Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco: Bản lĩnh người tiên phong

Được giới doanh nhân nể trọng bởi nghị lực và sự kiên định đến cùng, với doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), khởi nghiệp trong những lĩnh vực mới không thuần túy là tận dụng cơ hội, mà còn là kết quả của sự nghiền ngẫm rất kỹ trước đó.
Sao Đỏ 2001 Trần Bá Dương. Sao Đỏ 2001 Trần Bá Dương.

Luôn chủ động

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, lại ở ngành cơ khí chế tạo với ông Dương không chỉ bởi đam mê nhất thời sau một thời gian kinh doanh xe và muốn thử sức. Bởi vậy, năm 2002, quyết định ra Chu Lai (Quảng Nam) với giấc mơ làm lớn về ô tô dù khiến nhiều người cho là viễn tưởng, nhưng với ông, đó là bước đi đã được định hình.

Đáng nói là khi ấy, Chu Lai tuy đã được định hình là khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước, nhưng hạ tầng vẫn chưa có gì đáng kể. Nơi đây không phải là trung tâm phân phối lớn của cả nước, việc vận chuyển đến các vùng miền không thuận lợi, chi phí đầu tư cao. Đặc biệt, nguồn nhân lực gần như ở điểm xuất phát, bởi phần lớn là nông dân, việc chuyển họ thành công nhân với tác phong công nghiệp là vô cùng khó.

Nhưng sau 15 năm xây dựng và phát triển bằng chiến lược khác biệt, tham gia thẳng chuỗi giá trị toàn cầu để khẳng định chất lượng, sự kiên định, quyết tâm dám nghĩ, dám làm, ông Dương đã biến một vùng đất gió Lào cát trắng trở thành nơi dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Chia sẻ về quãng đường phát triển của Thaco với ngành ô tô - cơ khí, vị thuyền trưởng của Thaco tâm sự, làm công nghiệp đòi hỏi phải có đủ ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi, nuôi khát vọng ngay từ đầu. Với ngành công nghiệp ô tô, nguồn lực đổ vào cũng không nhỏ, nên phải tính toán dòng tiền, bởi nếu không bán được hàng, thì sản xuất ra làm gì, nhà máy làm gì còn giá trị nào.

Sự chủ động với ông Dương còn là biết “chấp nhận sự thay đổi của xu thế, cố gắng đón đầu, xem thách thức là cơ hội, biết điều chỉnh, tìm kiếm những gì mình chưa có, cái gì không cần thiết là phải bỏ, dù đó từng là thế mạnh của mình”.

Cũng bởi nghiên cứu kỹ và hiểu rõ mối quan hệ biện chứng của vấn đề, nên các bước đi của Thaco trong lĩnh vực ô tô - cơ khí chế tạo ở buổi ban đầu, hay sau đó mở rộng sang lĩnh vực logistics và tham gia nông nghiệp sau này đều có liên quan mật thiết với nhau theo cơ chế hỗ trợ, cộng hưởng để tạo ra giá trị lớn hơn từ nền tảng ban đầu.

Minh chứng rõ nét nhất là, với nền tảng sẵn có là Khu phức hợp Cơ khí và Ô tô Chu Lai - Trường Hải, Thaco đã hình thành Trung tâm Cơ khí đa dụng miền Trung. Sản phẩm đầu ra của Trung tâm không chỉ là các máy móc cơ khí phục vụ canh tác, cơ giới hoá ở khâu trồng trọt, mà là các sản phẩm cơ khí hóa trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, trồng trọt, chế biến, vận chuyển, bảo quản.

Đây cũng là bước đi tiếp theo trong mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp - một lĩnh vực quan trọng của đất nước, đang được Thaco triển khai cụ thể thông qua Dự án Khu công nghiệp nông nghiệp ở Thái Bình, hay qua thương vụ M&A cùng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hồi tháng 8/2018.

Tuy là “tay chơi mới” trong nông nghiệp, nhưng xem ra kế hoạch phát triển ngành này đã được ông Dương chuẩn bị kỹ theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, áp dụng cơ giới - tự động hóa bằng các thiết bị chuyên dụng và quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín.

Đơn cử, Thái Bình - một địa điểm đầu tư chiến lược trong kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp của Thaco - sẽ phát triển nông nghiệp hệ thống kênh nội đồng và với các tỉnh trong vùng thông qua sông Hóa, sông Luộc, sông Hồng; kết nối với cảng Hải Phòng, cửa khẩu Lạng Sơn và các địa phương bằng hệ thống đường quốc lộ.

Ngoài việc triển khai Dự án Sản xuất công nghiệp ngũ cốc thông qua đầu tư Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp, Thaco sẽ thi công 4,8 km đường kết nối khu công nghiệp này với Quốc lộ 10, đầu tư bến cảng sông nội địa; triển khai cánh đồng thực nghiệm trồng lúa giống, ứng dụng cơ giới hóa, quản trị công nghiệp vào canh tác, hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đồng thời, Thaco sẽ triển khai liên kết trồng lúa với các hợp tác xã, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và giải pháp cơ giới hóa, hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch và bao tiêu nông sản.

Bên cạnh Khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp được đầu tư ngay tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Thaco cũng sẽ đầu tư thêm một khu tương tự ở vùng Đông Nam bộ.

Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco: Bản lĩnh người tiên phong ảnh 1

Thaco sẽ đầu tư thêm một khu tương tự ở vùng Đông Nam bộ.

Vì lợi ích trăm năm trồng người

Trong số các bí quyết giúp Thaco tiếp tục phát triển lớn mạnh không giới hạn theo mô hình tập đoàn đa ngành, ông Dương đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhân sự. Vấn đề này đã được giải quyết tốt nhất thông qua quyết tâm lập Trường cao đẳng Thaco để đào tạo nghề, miễn học phí cho công nhân, thường xuyên đào tạo lại để nâng cao tay nghề cho các bậc thợ. Hàng ngàn nông dân đã trở thành những công nhân được đào tạo bài bản, có tác phong công nghiệp, tinh thần kỷ luật, thái độ làm việc tích cực, hiệu quả.

Triết lý được Thaco đề ra trong quá trình đào tạo đội ngũ nhân sự là có ý chí, nghị lực mạnh mẽ, hăng say học tập, nắm bắt những kiến thức chuyên môn theo yêu cầu mới, rèn luyện bản thân để biết chia sẻ, giúp đỡ, nhằm phát triển cùng với đồng nghiệp, để có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của doanh nghiệp, cũng như trở thành người tốt, có ích cho đất nước.

Mang tâm thế đó, những chương trình xã hội mà Thaco triển khai trong nhiều năm qua như cam kết hỗ trợ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 200 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021, tài trợ cho chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia, hay Chuyện tử tế đều nhằm chắp cánh cho khát vọng ham học hỏi, biết chấp nhận thử thách và sống tử tế ở người trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Từng hai lần đối mặt với khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng tới sức mua và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty; oằn mình gánh chịu thiệt hại của thiên tai, hay đối mặt với hỏa hoạn ngay trong ngày đầu năm 2018, ông Dương rất thấu hiểu những rủi ro trong kinh doanh do những biến động khôn lường. Bởi vậy, là doanh nghiệp lớn, mang vị thế tiên phong, nhưng chuyện hợp tác của Thaco không mang tâm lý bề trên.

“Tôi không phân biệt đối tác lớn nhỏ, mà sử dụng triệt để sở trường của họ, bởi suy nghĩ rằng, đất nước cho mình cơ hội phát triển, thì mình phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo, nhất là giúp các doanh nghiệp nhỏ. Nếu người ta chưa đạt, mình phải đưa cho họ tiêu chuẩn, tiêu chí để họ hoàn thiện hơn”, ông Dương nói.

Điều này đã được chứng minh tại rất nhiều công trình, dự án được Thaco triển khai. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, ông Dương đã huy động toàn bộ các nhà thầu Việt Nam và chỉ có nhà thầu Việt Nam tham gia dự án này, hoàn toàn khác với các dự án lớn khác là dựa vào nhà thầu nước ngoài.

Ngay với chuyện hợp tác cùng Hoàng Anh Gia Lai, dù bỏ ra xấp xỉ 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên hợp tác, nhưng ông Dương vẫn thể hiện sự chân tình, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau để đồng hành và hỗ trợ doanh nhân Đoàn Nguyên Đức vượt qua khó khăn và thực hiện được hoài bão của mình trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Dương đã thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu, để làm bệ đỡ cho những người có chung đam mê về cơ khí chế tạo, bởi ông “trân trọng tất cả những ai đam mê ngành cơ khí, có năng khiếu tham gia ngành này”.

Dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng Trần Bá Dương, Thaco đang vững bước trên con đường kinh doanh, trở thành một tập đoàn với sự phát triển vô giới hạn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục