
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi ấn tượng trong quý I/2025, với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng gần 20%, cho thấy đà tăng trưởng vẫn được duy trì dù có dấu hiệu chững lại so với hai tháng đầu năm.
Trong đó, tôm các loại tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 931,6 triệu USD trong quý I, tăng 35,7%. Riêng tháng 3 đạt 327 triệu USD (tăng 20,4%). Sự tăng trưởng vượt bậc này đến từ nhu cầu mạnh mẽ tại các thị trường lớn như Trung Quốc (sau Tết Nguyên đán), Mỹ, và EU, nơi các hiệp định thương mại như EVFTA đang phát huy hiệu quả.
Cá tra cũng không kém phần quan trọng, đóng góp 465 triệu USD trong quý I (tăng 13%) và 181 triệu USD trong tháng 3 (tăng 16,1%). Giá nguyên liệu ổn định cùng chiến lược đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp hai mặt hàng này duy trì vị thế dẫn đầu.
Tuy nhiên, Vasep đánh giá tốc độ tăng trưởng của cá tra có phần chậm hơn tôm, phần nào phản ánh nhu cầu của thị trường chững lại trong những tháng đầu năm, trong bối cảnh biến động địa chính trị và áp lực thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Trong khi đó, tôm Việt Nam dù giữ được đà tăng, vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ – những quốc gia có lợi thế về giá cả và quy mô sản xuất.
Đặc biệt, thông tin Mỹ (thị trường tiêu thụ thuỷ sản hàng đầu của nước ta) sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% cho tất cả hàng nhập khẩu từ ngày 5/4/2025, đồng thời áp mức thuế suất đối ứng là 46% đối với Việt Nam - sẽ trở thành áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Mức thuế này đang cao hơn nhiều nước xuất khẩu thủy sản cạnh tranh khác như Thái Lan (36%), Ấn Độ (26%), Indonesia (32%), Ecuador (10%), dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của con cá, con tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Với những thông báo về thuế như trên, Vasep cho biết có những doanh nghiệp cũng đang cân nhắc xuất khẩu trước các mốc 5/4 và 9/4 để giải quyết hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp băn khoăn rằng, mốc thời gian chính xác để một lô hàng bị tính thuế chưa rõ ràng.
Do đó, vừa qua, Vasep đã trao đổi với các bên liên quan và đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đề nghị sớm có phương án đàm phán với Chính phủ Mỹ xác định thống nhất mức thời gian áp dụng mức thuế mới và thông báo chính thức cho phía Hải quan Mỹ. Đồng thời đàm phán giảm thuế xuống mức phù hợp nhất, đề nghị Chính phủ Mỹ không áp mức thuế 46% lên tất cả các mặt hàng, cần tách riêng mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng theo danh mục hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế tương ứng.
Mặt khác, Vasep cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn. Không nên xuất hàng từ ngày 05/04 để tránh bị áp thuế bổ sung 10% và không xuất hàng từ ngày 09/04 để tránh mức thuế đối ứng 46%. Đặc biệt là chờ hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ ngành (nếu có) để quyết định các phương án và kế hoạch xuất khẩu tiếp theo.