Xu hướng giảm được dự báo trước
Số liệu chính thức từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, số lượng hợp đồng khai thác mới toàn thị trường nhân thọ đạt khoảng 926.000 hợp đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021 và doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, giảm 8% so. Tuy nhiên, tổng phí bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 14,5% so với cùng kỳ lên 52.000 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, việc doanh thu khai thác mới tiếp tục sụt giảm trong những tháng đầu năm 2022 là điều được dự báo trước, khi mà xu hướng giảm đã xuất hiện từ hơn 2 năm trước - thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Việt Nam, là yếu tố tác động tiêu cực nhất tới tăng trưởng phí mới của thị trường nhân thọ thời gian qua.
Ông Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011-2019, tăng trưởng phí khai thác mới thị trường nhân thọ ổn định ở mức cao, khoảng 30%/năm, nhưng kể từ năm 2020 bắt đầu giảm về mức 22%, năm 2021 là gần 20% và dự báo tiếp tục giảm trong năm 2022.
“Dù Covid có xuất hiện hay không thì việc thị trường bảo hiểm nhân thọ bước vào chu kỳ giảm chỉ là vấn đề thời gian, bởi không có ngành, lĩnh vực kinh tế nào có thể duy trì đà tăng trưởng cao mãi”, ông Dũng nhìn nhận.
Còn nhiều dư địa khai thác
Theo ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, tăng trưởng doanh thu khai thác mới của thị trường nhân thọ giảm những năm gần đây, ngoài tác động của bệnh dịch, còn do số lượng nhân sự bảo hiểm được tuyển dụng thấp hơn so với giai đoạn trước.
Ngay cả khi tăng trưởng phí mới giảm về mức 10% thì vẫn tích cực so với nhiều thị trường khác trong khu vực khi tỷ lệ này chỉ ở quanh mức 3 - 5%.
“Tuy nhiên, đây chỉ là tình huống tạm thời và tôi tin rằng, ngành nhân thọ sẽ bật trở lại trong nửa cuối năm”, ông Sang Lee nhận định, đồng thời cho biết, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ còn ở mức thấp (theo thống kê của IAV, tính đến cuối năm 2021, chỉ khoảng 11% người dân Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ), trong khi nhu cầu về bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng. Chưa kể, bảo hiểm nhân thọ nằm trong nhóm ngành mang lại thu nhập cao so với mặt bằng chung nên sẽ thu hút được nhiều lao động.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phùng Bá Khang, Giám đốc Khối Sản phẩm và sức khỏe, Manulife Việt Nam cho rằng, Covid-19 là yếu tố chính kéo chậm đà tăng trưởng nền kinh tế, khiến thu nhập của đại bộ phận người dân giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới nhu cầu mua bảo hiểm, cho dù đây cũng là tác nhân khiến cộng đồng nhận thức tốt hơn về vai trò của bảo hiểm.
“Khó khăn về tài chính có thể khiến người dân tạm thời chưa tham gia bảo hiểm, nhưng nhu cầu thì vẫn ở đó và tôi tin rằng, tiềm năng thị trường nhân thọ trong dài hạn vẫn rất lớn. Thời gian tới, định hướng của Chính phủ là tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và điều này sẽ giúp cải thiện sức cầu bảo hiểm”, ông Khang nói.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Ngô Trung Dũng đánh giá, không phủ nhận thị trường nhân thọ đang trong xu hướng giảm những năm gần đây, nhưng ngay cả khi tăng trưởng phí mới giảm về mức 10% thì vẫn tích cực so với nhiều thị trường khác trong khu vực khi tỷ lệ này chỉ ở quanh mức 3-5%. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2021-2026, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… dự kiến tăng trưởng phí mới từ 3,1-4,7%/năm.
“Chu kỳ tăng trưởng giảm rồi lại tăng đó là điều tự nhiên. Thêm vào đó, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ còn chưa cao, trong khi tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh… sẽ tạo dư địa tăng trưởng cho thị trường nhân thọ”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết, một động lực khác là việc cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang không ngừng tăng cường tương tác, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước.
“Hiện tại, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có khoảng 800 đầu sản phẩm nhưng xét về tính đa dạng, phù hợp cho người tiêu dùng vẫn chưa phải là tối ưu nhất. Nếu cải thiện được điều này nữa thì rất tốt và dĩ nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đang tập trung vào điều này”, ông Dũng nói.
Theo Swiss Re, nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng của Việt Nam ước tính lên tới 1.770 tỷ USD (theo số liệu năm 2021), còn nhu cầu bảo hiểm sức khỏe chưa được đáp ứng khoảng 36 tỷ USD (số liệu năm 2017). Nhu cầu bảo hiểm hưu trí chưa có thống kê chính thức, nhưng không phải là con số nhỏ và Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển hệ thống hưu trí bảo vệ tốt hơn cho người già.
“Tôi cho rằng, nhu cầu bảo hiểm hưu trí chưa được đáp ứng tại Việt Nam có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, khi chỉ một bộ phận nhỏ người ở độ tuổi 60-80 được nhận lương hưu nhà nước và tỷ lệ thâm nhập của lương hưu tư nhân còn rất hạn chế. Thực tế, cả 3 nhu cầu bảo hiểm trên đều đang rất lớn ở Việt Nam”, ông Sang Lee cho hay.
Manulife “độc chiếm” 1/5 thị phần doanh thu phí mới
Về phía doanh nghiệp, Manulife đang dẫn đầu thị trường nhân thọ về cả số hợp đồng cũng như doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới. Cụ thể, kết thúc 4 tháng đầu năm 2022 số lượng hợp đồng khai thác mới của Manulife chiếm khoảng 15% tổng số hợp đồng khai mới toàn thị trường, tiếp theo là Dai-ichi Life với 11%, AIA là 9%, Bảo Việt và Prudential cùng nắm giữ 8% và các doanh nghiệp còn lại chia nhau 49% thị phần.
Tương tự, thị phần doanh thu phí khai thác mới của Manulife chiếm gần 20% tổng doanh thu phí khai thác mới toàn thị trường, tiếp theo là Prudential với gần 16%, Dai-ichi Life gần 13%, Bảo Việt hơn 11%, AIA hơn 7% và hơn 34% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác. Như vậy, tính đến hết tháng 4/2022, gần 1/5 “miếng bánh” doanh thu khai thác mới của thị trường nhân thọ thuộc về Manulife.