Nhà mạng đua phủ sóng 5G
Báo cáo mới nhất từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, đến nay, cả 3 nhà mạng lớn (Viettel, VNPT và MobiFone) đã triển khai khoảng 11.000 trạm 5G (tương đương 7,7% số trạm 4G hiện có) tại 100% tỉnh, thành phố trên toàn quốc và phủ sóng 5G trên 26% dân số.
Tại Viettel, sau khi đấu giá thành công băng tần và triển khai xây dựng hạ tầng, nhà mạng Viettel hiện đạt hơn 6 triệu người dùng 5G. Viettel đang đặt mục tiêu 10 triệu người dùng 5G trong năm 2025. Đồng thời, Viettel cũng nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái ứng dụng 5G cho B2B.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đặt mục tiêu đạt 20.000 trạm BTS 5G ngay trong năm 2025. Điều này có nghĩa tốc độ chuyển tải dữ liệu 5G hiện nay sẽ tăng hơn 2,5 lần. Sau khi Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, Viettel đã rất quyết liệt tiến hành các thủ tục nhanh gọn, báo cáo Bộ Quốc phòng và thực hiện các thủ tục đấu thầu, dự kiến nhanh nhất trong tháng 8/2025 các thiết bị sẽ về. Với số lượng lớn thiết bị, Viettel sẽ dồn tất cả nguồn lực để đưa các trạm vào phát sóng chậm nhất là tháng 12/2025.
Các nhà mạng cần coi việc cung cấp dịch vụ công nghệ viễn thông 5G là một lựa chọn để đáp ứng nhu cầu thuê bao, khách hàng đại chúng, tạo giá trị tiềm năng.
Còn VNPT cũng đã phủ sóng 5G tới tất cả khu vực trung tâm của các tỉnh, thành phố và những khu vực quan trọng như khu công nghiệp, sân bay, trung tâm chính trị. Tại thời điểm này, VinaPhone có hơn 3 triệu thuê bao đang sử dụng 5G phát sinh cước trong tổng số 5 triệu thuê bao có thiết bị 5G. Cùng với đó, VNPT đã hợp tác với các đối tác công nghệ nước ngoài để xây dựng, triển khai chiến lược kinh doanh 5G nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh mới trong các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, AI Factory, Network API, vệ tinh, các ứng dụng cho ngành dọc.
VNPT cũng đẩy mạnh hợp tác dùng chung hạ tầng 4G, 5G với các nhà mạng khác để giảm chi phí, mở rộng vùng phủ sóng. Đặc biệt, VNPT sẽ triển khai cung cấp dịch vụ kết nối Internet trên các tàu bay của Vietnam Airlines; triển khai hạ tầng số, phủ sóng mạng di động, hệ thống wifi miễn phí cho các sân bay khác của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với trọng điểm là Sân bay quốc tế Long Thành.
“Chúng tôi tiếp tục kế hoạch phủ sóng 5G diện rộng. Dự kiến, trong năm 2025, VNPT sẽ triển khai khoảng 20.000 trạm 5G phủ sóng 100% tỉnh, thành phố, tạo hạ tầng kết nối nhanh, mạnh và thông suốt”, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Ban Khách hàng - Tổ chức doanh nghiệp (VNPT VinaPhone) cho hay.
Riêng MobiFone đã tập trung phủ sóng 5G tại trung tâm các tỉnh, thành phố lớn. Hiện 5G MobiFone ghi nhận hơn 2,5 triệu người sử dụng dịch vụ, phổ biến tại các thành phố lớn. Bên cạnh đà tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng người dùng, MobiFone còn tăng tốc triển khai mạng 5G tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là TP.HCM. Hiện tại, nhà mạng này đã lắp đặt và vận hành một số lượng lớn trạm 5G, vượt yêu cầu về tiến độ quy định và đặt mục tiêu triển khai thêm 10.000 trạm phát sóng mới, mở rộng vùng phủ sóng 5G tới 100% xã trên cả nước.
Để 5G phát huy hết sức mạnh
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) đánh giá, bên cạnh những thuận lợi, sự phát triển 5G tại Việt Nam vẫn còn một số thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là việc phát triển 5G trên diện rộng, phủ sóng trên toàn quốc vẫn chưa được đẩy mạnh, rộng khắp. Hiện 5G mới chỉ tập trung phục vụ người dùng chủ yếu tại các thành phố lớn, có nhu cầu sử dụng gắn với các trải nghiệm mới. Trong khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp truyền thống vẫn coi 4G là mạng phổ biến và đa số người dùng vẫn nhận thấy dịch vụ công nghệ 4G vẫn đáp ứng được các yêu cầu sử dụng hiện nay.
Để phát triển dịch vụ 5G tốt hơn, ông Hoan cho rằng, các nhà mạng cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, cần coi việc cung cấp dịch vụ công nghệ viễn thông 5G là một lựa chọn để đáp ứng nhu cầu thuê bao, khách hàng đại chúng, tạo giá trị tiềm năng. Các nhà mạng cần coi công nghệ di động mới là yếu tố then chốt làm gia tăng nhu cầu sử dụng những dịch vụ mới. Để làm được điều này, doanh nghiệp viễn thông cần nghiên cứu thêm mô hình, phương pháp, quảng cáo, từ đó dễ dàng tiếp cận khách hàng.
Còn theo bà Rita Mokbel, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, để khai thác toàn diện tiềm năng của 5G, điều thiết yếu là tiếp tục triển khai mạng 5G SA, đồng thời tăng cường xây dựng các trạm phát sóng băng tần trung. Khả năng vượt trội của 5G SA sẽ là chất xúc tác thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kinh doanh mới.
“Tăng cường triển khai mạng 5G SA sẽ tạo tiền đề vững chắc hơn cho việc mở rộng ứng dụng, tạo ra các use case mới dành cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Trong bối cảnh các thiết bị tích hợp AI tạo sinh (GenAI) ngày càng phổ biến và ứng dụng AI ngày càng trở nên tinh vi hơn, các nhà phát triển ứng dụng cũng như nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần tập trung nhiều hơn vào năng lực truyền tải dữ liệu uplink và giảm độ trễ xuống mức tối thiểu”, bà Rita Mokbel khuyến nghị.
Về phần mình, ông Macky Zhang, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam chia sẻ, từ thực tiễn triển khai của doanh nghiệp, công nghệ mạng 5G-A (5G Advanced) sẵn sàng làm bệ phóng cho bước nhảy vọt này và 5GtoB (5G to Business) dành riêng cho doanh nghiệp đang trở thành hướng đi chiến lược của các nhà mạng, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
“Các nhà mạng có thể tạo ra giá trị mới từ doanh thu mảng B2B, tối ưu hóa sử dụng hạ tầng sẵn có và mở rộng hệ sinh thái dịch vụ công nghệ khác biệt. Ngoài ra, cũng có thể triển khai các mô hình trọn gói từ thiết bị đầu cuối (CPE), hạ tầng mạng (AAU, MEC), đến phần mềm và ứng dụng (camera AI, IoT, ERP…), bên cạnh là các mô hình dịch vụ linh hoạt, phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Macky Zhang chia sẻ.