Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
Áp lực lạm phát và cầu tín dụng tăng cao khiến các ngân hàng chạy đua thanh khoản, đẩy lãi suất tiền gửi đi lên. Tuy nhiên, lãi suất cho vay khó có thể tăng tương ứng.
Các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng nhẹ 0,1-0,3%/năm. Các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng nhẹ 0,1-0,3%/năm.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 5/2022, nhất là khi tín dụng tăng cao trong 4 tháng đầu năm nay và các ngân hàng chuẩn bị thanh khoản để đáp ứng cầu vốn dự báo tăng trong thời gian tới. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng tính đến ngày 25/4 tăng 6,75% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể đạt 14-15% và tương đồng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại. Cầu tín dụng tăng, các nhà băng đẩy mạnh việc chuẩn bị thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao, nhất là các quý còn lại của năm.

Thực tế cũng cho thấy, các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng nhẹ 0,1-0,3%/năm. Lãi suất VND giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 - 0,7%/năm, nhưng tăng trở lại vào đầu tháng 5/2022. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng đầu tháng 5/2022 tăng lên so với thời điểm cuối tháng 4 ở các kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng từ 0,1 - 0,4%/năm.

VnDirect nhận định, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử, do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn. Tuy nhiên, kỳ vọng lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ 0,3-0,5% trong năm nay.

Lãi suất huy động tăng sẽ tác động tới lãi suất cho vay, nhưng khả năng sẽ khó tăng mạnh do NHNN đang thực hiện tốt việc kiểm soát lãi vay. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1 điểm % trong thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có thể giảm 0,2 - 0,4%, tùy tình hình từng doanh nghiệp mà mức giảm có thể đến 0,5%. Trong khi đó, lãi suất huy động tăng khoảng 0,2%. Ngân hàng đang cố gắng giữ lãi suất cho vay trên cơ sở tiết giảm các chi phí vốn và đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào khác nhau để có chi phí thấp.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank, riêng trong quý I/2022, tín dụng của ngân hàng này đã tăng trên 66.000 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 6,9%, cao nhất trong nhiều năm qua. Để đạt được mức tăng trưởng trên, ngay từ đầu năm, Vietcombank đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho vay lãi suất thấp.

Theo ông Tùng, lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong năm 2022-2023. Vì vậy, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay cơ bản ổn định, thậm chí có thể giảm nhẹ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh. Về dài hạn, lãi suất cho vay sẽ biến động phù hợp với tình hình lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của từng ngân hàng.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục