Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất
So với đầu năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay tăng từ 0,1 - 0,2%/năm. Mức cao nhất trên thị trường lên 7,6%/năm thuộc về SCB với kỳ hạn 13 tháng.
Tuy nhiên nhà băng này đưa ra yêu cầu số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. SCB áp dụng mức 7,25%/năm cho kỳ hạn 13 tháng khi gửi tiết kiệm online và kỳ hạn 18 tháng trở lên cũng ở 7,35%/năm.
SaigonBank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. ACB và VietCapitalBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn ở mức 0,1 - 0,2%/năm.
Techcombank tăng lãi suất tiền gửi từ 0,15 - 0,8%. Sacombank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn lên 0,2%. OceanBank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5% với nhiều kỳ hạn.
Trong khi đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) có lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ ở mức 5,5 - 5,6%/năm.
Tiền gửi dân cư tăng trở lại
Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng.
Tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 10,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,32% so với đầu năm, tương đương gần 35.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi dân cư tăng hơn 103.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 1/2022, tương đương tăng 1,95% lên hơn 5,4 triệu tỷ đồng. Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ghi nhận giảm hơn 68.000 tỷ đồng, tương đương giảm 1,21% xuống hơn 5,57 triệu tỷ đồng.
Trước đó, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch bệnh.
Cụ thể, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm)
Các ngân hàng hai năm vừa qua, mức lãi suất giảm sâu đã khiến người dân tìm tới những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán hay bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm như trước kia.
Tuy nhiên, thời điểm đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, trong đó có kỳ hạn tăng đến 0,9%/năm.
Do đó, việc tiền gửi dân cư tăng mạnh ngay trong tháng 1 là không quá bất ngờ. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao nhằm phục vụ chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Công ty Chứng khoán SSI duy trì quan điểm mặt bằng lãi suất trên thị trường đã tạo đáy và kỳ vọng nhích tăng dần về cuối năm. Mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.
Trong tuần 14/3 - 18/3, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hầu như đi ngang xuyên suốt tuần qua và kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,26% (tăng 0,1 điểm %) và kỳ hạn 1 tuần 2,44% (tăng 0,5 điểm %).
Bộ phận phân tích cho SSI cũng cho rằng, nhiều khả năng lãi suất đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 dưới áp lực của tín dụng hồi phục.
Trong khi đó, BVSC dự báo, tăng trưởng tiền gửi dân cư vẫn thấp trong năm nay khi người dân có nhiều sự lựa chọn kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán hay bất động sản.
Với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát
Trong tuần vừa qua, NHNN bơm ròng tổng cộng 642 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO). Trong đó, NHNN bơm 1.019 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua kênh OMO.
Đồng thời, 377 tỷ OMO kỳ hạn 14 ngày đã đáo hạn trong tuần này. Như vậy, lượng OMO đang lưu hành hiện ở mức 1.697 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành vẫn đang ở trạng thái đóng băng trong gần 2 năm trở lại đây.
Nhóm phân tích BVSC cho rằng, việc NHNN tiếp tục bơm ròng trên thị trường mở cũng như Kho bạc Nhà nước mua ngoại tệ là những yếu tố đang hỗ trợ cho thanh khoản thị trường ngân hàng, qua đó giúp lãi suất liên ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt.