Tạo áp lực lên doanh nghiệp nhà nước

Thuật ngữ “lộ diện” hay “rò rỉ thông tin” có lẽ trở nên lạc hậu khi nói về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới. Thay vào đó, sẽ là các hoạt động công khai thông tin một cách chủ động.
Tạo áp lực lên doanh nghiệp nhà nước
Việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang thử nghiệm hệ thống quản lý trực tuyến với DNNN, đảm bảo giám sát thông tin DNNN theo thời gian thực, đang đẩy nhanh sự hiện diện một cách thực chất, đúng nguyên tắc thị trường của khu vực doanh nghiệp này.
Với hệ thống quản lý trực tuyến nêu trên, ủy ban này sẽ có công cụ quan trọng nhất: đó là thông tin cập nhật và đầy đủ để vận hành trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tình trạng DNNN thua lỗ, gây thất thoát, nhưng không ai chịu trách nhiệm sẽ không thể tái diễn. Nhưng quan trọng hơn, đây là cơ sở để có một hệ thống dữ liệu lớn của khu vực DNNN nhằm phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp, cũng như cung cấp thông tin cho thị trường về một khu vực hiện nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, đang trong giai đoạn tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn...

Đây cũng chính là điều mà thị trường, thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước (hiện chịu trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước), thậm chí cả cơ quan giám sát tối cao (là Quốc hội) chưa có được.

Nếu nghiên cứu báo cáo hằng năm của Chính phủ gửi Quốc hội từ năm 2011 đến nay và so sánh, đối chiếu với các báo cáo, ấn phẩm của cơ quan nhà nước có liên quan (như Tổng cục Thống kê), có thể nhận thấy sự thiếu thống nhất về số liệu liên quan tới vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Các nguồn báo cáo này có sự khác biệt không nhỏ về số liệu doanh nghiệp đa sở hữu do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đó là chưa kể, thông tin về doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% vốn điều lệ hiếm khi được đề cập.

Hệ quả là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không đủ công cụ thông tin để làm tốt chức năng giám sát, cảnh báo rủi ro và điều chỉnh chính sách cho phù hợp, kịp thời.

Xét riêng về mục tiêu đảm bảo lợi ích tối cao của chủ sở hữu nhà nước, tình trạng không nắm được thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật về tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong tất cả doanh nghiệp có thể dẫn tới việc không tận dụng được, khai thác được, thậm chí bỏ qua, lãng phí một nguồn lực lớn của Nhà nước, nhất là tại doanh nghiệp đa sở hữu.

Về góc độ thị trường, tình trạng thiếu thông tin đầy đủ, cập nhật sẽ khiến nhà đầu tư có tâm lý e dè hơn khi quyết định tham gia các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của khu vực DNNN.

Cho dù còn nhiều việc phải làm để siết kỷ luật thị trường với hoạt động của DNNN, nhưng những động thái đầu tiên từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang tạo áp lực tích cực cho khu vực DNNN. Trước hết, đó là sự chuẩn chỉnh theo các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp hiện đại theo thông lệ quốc tế.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục