Kẽ hở đáng ngại
“Quá trình CPH DNNN diễn ra suốt hơn 20 năm qua đã giảm số lượng từ 12.000 DNNN xuống còn 800 DN 100% vốn Nhà nước hiện nay. CPH thành công về số lượng, nhưng còn nhiều chuyện…”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mở đầu hội thảo với sự tham dự của đồng chủ tọa - cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair cùng đại diện các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo nhìn nhận của Bộ trưởng, tỷ trọng cổ phần bán ra bên ngoài khi CPH các DNNN còn thấp, nhất là ở các DN lớn. Thậm chí, có những tập đoàn sau khi CPH, Nhà nước vẫn nắm tới 95% cổ phần. Với những DN này, hầu như không có thay đổi gì về nhân sự, quản trị công ty sau khi CPH. Nhà nước vẫn xét duyệt “từ đầu đến chân”, nên hiệu quả hoạt động cần xem lại. CPH, đổi mới DNNN phải thực chất, để làm sao nhiều cổ đông tham gia, họ thực sự có vai trò để làm thay đổi quản trị DN.
“Với tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài chỉ 5-7%, còn lại tuyệt đại đa số vẫn do Nhà nước nắm giữ, nhưng hành xử của các DN này tương tự như DN tư nhân là không ổn. Điều này cho thấy CPH đang tạo kẽ hở, khiến kiểm soát của Chính phủ thấp hơn rất nhiều, rất nguy hiểm và ta có nhiều bài học trả giá. Làm sao để nâng cao hiệu quả CPH…?”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở và hy vọng, Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo có chủ đề về cải cách DNNN, nhưng điểm khác biệt của hội thảo hôm nay là có sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cùng các cộng sự của ông tại Văn phòng Tony Blair đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2013 đến nay, sẽ mang lại những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam về cải cách DNNN.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Văn phòng Tony Blair và đại diện cho Chính phủ Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu năm 2014, hai bên đã ký kết hợp tác nghiên cứu nhiều nội dung, trong đó có 3 mảng chính: cải cách DNNN, hợp tác công tư (PPP), cải thiện chất lượng thu hút vốn FDI.
Một sản phẩm mới của chương trình hợp tác này được Văn phòng Tony Blair trình bày tại Hội thảo là báo cáo “Vai trò kinh tế mới của DNNN - Những khuyến nghị cho Việt Nam”. Trong đó, có nội dung đáng chú ý là, hiện cụm từ “cổ phần hóa” ở Việt Nam khác với “tư hữu hóa” như mô tả trong nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair, do Chính phủ Việt Nam vẫn nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn tại phần lớn các DN. Với cách tiếp cận thu hẹp như vậy đối với CPH, Việt Nam không thể kỳ vọng sẽ chứng kiến những tác động tích cực tương tự mà quá trình CPH mang lại như đối với các quốc gia khác.
Hiện trong một số trường hợp, CPH ở Việt Nam chủ yếu là phương thức để huy động vốn cho các DN, chứ không phải hướng đến giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hay thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Trường hợp CPH Tổng công ty Hàng không Việt Nam là một ví dụ. Nếu đây là mục tiêu hiện tại của Việt Nam, thì cần phải CPH các DNNN mắc nợ nhiều nhất, đồng thời Chính phủ cần truyền đạt thông điệp rõ ràng về mục tiêu trước mắt của CPH là cải thiện tình hình tài chính của các DNNN.
Những DNNN nợ nần nhiều nhất, thường sẽ là những DN khó CPH nhất do mức độ hấp dẫn với NĐT kém. Các DNNN này có thể cần phải trải qua tái cơ cấu về căn bản trước khi tiến hành CPH, đồng thời cần chào bán đủ lượng cổ phần ra ngoài cho các NĐT để họ có thể xoay chuyển tình thế kinh doanh của DN.
Trong một diễn biến liên quan, trước khi tham dự hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Tony Blair đã có cuộc làm việc với Bộ Giao thông Vận tải. Tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhờ Văn phòng Tony Blair hỗ trợ tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam...
Nên theo tín hiệu “tiêu hóa” của TTCK
Từ kết quả nghiên cứu kinh nghiệm của 6 nước có những thay đổi mạnh mẽ về cải cách DNNN (Anh, Nhật Bản, Brazin, Mexico, Hungary và Ba Lan) cũng như soi chiếu vào thực tiễn Việt Nam, Văn phòng Tony Blair khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên làm rõ đâu là mục tiêu chính của quá trình CPH trong số các mục tiêu: CPH như một phần của nỗ lực tiến tới một nền kinh tế thị trường; hướng tới cải thiện hiệu quả hoạt động của các DNNN; giảm nợ công hay do áp lực quốc tế.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Văn phòng Tony Blair, việc bán cổ phiếu tùy thuộc vào mục tiêu CPH cần hướng tới và nhu cầu tiềm năng từ TTCK. Chính phủ có thể bán cổ phần cho NĐT chiến lược mà không cần tiến hành chào bán cổ phần ra công chúng (IPO). Khi muốn niêm yết công khai trên TTCK các DN đã CPH, cần xem xét sao cho phù hợp với khả năng hấp thụ của TTCK. Nếu nhu cầu và khả năng hấp thụ của TTCK thấp, thì nên phát hành cổ phiếu dần dần theo tín hiệu hấp thụ của thị trường thì hợp lý hơn…
Để thúc đẩy CPH, thu hút NĐT trong và ngoài nước tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình CPH, Văn phòng Tony Blair khuyến nghị, Việt Nam nên có quan điểm rõ ràng hơn về thu hẹp phạm vi sở hữu nhà nước ở các lĩnh vực cần nắm giữ được quy định tại Quyết định 37/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, bao gồm cả việc phân loại rõ ràng hơn các hạng mục như sở hữu 100%, sở hữu phần lớn, sổ hữu phần nhỏ hoặc tư nhân hóa toàn bộ…
“Mục tiêu càng rõ thì cải cách mới đi đúng hướng” TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trong quá trình cải cách, trong đó có CPH các DNNN, một câu hỏi đặt ra là số lượng cũng như ngành nghề hoạt động của DNNN cần thu hẹp đến mức nào được coi là hợp lý, theo nghĩa vừa tránh chèn lấn khu vực tư nhân, vừa nâng cao hiệu quả giám sát DNNN, cũng như hiệu quả hoạt động của các DN này. Nhiều ý kiến tư vấn của ông Tony Blair, như phải chọn khâu yếu kém nhất để cải cách DNNN thì dễ đem lại kết quả là ý kiến có giá trị thực dụng. Chúng ta cần thực dụng trong đề ra mục tiêu cải cách DNNN. Mục tiêu càng rõ thì cải cách mới đi đúng hướng. Một ý kiến tư vấn xác đáng của ông Tony Blair là để cải cách khối DNNN hiệu quả hơn, cần phải có lực lượng thay thế, nếu không có sự chuẩn bị, thay thế, hẫng hụt đi thì trở lực cải cách sẽ xuất hiện. Đây là vấn đề chúng ta chưa chú ý nhiều. “Việt Nam nên thúc đẩy cải cách DNNN” Ông Tony Blair, Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Từ kinh nghiệm của Anh cho thấy, khi chính phủ đặt vấn đề cải cách DNNN, thì nhiều đối tượng, trong đó có người lao động phản đối rất ghê gớm, vì họ cho rằng làm việc ở DNNN thì yên ổn hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian được tư nhân hóa, DNNN mang lại những lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, người lao động, thì những phản đối dần biến mất… Những DN hoạt động trong các lĩnh vực gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân như điện, nước, thì quá trình tư nhân hóa các DN này thường diễn ra nhiều tranh luận. Bài học kinh nghiệm ở đây là vai trò của nhà nước cần thay đổi từ vị trí sở hữu DN sang vai trò điều tiết DN bằng hệ thống pháp luật. Khu vực nhà nước thường chậm thay đổi. Thực tế chỉ ra rất ít những sáng tạo trong nền kinh tế thế giới trong vòng nửa thế kỷ qua xuất phát từ khu vực nhà nước. Kinh nghiệm trên thế giới đã chứng minh vai trò của chính phủ là hoạch định chiến lược, kiến tạo môi trường phát triển, chứ không phải là người quản lý DN tốt… Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy cải cách DNNN trong thời gian tới. Bản thân DNNN không thể tự tạo ra sự thay đổi, mà cần có sự hợp tác công - tư, với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 30 năm qua, các nước áp dụng 2 nguyên tắc: cởi mở hơn với thế giới, sở hữu nhà nước ít hơn thì mang lại hiệu quả tốt hơn cho nền kinh tế, người dân so với các các nước không làm như vậy. |
Theo Văn phòng Chính phủ, trong buổi tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ngày 4/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ông Tony Blair tiếp tục các hoạt động tư vấn chính sách cho Việt Nam; đồng thời giới thiệu các DN lớn, có uy tín trên thế giới đến Việt Nam đầu tư lâu dài, tham gia vào các dự án, công trình lớn hoặc trở thành cổ đông chiến lược trong các DN cổ phần hóa của Việt Nam. Ông Tony Blair cho biết sẽ giới thiệu các tập đoàn lớn làm đối tác chiến lược trong các DN cổ phần hóa của Việt Nam... |