Tăng trưởng xe xanh, lực đẩy từ chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29/8, nhiều chuyên gia đã kiến nghị cần chính sách đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng xe xanh, thân thiện môi trường.
Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” do Báo Đầu tư thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và giới truyền thông tham dự. Ảnh Dũng Minh Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” do Báo Đầu tư thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và giới truyền thông tham dự. Ảnh Dũng Minh

TS. Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Phát thải carbon thấp, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam có điều kiện để phát triển xe xanh với nhiều yếu tố thuận lợi. Trong đó, thuận lợi lớn nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn, tiến tới chuyển đổi xu hướng sử dụng sản phẩm xe xanh, thân thiện môi trường. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Việt Nam đang nỗ lực các giải pháp thực hiện đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Trong đó, ngành giao thông vận tải đã có những chính sách cụ thể hướng tới Net Zero. Cắt nghĩa về Net Zero, ông Hà Quang Anh nhấn mạnh, là sự cân đối giữa phát triển và môi trường, không có nghĩa là không phát thải, mà là cân bằng giữa phát thải và hấp thụ để đạt bằng 0.

Các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh Dũng Minh.

Các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi, một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh Dũng Minh.

Ông Đặng Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Bộ Công thương cho biết, trong dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm đến 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công thương đã mạnh dạn đề cập hỗ trợ với nhiều chính sách tốt hơn nữa với các dòng xe điện khí hóa, thân thiện với môi trường. Trong tương lai có nhiều công nghệ mới, xe xanh công nghệ mới.

“Đây là thời điểm vàng để đi tắt đón đầu công nghệ với các loại xe thân thiện với môi trường”, ông Mai nói.

Ông Đặng Hoàng Mai, Đại diện Bộ Công thương chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh Dũng Minh.

Ông Đặng Hoàng Mai, Đại diện Bộ Công thương chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh Dũng Minh.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam là một trong những nước có chính sách ưu tiên phát triển phương tiện giao thông xanh cao so với các nước trên thế giới và có cam kết hướng tới giao thông xanh với các chính sách ưu đãi về thuế.

Bộ Giao thông Vận tải vừa triển khai lấy ý kiến đối với Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam. Khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện được đề cập trong Báo cáo sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất, tiến tới nắm bắt công nghệ mới, chuyển đổi sử dụng ô tô điện trong nước.

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, ngành ô tô nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư và đã có những bước phát triển. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ngành ô tô điện đã ở mức cao nhất trong ưu đãi thuế hiện nay. Với dòng xe lai, đã được ưu đãi ở mức rất cao, không bằng xe điện nhưng cao hơn xe năng lượng hóa thạch. Các loại xe này áp dụng thuế suất bằng 70% xe chạy bằng năng lượng hóa thạch.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, và người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh Dũng Minh.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh Dũng Minh.

Trong đó, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị xây dựng chính sách phải rõ ràng mục tiêu, có tầm nhìn rộng, đồng thời và toàn diện.

Theo ông Hiếu, Ban soạn thảo phải có tư duy tổng thể về xây dựng chính sách, đáp ứng 3 yêu cầu: Thứ nhất, chính sách phải rất rõ ràng về mục tiêu và nội dung khuyến khích là gì. Thứ hai, chính sách phải dài hạn, ổn định, mang tính cam kết là không có những chính sách kém thuận lợi hơn trong tương lai. Thứ ba, cần sự toàn diện và đồng thời của các chính sách.

Ngoài ra, ông Hiếu nhấn mạnh chính sách phải “thông minh hơn”, triển khai nhanh hơn. Đồng thời, kiến nghị nên tranh luận về tính cao, thấp trong ưu đãi. Cao thấp hay không so với quốc tế là tính tham khảo, còn ở Việt Nam ưu đãi phù hợp với tính mục tiêu và tính thực tế mới quan trọng.

Thị trường một trăm triệu dân như Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi mở rộng dư địa tăng trưởng cho xe xanh, xe thân thiện môi trường. Lực đẩy từ chính sách với các hỗ trợ cụ thể sẽ giúp tăng dung lượng xe xanh trên thị trường.

Việt Nam có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện – một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời bên cạnh những nỗ lực chuyển đổi xanh nền kinh tế nói chung mà Chính phủ đang rất thúc đẩy.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục