồng cá tôm và công nghệ nuôi heo...

Tỷ phú Trần Bá Dương: Xe bị pan, vào tay người biết nghề sẽ tái tạo giá trị mới ảnh 1

Doanh nhân Trần Bá Dương

2. Có vẻ không đúng lắm, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức là một trong những nhân vật được chờ đợi nhất trong Lễ ký hợp tác chiến lược giữa Thadi và HVG. Tháng 9/2018, ông là nhân vật chính trong “lễ đính ước tỷ đô” với ông Dương, mang theo gánh nặng ngàn tỷ đồng đến hạn không có khả năng thanh toán. Mọi người muốn xem ông Dương đã làm được gì với Hoàng Anh Gia Lai, để đánh giá xem tới đây có thể làm gì với HVG.

Ông Đoàn Nguyên Đức có thể hiểu ẩn ý sâu xa đó, nên rất thoải mái với nụ cười thường trực trên môi. “Năm nay, lần đầu tiên sau 4 năm, Hoàng Anh Gia Lai đã có tháng lương thứ 13 để trả cho người lao động khi Xuân sang Tết đến. Lựa chọn đúng, nên sang năm là tôi khoẻ re”, ông Đức vui vẻ nói.

Thực tế của Hoàng Anh Gia Lai cũng cho thấy, lý do tìm tới ông Dương bởi có “kỹ năng quản trị công nghiệp quy mô lớn” của ông Đức đầu năm 2018 là chính xác. Điều này một lần nữa được ông Minh của HVG nhắc lại, cũng với kỳ vọng tương tự, là tìm con đường phát triển vững vàng hơn cho HVG.

Ông Dương cũng biết thế mạnh này của mình. Được tôi luyện trong quá trình xây dựng và phát triển Thaco thành doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn vào top đầu của nền kinh tế như hiện nay, ông Dương hiểu rõ đòi hỏi “phải có đủ ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi, nuôi khát vọng ngay từ đầu, thay vì cứ đi, hết đường mới nghĩ đến việc tiếp tục mở rộng thì không đi xa được”.

Bằng tư duy này, sau gần 20 năm phát triển tại Chu Lai, Thaco đã hình thành được nền sản xuất mang tính tích hợp cao, với giải pháp liên doanh, liên kết và tự đầu tư linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn phát triển. Hiện Thaco đang triển khai ứng dụng công nghệ và áp dụng phương pháp quản trị công nghiệp trên nền tảng số hóa. 

Cũng chính cách đi bằng chiến lược dài hơi, với khát vọng lớn ngay từ những ngày đầu, nên Khu phức hợp Cơ khí Ô tô Chu Lai - Trường Hải luôn ngăn nắp, ngay ngắn, chỉn chu, đàng hoàng.

Còn hiện giờ, ông Dương đang kỳ vọng, sự kết hợp của nhà quản trị công nghiệp cơ khí quy mô lớn với các nhà nông nghiệp lớn sẽ tạo nên động năng mới cho các kế hoạch kinh doanh trong nông nghiệp.

“Chúng tôi đã xác định triết lý sẽ cùng nhau phát triển, trên cơ sở đó đưa ra các quan điểm, nguyên tắc để định hướng cho các nghiệp vụ, ngành nghề kinh doanh; xây dựng chiến lược hết sức đúng đắn và khác biệt. Mọi việc đều phải có phương pháp, có đội ngũ và thống nhất ngay từ đầu”, ông Dương nói.

3. Chuyện ông Dương đang làm công nghiệp, với toàn máy móc, đinh vít “nhảy sang” làm nông nghiệp, với cây trái, cá, tôm, heo, lại toàn ở thế “giải cứu”, không phải ai cũng chia sẻ. Người thần tượng ông thì nói quá dũng cảm. Người nghi ngờ thì nói, “chắc có gì sau đó”.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có quan điểm rất rõ ràng: “Ông ấy phải rất say mê nông nghiệp”. Ông Cường đặt kỳ vọng lớn vào sự say mê này và mong rằng, sự hợp tác cùng với Hoàng Anh Gia Lai hay Thuỷ sản Hùng Vương sẽ thành công rực rỡ, để góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của đất nước.

Ông Dương cũng mong như vậy, nhưng ông nói, để nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, cần lộ trình và thời gian, chứ không thể vội vàng, mọi việc đều phải được tính toán ngay từ đầu. Sản xuất quy mô lớn giúp tạo ra được sản lượng lớn và áp dụng khoa học công nghệ để có chất lượng ổn định cũng đòi hỏi chuỗi giá trị tối thiểu từ gieo trồng đến chăm sóc và thu hoạch, sau đó tới vận chuyển, bảo quản, xuất nhập khẩu và tiến tới là xây dựng các thương hiệu riêng cho nông nghiệp, rồi bước sang chế biến.

Bởi vậy, mặc dù mới đang tập trung tái cơ cấu loại cây trồng cũng như bước đầu nâng cấp đàn heo giống hay bắt đầu nuôi bò, nhưng ý tưởng về những chương trình ẩm thực như mảnh ghép quan trọng cuối cùng trong chuỗi từ nông trại đến bàn ăn đã được ông Dương nghĩ tới.

Với hướng này, thời gian tới, ông Dương cho biết, Thaco sẽ hợp tác với những chuyên gia ẩm thực, đầu bếp tên tuổi trên thế giới, để những nguyên liệu sẵn có mà Thaco/Thadi cung cấp làm nên những món ăn ngon, dễ áp dụng với số đông người dùng, góp phần nâng cao thể chất người Việt qua những đồ ăn có chất lượng.

“Các doanh nhân mà tôi hợp tác đều tâm huyết với nghề, rất chân chất và mong giữ được nghề, giữ được thương hiệu trong nông nghiệp. Đội ngũ nhân lực sẵn có của họ đều có nghề, nên khi có công nghệ quản trị công nghiệp của Thaco, sẽ giúp nhau bật lên nhanh”, ông Dương chia sẻ.

Với riêng mình, ông nói đã ngộ ra rằng, việc liên kết được với các doanh nghiệp Việt tâm huyết trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ là một thành công lớn.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục