Điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Sẽ điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước vừa được Quốc hội thông qua cuối tuần trước.
Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH vẫn chưa thật đồng bộ. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Đức Thanh. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH vẫn chưa thật đồng bộ. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Đức Thanh.

Bất cập trong CPH chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

Nghị quyết khẳng định, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH giai đoạn 2011-2016 vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.

Một số chủ trương, chính sách chậm được thể chế hóa, chưa có các giải pháp mang tính đột phá trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH. 

Tỷ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối.

Một số doanh nghiệp có thay đổi mô hình hoạt động, nhưng hiệu quả kinh tế và quy mô hoạt động chưa cải thiện đáng kể so với trước khi CPH. Việc thu hút nhàđầu tư chiến lược trong nước cũng như nước ngoài tham gia mua cổ phần còn hạn chế....  

Những vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất với các luật khác.

Chậm triển khai chủ trương tách bạch quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp, chưa có một đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời, còn hiện tượng né tránh trách nhiệm, còn tư tưởng lo lắng mất lợi ích sau CPH. 

Hoạt động kiểm tra, giám sát đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp dù đã có quy định pháp luật, nhưng còn chưa thường xuyên, kém hiệu quả.

Hệ thống thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa đủ nhạy bén để giám sát và cảnh báo kịp thời cho người đại diện chủ sở hữu các sai phạm, nhiều vụ việc sai phạm hầu hết được phát hiện sau thanh tra, kiểm toán khi đã xảy ra sai phạm, nên việc khắc phục hậu quả rất khó khăn. 

Luật hóa chính sách thu lợi nhuận, cổ tức và CPH 

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém trong CPH thời gian tới, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ khẩn trương tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư... 

Đặc biệt, cần điều chỉnh khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Chậm nhất vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Chính phủ phải báo cáo Quốc hội việc luật hóa chính sách thu lợi nhuận, cổ tức tại doanh nghiệp có vốn nhà nước và các nội dung về CPH doanh nghiệp nhà nước. 

Nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH;

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp không đúng quy định để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước. 

Ngoài ra, Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra tồn tại, hạn chế và các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hoàn thành mục tiêu CPH và thoái vốn nhà nước theo đúng quy định pháp luật và cơ chế thị trường; đẩy mạnh việc minh bạch, công khai thông tin; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát trong quá trình CPH, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục rà soát hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội;

Duy trì tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý để thu hút nhà đầu tư và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.  

Bên cạnh yêu cầu tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH, Nghị quyết quy định lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với lãnh đạo các cơ quan, người giữ chức vụ chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

"Bịt lỗ hổng trong xác định giá trị doanh nghiệp"

Ông Tô Văn Tám, Đại biểu tỉnh Kon Tum

 Cử tri vẫn rất lo ngại sự trục lợi, lợi ích nhóm, quan hệ không rành mạch trong định giá cũng như tình trạng thông thầu khi đấu giá trong quá trình CPH. Bởi vậy, thời gian tới, Chính phủ cần thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật về CPH để bịt kín các lỗ hổng trong trong xác định giá trị tài sản vô hình, đồng thời tăng cường, chỉ đạo thanh tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, loại trừ sự trục lợi, tiêu cực trong CPH.

"Mở rộng lĩnh vực thu hút nhà đầu tư chiến lược"

Ông Nguyễn Minh Đức, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội

 Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc chậm CPH là chưa thu hút được nhiều cổ đông chiến lược, nhất là nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Nguyên nhân là có quy định về việc khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông chiến lược nước ngoài tại công ty cổ phần sau khi CPH; việc định giá và giá bán cổ phần chưa theo chuẩn của quốc tế...

Để nâng cao hiệu quả CPH, cần có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược. Chính phủ nên cân nhắc mở rộng lĩnh vực ngành nghề mà nhà đầu tư chiến lược nắm giữ cổ phần chi phối, trừ lĩnh vực ngành nghề ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục