Ông Võ Minh Lực cho biết, theo số liệu từ IEA, phần lớn doanh số bán ô tô điện vào năm 2023 là ở Trung Quốc (60%), châu Âu (25%) và Hoa Kỳ (10%). Các khu vực này chiếm khoảng 65% tổng doanh số ô tô trên toàn cầu.
Năm 2020 là cột mốc đáng chú ý của thị trường xe điện toàn cầu với mức tăng trưởng 43% so với năm 2019, thị phần xe điện tăng lên mức kỷ lục 4,6% so với tổng lượng xe bán ra thị trường. Đến năm 2023, thị phần xe điện tăng lên mức khoảng 18%. Những số liệu này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường xe điện trong thời gian gần đây.
Dự kiến đến hết năm 2024, thị phần ô tô điện có thể chiếm đến 45% tại Trung Quốc, 25% ở châu Âu, 11% tại Mỹ. Tại Trung Quốc, số lượng xe điện đăng ký mới đạt 8,1 triệu xe vào năm 2023, tăng 35% so với năm 2022. Doanh số bán xe điện tăng nhanh chóng đến từ các chính sách thúc đẩy từ chính phủ.
Trong năm 2023, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 4 triệu xe, trong đó có 1,2 triệu xe điện. Tổng lượng xe xuất khẩu cao hơn gần 65% so với năm 2022, riêng đối với xe điện là hơn 80%.
Tại châu Âu, số lượng đăng ký xe điện mới đạt gần 3,2 triệu vào năm 2023, tăng gần 20% so với năm 2022. Trong năm 2023, Đức là quốc gia đầu tiên tại châu Âu ghi nhận hơn nửa triệu xe điện chạy pin được đăng ký mới, trước đó chỉ có Trung Quốc và Mỹ.
Tại Thái Lan, doanh số xe điện phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây với gần 80.000 xe được bán ra trong năm 2023. Điều này nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách liên quan đến trợ cấp, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng với đó là sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện cho thị trường nội địa và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu thu hút 28 tỷ USD từ đầu tư nước ngoài trong vòng 4 năm, được hỗ trợ bởi các ưu đãi cụ thể để thúc đẩy đầu tư.
Chính sách thúc đẩy phát triển xe điện ở các nước
Theo ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam, việc chuyển đổi sang sử dụng, đầu tư xe điện chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức nhưng về lâu dài sẽ giúp giảm thiểu sự phát thải các khí gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo nên cuộc sống xanh hơn. Cần xây dựng chi tiết hơn các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang việc sử dụng, đầu tư xe điện.
Đông đảo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và truyền thông tham gia hội thảo cùng trao đổi về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thị trường xe điện tại Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh. |
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các chính sách này và nhận được những kết quả khả quan, có thể kể đến như: Chính phủ Thái Lan mở rộng các chính sách trợ giá cho xe điện chạy pin như giảm thuế, trợ cấp tiền mặt…
Các doanh nghiệp tại Thái Lan cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5-8 năm khi tham gia các dự án đầu tư xe thuần điện và miễn thuế nhập khẩu đối với phụ tùng ô tô điện. Đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan còn ưu đãi lên đến hơn 100 triệu đồng cho nhà sản xuất với mỗi xe bán ra từ năm 2022 theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Những chính sách này đã giúp tỉ lệ xe điện ở Thái Lan gia tăng mạnh mẽ, trung bình mỗi 5 xe bán ra thị trường là có 1 xe điện vào đầu năm 2024.
Tại Trung Quốc, người dân chuyển đổi từ xe dùng động cơ truyền thống sang xe điện từ tháng 7/2024 sẽ nhận được khoản trợ cấp 20.000 NDT, tương đương 70 triệu đồng, con số này gấp đôi mức trợ cấp được công bố vào tháng 4.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA) và Hiệp hội Sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số ô tô nửa đầu năm 2024 tại thị trường này đạt 14,047 triệu xe, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số xe năng lượng mới chiếm đến 35,2% thị phần. Theo dự báo của Fitch Ratings vào tháng 11 năm nay, ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh số 20%.
Tại Malaysia, quốc gia này đang miễn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện. Xe điện nhập khẩu nguyên chiếc được miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt trong 4 năm, kể từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2025. Các linh kiện dành cho xe điện lắp ráp trong nước hiện được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu trong 6 năm, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027. Đối với xe điện được lắp ráp trong nước sẽ được miễn hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bán hàng trong 6 năm. Malaysia cũng miễn thuế đường bộ đối với xe điện.
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, Malaysia đặt mục tiêu xe điện chiếm 80% tổng doanh số xe trên cả nước vào năm 2050.
Một quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á là Indonesia cũng sở hữu chính sách xe điện đặc biệt. Tổng thống Indonesia đã ban hành Sắc lệnh số 55 về Chương trình tăng tốc phát triển xe điện cho giao thông đường bộ với ưu đãi đặc biệt cho xe điện nội địa hóa vào năm 2019. Cụ thể, giai đoạn 2022 đến 2023, tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu hơn 40%; giai đoạn 2024 đến 2029 tối thiểu 60%; sau năm 2030, tối thiểu 80%. Quốc gia này đặt mục tiêu doanh số ô tô điện trong năm 2024 là hơn 50.000 xe, tức tăng gấp 3 lần so với năm 2023.
“BYD tham gia thị trường vào Việt Nam để cùng chung tay với tất cả đối tác tại thị trường Việt Nam, mang đến những công nghệ mới nhất, sản phẩm mới nhất và dịch vụ tốt nhất cho thị trường Việt Nam, từ đó giúp người dùng có thêm nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm những sản phẩm xe năng lượng mới. Với sự nỗ lực chung từ nhiều phía, ngành ô tô Việt Nam trong tương lai sẽ phát triển vượt bậc hơn, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận những sản phẩm giao thông xanh với nhiều công nghệ hiện đại và chi phí hợp lý”, ông ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Việt Nam nhấn mạnh.
Tập đoàn BYD thành lập vào năm 1995, chính thức bước chân vào lĩnh vực sản xuất và phân phối ô tô từ năm 2003. Với triết lý “công nghệ là cốt lõi, đổi mới là nền tảng”, BYD đã ấp ủ giấc mơ xanh, mong muốn thông qua đổi mới công nghệ để góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho Trái Đất. Sau hơn 30 năm, thương hiệu BYD đã có mặt tại 88 quốc gia và khu vực ở khắp 6 châu lục.
Dù xuất phát là một nhà sản xuất pin, hiện tại BYD đã phát triển thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu với hơn 700.000 nhân viên với 4 ngành công nghiệp trụ cột là ô tô, vận tải đường sắt, năng lượng tái tạo và điện tử. Từ quá trình thu thập, lưu trữ và ứng dụng năng lượng, BYD luôn cam kết cung cấp các giải pháp năng lượng không phát thải giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.
BYD hướng đến chiến lược giao thông xanh toàn diện, điều này được thể hiện rõ với sự góp mặt tại 11 lĩnh vực giao thông khác nhau như xe con, xe buýt, xe khách, xe tải, xe giao hàng hóa, xe chuyên dùng cho xây dựng, y tế cùng các phương tiện công cộng trong lĩnh vực đặc biệt như xe hoạt động trong sân bay, khu vực kho bãi, cảng, khu vực khai thác mỏ, khoáng. BYD có thể chuyển đổi tất cả phương tiện sử dụng xăng hay dầu diesel truyền thống thành xe thuần điện.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, BYD đang sở hữu 4 thương hiệu là BYD, DENZA, FANGCHENGBAO và YANGWANG. Mỗi thương hiệu của BYD đều có những nét riêng, giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn được mẫu xe năng lượng mới phù hợp với nhu cầu sử dụng. Năm 2022, BYD chính thức dừng sản xuất các mẫu xe dùng động cơ đốt trong truyền thống để tập trung sản xuất các mẫu xe năng lượng mới.
Ngày 4/7/2024, BYD đánh dấu cột mốc chiếc xe thứ 8 triệu xuất xưởng tại nhà máy ở Thái Lan. Đây là cột mốc đầy tự hào của BYD trong hành trình mang đến những sản phẩm xe năng lượng mới thân thiện với môi trường cho khách hàng trên toàn cầu.