Tăng thuế VAT, quan ngại lạm phát tăng, sức cầu giảm

(ĐTCK) Trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa tiêu dùng từ 10% hiện nay lên 12%, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của chính sách này tới sức cầu tiêu dùng và rộng hơn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thuế VAT tăng, giá hàng hóa tăng theo, sẽ tác động đến sức cầu của người tiêu dùng Thuế VAT tăng, giá hàng hóa tăng theo, sẽ tác động đến sức cầu của người tiêu dùng

Không nên tăng thuế để giảm bội chi

Chuyên gia kinh tế vĩ mô, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello Đinh Tuấn Minh cho rằng, cần xem xét lại căn nguyên gốc rễ của việc tăng thuế VAT từ phía Bộ Tài chính khi đưa ra đề xuất này.

“Tính hợp lý của đề xuất tăng thuế VAT là để bù đắp nợ công, thâm hụt ngân sách, thu khó bù đắp chi như Bộ Tài chính đưa ra cần phải được đánh giá một cách thấu đáo, kỹ lưỡng”, ông Minh đặt vấn đề.

Theo phân tích của ông Minh, VAT là hình thức thu thuế cao nhất, là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng, việc trốn thuế sẽ khó nhất vì ai cũng phải tiêu dùng. Ước tính, nguồn thu từ thuế VAT chiếm khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước hàng năm, là mức thu cao nhất trong các loại thuế, cao hơn thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Từ thực tế này, Bộ Tài chính có thể nhìn thấy việc tăng thu thuế VAT là cách dễ nhất để bù thu nên đề xuất áp dụng.

Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến nghị, Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá thật cẩn trọng những tác động của việc tăng thuế VAT trước khi áp dụng vào thực tế, bởi chắc chắn việc tăng thuế VAT sẽ khiến nhiều nhóm ngành nghề thiệt hại. Không thể vì lý do là loại thuế dễ thu, dễ đảm bảo mục tiêu thu mà đề xuất áp dụng một cách chủ quan, rất dễ gây ra hậu quả lợi bất cập hại cho nền kinh tế. Hơn nữa, nếu tăng thu thuế nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách thì không hợp lý.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách (VEPR) cũng cho rằng, có thể dễ dàng nhận thấy đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính xuất phát từ mục tiêu tăng thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo hoạt động chi tiêu, không để xảy ra tình trạng bội chi lên quá cao, vượt khả năng kiểm soát.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan hữu quan đưa ra, ước tính đến hết tháng 7, mức chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đã lên tới hơn 511.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới hơn 2/3 tổng số chi ngân sách nhà nước.

Theo ông Thành, để giảm bội chi ngân sách thì gốc rễ của vấn đề là cần kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách, chứ không phải thông qua việc tăng nguồn thu từ tăng thuế.

Hơn nữa, nếu cứ bội chi ngân sách là lại tính đến việc tăng thuế để bù chi, thay vì quyết liệt tìm cách tiết giảm, kiểm soát chi tiêu thì không khác gì việc nhà nước một mặt tận thu của người dân, nhưng mặt khác lại dung dưỡng cho việc chi tiêu một cách dễ dãi thiếu kiểm soát như hiện nay.

Điều này không những mang lại sự bất công bằng trong xã hội mà còn kìm hãm việc cải cách hệ thống chi tiêu ngân sách vốn đã rất bất cập hiện nay.

Vòng luẩn quẩn tăng thuế - giảm cầu

Theo phân tích của các chuyên gia, cách tiếp cận vấn đề từ các nhà đề xuất và xây dựng chính sách dường như đang có nhiều mâu thuẫn, khi giảm một số loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho doanh nghiệp, nhưng ở một góc độ khác lại xem chính sách tăng thuế VAT là một trong những hướng cải cách thuế.

Dù thuế VAT không đánh vào doanh nghiệp, mà đánh vào người sử dụng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng thì thực chất cũng chính là đánh vào túi tiền của doanh nghiệp. Vì nếu thuế VAT tăng, giá hàng hóa tăng theo sẽ tác động rất lớn tới nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Bộ Tài chính cần phân tích kỹ tác động và tính hợp lý của việc tăng thuế VAT. Đặc biệt, cần xem xét tính công bằng giữa các ngành nghề. Trong điều kiện sức khỏe doanh nghiệp còn chưa tốt như hiện nay, sức tiêu dùng của người dân và thị trường còn hạn chế, việc tận thu thuế từ tiêu dùng khác nào ngăn chặn nỗ lực kích cầu tiêu dùng.

Năm 2019 liệu có phải là thời điểm thích hợp để áp dụng chính sách này?” chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh băn khoăn đặt câu hỏi.

Theo ông Minh, những chính sách cải cách về thuế cần độ trễ, không thể tăng ngay lập tức mà cần lộ trình, thời gian để người dân, doanh nghiệp trong các ngành nghề thích nghi, đảm bảo không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân và thị trường.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng khuyến cáo lộ trình tăng thuế cần phải được cân nhắc một cách hết sức cẩn trọng và đặc biệt cần lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia và các giới trong xã hội, đặc biệt từ người dân là đối tượng cuối cùng chịu thuế…

Đối với người dân, thuế VAT tăng sẽ dẫn tới hàng hóa tăng lên, khiến họ phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu ít hơn. Điều này sẽ quay lại tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, bởi nhu cầu tiêu thụ giảm sẽ khiến doanh nghiệp giảm doanh thu, lợi nhuận, dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm lại và nguồn thu thuế sẽ giảm theo.  

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) vừa có ý kiến với Bộ Tài chính liên quan đến đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT cho hoạt động chuyển quyền sử dụng đất.

Theo Horea, kiến nghị hoạt động này phải chịu thuế VAT 12% vào năm 2019 là bất hợp lý, bởi việc áp dụng thuế GTGT khi chuyển quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến thuế chồng thuế, làm tăng giá bán nhà, tăng gánh nặng tài chính đối với người mua.

Không chỉ có vậy, việc tăng thuế VAT sẽ khiến giá nguyên nhiên vật liệu, lương công nhân và giá nhận thầu thi công cùng tăng lên, từ đó làm tăng mặt bằng giá bất động sản, tác động lớn đến lĩnh vực này cũng như lại gián tiếp hạn chế nhu cầu mua nhà của người dân.

Hiếu Minh – Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục