“Tăng trần lãi suất tiền gửi mới là động thái quan trọng…”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Việc tăng lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước có một phần nhằm hợp thức hoá xu hướng tăng lãi suất đã có từ nhiều tháng nay trên thị trường 1 và 2 và là động thái chính sách phù hợp”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.
Để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ Để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô buộc Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ

Quan điểm của ông về động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa qua?

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất là một hành động chính sách nhằm đạt được 2 mục tiêu.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Một là, giảm được cung tiền trên cơ sở giảm nhu cầu vay của các doanh nghiệp và người dân. Muốn như vậy, việc tăng lãi suất của NHNN phải dẫn đến việc tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp và công chúng, trên cơ sở đó làm giảm cung tiền. Nếu không, hành động chính sách này sẽ không có ý nghĩa gì. Điều này buộc các doanh nghiệp và người dân phải cân nhắc khi quyết định vay vốn từ các ngân hàng thương mại cả về khối lượng, kỳ hạn và mục đích sử dụng phù hợp với chỉ báo của NHNN.

Hai là, tăng lãi suất là để tăng giá trị đồng Việt Nam so với các đồng tiền khác, đặc biệt là USD, dưới sức ép của làn sóng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới.

Cả hai mục đích nói trên, cuối cùng nhằm giảm áp lực lạm phát, đặc biệt là lạm phát từ hàng nhập khẩu thông qua tỷ giá hối đoái và có thể thông qua việc tăng giá của thị trường thế giới, nhất là nhiên liệu khi mùa Đông đang đến gần.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những khó khăn rất lớn như giá đầu vào tăng, giá đầu ra có xu hướng giảm, nhất là hàng xuất khẩu chậm do nhu cầu yếu ở các nước là đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc. Hay do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị đình trệ, hiện tượng chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp hiện khá phổ biến. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất - kinh doanh từ đầu năm 2022 đến nay nên nhu cầu về vốn cố định và lưu động rất lớn. Nhưng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô buộc NHNN phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, NHNN đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát cung tiền, ổn định tỷ giá hối đoái, nhưng tình hình thị trường vẫn rất căng thẳng. Lãi suất cho vay qua đêm có những lúc vượt lên trên 5%/năm, cá biệt có những ngày gần 9%/năm; lãi suất thị trường liên ngân hàng 6 tháng đã xấp xỉ 8%/năm. Mặc dù cơ quan quản lý đã áp dụng biện pháp bán hối phiếu của NHNN, kích hoạt nghiệp vụ thị trường mở (OMO), bán ngoại tệ dự trữ với khối lượng khá lớn nhằm tìm cách ổn định thị trường tiền tệ, nhưng sức ép từ bên ngoài đối với chính sách tiền tệ vẫn còn rất lớn.

Sức ép này một mặt đến từ việc Mỹ và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất do lạm phát cao, kể cả lạm phát tự nhiên lẫn lạm phát cơ bản. Đồng thời, kinh tế nhiều nước, nhất là Mỹ và Anh đang có dấu hiệu suy thoái nhẹ, kinh tế châu Âu cũng khó tránh khỏi xu hướng này. Theo đó, có thể làm suy giảm tăng trưởng xuất khẩu và suy giảm kinh tế của Việt Nam trong những tháng tới, đặc biệt là trong năm 2023. Điều này cũng có thể làm cho thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân vãng lai gia tăng, gây áp lực khá mạnh đối với tỷ giá hối đoái. Vì vậy, việc NHNN tăng lãi suất và không nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng là một biện pháp cần thiết.

Như ông đã đề cập “việc tăng lãi suất của NHNN phải dẫn đến việc tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại”. Nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp đang “than” lãi suất cao khó phục hồi sản xuất - kinh doanh, vấn đề này cần xử lý ra sao?

Để hỗ trợ nhu cầu vốn đang căng thẳng của doanh nghiệp thì hệ thống ngân hàng có thể tiết giảm chi phí hoạt động, gia tăng lợi nhuận từ khu vực dịch vụ, tài chính để hạn chế việc tăng lãi suất cho vay ở mức độ hợp lý (nhưng không thể không tăng). Đặc biệt, các ngân hàng thương mại lớn có tỷ trọng tiết kiệm tiền gửi thanh toán cao thì có điều kiện hạn chế tăng lãi suất cho vay tốt hơn. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ làm trong bối cảnh hiện nay, khi mà nợ xấu của nhiều ngân hàng đã khá cao do doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh do thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, trái phiếu đang suy giảm. Điều này có thể dẫn tới việc một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản, bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng đang gia tăng. Vì vậy, theo tôi, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay đối với hệ thống ngân hàng và NHNN là phải bảo vệ và ổn định thanh khoản, duy trì tín dụng ở mức hợp lý, có lựa chọn, chứ không phải là mở rộng tín dụng.

Có ý kiến nhận định rằng, lãi suất điều hành vừa tăng là khá cao nhưng nhiều khả năng sẽ còn tăng tiếp bởi mặt bằng hiện nay vẫn thấp hơn thời điểm trước Covid…

Việc NHNN tăng lãi suất điều hành 1% là khá mạnh và khá sốc, nhưng theo tôi, cần phải nhìn nhận một thực tế là lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu của NHNN không có nhiều tác động thực thể lên thị trường tiền tệ. Việc tăng trần lãi suất tiền gửi mới là động thái có ý nghĩa thực sự đối với thị trường tín dụng và trên thực tế, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi, cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại đã tăng thêm xấp xỉ 0,5% so với trước. Vì vậy, việc tăng lãi suất vừa qua của NHNN, theo tôi, có một phần hợp thức hoá xu hướng tăng lãi suất đã có từ nhiều tháng nay trên thị trường 1 và 2.

Có quan ngại rằng, dư địa điều hành của chính sách tiền tệ và tài khoá đã cạn. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?

Việt Nam là một quốc gia có kinh tế tăng trưởng khá tốt, lạm phát ở mức tương đối thấp, đồng thời có đồng nội tệ giảm giá so với USD khá thấp so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Do vậy, không thể nói Việt Nam đã hết dư địa của chính sách tài khoá và tiền tệ. Cụ thể hơn, đối với chính sách tiền tệ, Việt Nam đang có mức dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng khá thấp với lãi suất 3% dành cho không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%; trong khi Mỹ và Trung Quốc trên 10%. Việt Nam cũng đang có mức lạm phát cơ bản thấp, ở mức dưới 4% so với Mỹ và châu Âu từ 6 - 6,5%. Việt Nam đang có một lượng dự trữ ngoại tệ khá tốt...

Về chính sách tài khoá, Việt Nam đang có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ hàng hoá đặc biệt khá cao nên có tác động rất tích cực đối với ngân sách. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công của Việt Nam khá thấp 43%, nghĩa vụ trả nợ so với xuất khẩu cũng khá thấp. Chỉ có nghĩa vụ trả nợ tính trên thu ngân sách tương đối cao, nhưng vẫn dưới ngưỡng cho phép. Vì vậy, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả, linh hoạt và đồng bộ các công cụ của chính sách tài khoá và tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một khối lượng lớn vốn đầu tư công chưa được giải ngân. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương gỡ bỏ được vướng mắc về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng thì có thể giải phóng được một khối lượng lớn tiền ra thị trường. Đây là khoản đầu tư có mức độ lan toả khá nhanh, nhất là những ngành như xây dựng, vận tải, bất động sản…

Theo dự báo của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt 7,4%, lạm phát bình quân có thể ở mức 3,9%, lạm phát năm theo năm có thể ở mức 5% và đồng Việt Nam mất giá so với USD tính đến cuối năm 2022 có thể chỉ ở mức 5%. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế có thể đạt ở mức 5,5%, lạm phát bình quân có thể trên 4%. Đây là những chỉ tiêu kinh tế không tồi trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo chỉ tăng trưởng 2,9% và lạm phát toàn cầu khoảng 6%.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục