Tăng sức cầu cho TTCK, cần cách làm “khác thường”

(ĐTCK) Kết quả nghiên cứu và khuyến nghị chính sách về thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) mà Văn phòng của cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair vừa công bố cho thấy, Việt Nam nên sớm tăng sức cầu cho TTCK để thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.
Giới đầu tư kỳ vọng Bộ Tài chính có giải pháp mạnh để cải thiện sức cầu cho TTCK

Kỳ vọng “cú hích” vốn ngoại tham gia CPH

Tại Việt Nam trong những ngày qua, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair có các cuộc làm việc dày đặc với Thủ tướng, Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… Giới đầu tư cho rằng, có hai thông điệp đáng chú ý trong các cuộc làm việc này, nếu sớm được hiện thực hóa thì sẽ tạo “cú hích” hoàn thành CPH gần 300 DN trong năm nay mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.

Đầu tiên là thông điệp của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đều mong muốn ông Tony Blair giới thiệu các DN lớn, có uy tín trên thế giới đến Việt Nam đầu tư lâu dài để trở thành cổ đông chiến lược trong các DN CPH của Việt Nam. Tính thống nhất cao độ trong thông điệp của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành cho thấy, Việt Nam đang quyết tâm triển khai các giải pháp nhằm thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại tham gia vào quá trình thúc đẩy CPH.

Về phần mình, ông Tony Blair đưa ra thông điệp: sẽ giới thiệu các tập đoàn lớn làm đối tác chiến lược trong các DN CPH của Việt Nam. Là người có kinh nghiệm 10 năm làm Thủ tướng Vương quốc Anh, đồng thời đang tư vấn chính sách cho 20 chính phủ trên thế giới, giới đầu tư kỳ vọng cam kết của ông Tony Blair sẽ sớm được cụ thể hóa, nhất là khi ông Tony Blair đề nghị phía Việt Nam cung cấp cụ thể các DN đã và đang CPH cần thu hút vốn ngoại. 

Tăng sức cầu, cần cách làm “khác thường”

Câu chuyện hút vốn ngoại nhằm thúc đẩy CPH liên quan đến một yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra mới đây khi đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu xuân Ất Mùi tại Sở GDCK Hà Nội, đó là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các bộ, ngành liên quan trong năm 2015 cũng như giai đoạn tới, cần tập trung tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CPH DNNN. CPH phải gắn liền với niêm yết trên TTCK.

Để thúc đẩy CPH gắn với niêm yết như yêu cầu của Thủ tướng, mấu chốt là phải sớm gia tăng sức cầu cho TTCK. Thực tế tăng tốc CPH trong năm qua đã dẫn đến tình trạng bội cung. Điều này đang làm cho tiến trình CPH giảm tốc, có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch CPH gần 300 DN trong năm nay như Chính phủ đang thúc đẩy.

Kết quả nghiên cứu mới nhất từ Văn phòng của cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair theo “đặt hàng” của Chính phủ Việt Nam cho thấy, việc bán cổ phiếu của các DN CPH tùy thuộc vào sức cầu của TTCK. Một khi nhu cầu và khả năng hấp thụ của TTCK thấp, thì sẽ tác động không thuận đến phát hành cổ phiếu của các DN CPH, cũng như thúc đẩy DN hậu CPH lên niêm yết trên TTCK.

Bởi vậy, cải thiện sức cầu cho TTCK, trong đó có trọng tâm là thu hút vốn ngoại, theo giới chuyên gia, nên được coi là tâm điểm trong chính sách điều hành phát triển TTCK năm 2015. Trên thực tế, Bộ Tài chính, UBCK đang hoàn thiện một số giải pháp nhằm cải thiện sức cầu cho TTCK như: nới “room”, nâng hạng thị trường… Tuy nhiên, với quy trình làm chính sách như hiện tại, thì khó đáp ứng được những yêu cầu cấp bách đang đặt ra nhằm thúc đẩy mạnh mẽ CPH gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK. Giới đầu tư đang chờ đợi Bộ Tài chính hoàn thiện chính sách theo cách làm “khác thường” như Bộ đã từng làm với chính sách thuế.

Trong năm qua, để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính thuế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi 7 thông tư. Ngoài đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi 4 nghị định về thuế, Bộ Tài chính còn đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật 71/2014 sửa đổi 5 luật về thuế. Các văn bản này đều rút ngắn tối đa khoảng thời gian từ lúc ban hành cho đến khi có hiệu lực (Thông tư 119 có hiệu lực sau 5 ngày ban hành, Luật 71/2014 có hiệu lực sau hơn 1 tháng ban hành…). Cách làm “khác thường” này, như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “phải tốc độ như thế thì mới cải cách được, chứ cứ làm tuần tự như thông thường, thì làm giảm đi ý nghĩa của các giải pháp cải cách mang tính cấp bách”.

Để góp phần gia tăng sức cầu cho TTCK, giới đầu tư đề nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc đề xuất Chính phủ, Quốc hội áp dụng một số chính sách ưu đãi về phí, thuế. Cũng cần sớm xây dựng và áp dụng quy trình cấp mã giao dịch điện tử đối với NĐT nước ngoài không yêu cầu chứng từ bản cứng; rút ngắn thời gian thanh toán tiền và giao dịch chứng khoán…     

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục