Tăng thuế VAT: Chưa thể đánh giá là tiêu cực với thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa tiêu dùng từ 10% hiện nay lên 12% đang thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Đối với thị trường chứng khoán, thông tin này chủ yếu tác động tới tâm lý nhà đầu tư, chưa tạo ảnh hưởng tới diễn biến thị trường.
Tăng thuế VAT: Chưa thể đánh giá là tiêu cực với thị trường chứng khoán

Chưa thể đánh giá việc tăng thuế VAT tạo tác động tiêu cực

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) 

Việc tăng thuế giá trị gia tăng nằm trong kế hoạch cải cách hệ thống thuế của Bộ Tài chính, nên khó có thể đánh giá riêng rẽ tác động khi không xem xét cùng với việc giảm thuế thu nhập cá nhân và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc quá trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ 11 hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, năm 2019, có tới 90 - 99% các dòng thuế nhập khẩu đã ở mức 0% đối với các FTA trong ASEAN, hoặc ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc.

Theo cơ cấu thu ngân sách hiện nay, nhiều khoản thu đang có xu hướng giảm nên Việt Nam cần tái cơ cấu lại nguồn thu theo hướng tăng thu nội địa, bao gồm cả việc tăng thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng liên tục (cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ tương đối trong thu ngân sách) các năm qua khiến việc giảm tỷ lệ thu là hợp lý để cân bằng các khoản thu ngân sách.

 Đối với người tiêu dùng, việc giảm thuế thu nhập cá nhân nhìn chung sẽ giúp thu nhập khả dụng tăng cao hơn mức tăng của thuế VAT, nên có thể coi là được hưởng lợi từ các chính sách này. Dù có một số lo lắng nhất định đối với những người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng thực tế, các đối tượng này không bị ảnh hưởng tiêu cực, do các mặt hàng thiết yếu không phải chịu thuế VAT và việc giảm thuế nhập khẩu trên diện rộng sẽ giúp mặt bằng giá cả ở Việt Nam theo xu hướng giảm, nếu so sánh giữa năm 2019 và 2017.

Với doanh nghiệp, do đây là thuế gián thu và mức thay đổi không lớn (2%), nên việc tăng thuế giá trị gia tăng chưa thể đánh giá là tạo tác động tiêu cực vào thời điểm năm 2019, trong bối cảnh nhiều chi phí đầu vào của doanh nghiệp có xu hướng giảm. Chưa kể, việc cải cách thủ tục hành chính sẽ làm giảm chi phí hoạt động. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, họ vẫn có khả năng giữ được mức lợi nhuận hiện nay.

 Riêng đối với thị trường chứng khoán, tôi không nghĩ quy định này có nhiều ảnh hưởng. Thứ nhất, đây chỉ là dự thảo, và ngay cả nếu được thông qua thì việc thực hiện sẽ tiến hành sau 2 năm nữa. Thứ hai, việc sửa đổi các quy định về thuế là có tăng, có giảm, trong đó xu hướng giảm mạnh hơn nên chưa thể nói đây là quyết định ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Thứ ba, thời điểm năm 2019 sẽ có nhiều yếu tố quan trọng hơn có thể ảnh hưởng tới thị trường, chẳng hạn việc MSCI nâng hạng thành thị trường mới nổi, hay Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm quốc gia. 

Cần cân nhắc mức thuế với từng loại hàng hóa

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC (SJCS) 

So với mức thuế VAT tại một số quốc gia trong khu vực, (Indonesia 10%, Malaysia 6%, Myanmar 5%, Singapore 7%, Hàn Quốc 10%, Thái Lan 7%), con số 12% được đề xuất là khá cao. Tuy vậy, mỗi nền kinh tế có GDP, CPI, thu nhập bình quân đầu người... khác nhau nên không thể so sánh theo con số như vậy.

Thuế VAT đánh trực tiếp vào hàng hoá tất nhiên sẽ khiến giá cả tăng lên, nhưng lợi nhuận trên sản phẩm của doanh nghiệp không đổi. Tuy nhiên, giá tăng có thể khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu, doanh nghiệp phải gia tăng chi phí bán hàng khiến tổng chi phí tăng lên và lợi nhuận sau thuế bị ảnh hưởng. Trong đó, các ngành bị tác động nhiều nhất là bán lẻ, thương mại, dịch vụ, sản xuất…

Bên cạnh đó, sự thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng có thể dẫn đến một loạt điều chỉnh các chính sách khác. Do vậy, dù không ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư ngắn hạn, khi mức thuế mới nếu được thông qua sẽ bắt đầu từ năm 2019, nhưng sẽ tác động đến nhà đầu tư trung và dài hạn, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền đổ vào thị trường.

Vì vậy, cần cân nhắc mức thuế đối với từng loại hàng hóa, lựa chọn thời điểm tăng và lộ trình thực hiện thích hợp để tránh gây sốc cho nền kinh tế, đảm bảo các mục tiêu khác như ổn định sản xuất, an sinh xã hội.

Nếu tăng thuế VAT, 2019 có thể là năm đi xuống của nền kinh tế

 Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Trong ngắn hạn, nội dung Dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% chưa tác động nhiều tới thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung, bởi nếu được thông qua, thời điểm áp dụng là ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, đến thời điểm áp dụng, nội dung sửa đổi trên sẽ tạo những tác động lớn.

Theo đó, bất kể người dân hay doanh nghiệp nào mua hàng đều sẽ bị đánh thuế với mức thuế cao hơn.

Ở góc độ sản xuất kinh doanh, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng lên, giá thành sản phẩm đắt đỏ hơn và phần nào khiến sức cạnh tranh của sản phẩm bị giảm đi. Về tiêu dùng, người dân sẽ phải trả mức giá cao hơn.

Trên góc độ cả nền kinh tế, việc chi phí sản xuất và tiêu dùng cùng tăng lên khiến nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm đi. Điều này có thể dẫn tới doanh nghiệp bán hàng chậm hơn, ít hơn, lợi nhuận giảm sút. Kết quả là thuế gia tăng nhưng con số tuyệt đối thu về ngân sách nhà nước chưa chắc đã tăng.

Theo dự báo, chu kỳ tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ tiếp tục từ nay đến năm 2019, nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh cao trong năm 2019 - 2020, nhưng nếu dự thảo trên được thông qua thì có thể 2019 sẽ là năm đi xuống của nền kinh tế.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin về việc tăng thuế đã phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ càng thêm thận trọng trong bối cảnh thị trường có sự điều chỉnh, các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản có xu hướng đi xuống.

Theo tôi, nhiều khả năng thị trường sẽ tạo đáy sớm bởi các thông tin tiêu cực đều đã xuất hiện. Hiện tại, vùng hỗ trợ mạnh của thị trường là 750 - 755 điểm, tương ứng đường kênh tăng trung hạn hình thành từ đầu năm đến nay, đồng thời cũng là vùng MA20 tuần. Từ nay đến cuối năm, dòng tiền vẫn sẽ chảy vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng, chứng khoán nhờ chính sách khuyến khích tăng trưởng tín dụng của Chính Phủ.

Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có thể chịu tác động tiêu cực

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng 

Việc tăng thuế VAT ảnh hưởng mạnh đến bộ phận doanh nghiệp. Theo đó, giá thành đi lên, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn cho sản phẩm. Nếu là đơn hàng quy mô lớn thì mức tăng này rất đáng kể. Điều này khiến sức tiêu thụ giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống.

Đối với thị trường chứng khoán, doanh nghiệp muốn niêm yết đều phải đáp ứng tiêu chuẩn cao, nhiều doanh nghiệp niêm yết là doanh nghiệp đầu ngành. Do vậy, nếu không quản lý chi phí tốt, khi sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận giảm, giá cổ phiếu sẽ chịu tác động tiêu cực. Thời gian qua, thị trường có sự điều chỉnh một phần cũng bởi tác động từ đề xuất tăng thuế này.

Thị trường chỉ bị ảnh hưởng về tâm lý

 Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, chi nhánh TP. HCM

Việc tăng thuế VAT rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng không đáng kể. Hiện nay, Nhà nước đang có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất, các gói tín dụng, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm bớt các giấy phép, thủ tục hành chính…, qua đó hạn chế chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Những lợi ích từ các động thái này đối với doanh nghiệp dường như nhiều hơn so với mức “thiệt hại” từ việc tăng thuế VAT thêm 2%.

Tuy nhiên, ở góc độ tiêu dùng, người dân sẽ phải chi tiêu ở mức giá cao hơn khi thuế tăng. Điều này có thể khiến nhu cầu tiêu dùng giảm đi, qua đó ảnh hưởng đến việc bán hàng/cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.

Đối với thị trường chứng khoán, về nguyên lý, thị trường luôn có sóng tăng - giảm. Sau một thời gian leo dốc mạnh mẽ, hiện thị trường đang ở vùng trũng thông tin và có sự điều chỉnh, lại thêm tác động về mặt tâm lý của dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và dòng tiền “nóng” đang ở mức cao khiến nhà đầu tư gặp áp lực.

Ước tính, khoảng 30 - 40% dòng tiền trên thị trường là tiền margin. Hiện tại, 70 - 80% nhà đầu tư sử dụng margin đều đã cạn tiền và phải chấp nhận bán giải chấp, điều này tác động làm giá cổ phiếu bị giảm. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ bình ổn trở lại, khi đa phần các nhóm ngành đều có sự hồi phục.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn sẽ dẫn dắt thị trường. Đối với nhóm bất động sản, quý III – IV thường là thời gian hạch toán doanh thu, lợi nhuận, các thông tin tốt sẽ là động lực hỗ trợ đà tăng của giá cổ phiếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng được ưa chuộng bởi quá trình tái cấu trúc diễn biến tích cực, hoạt động của các nhà băng trở nên lành mạnh, an toàn hơn. Chưa kể, Chính phủ đã có chỉ đạo mở cơ chế linh hoạt để VAMC xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản); thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đây là động lực chính cho cổ phiếu nhóm này tăng trưởng.

Nhóm PV thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục