Sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc CTCK

(ĐTCK) Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hoạt động tái cấu trúc các CTCK đã có những kết quả nhất định về chất lượng, dự báo trong thời gian tới sẽ có sự giảm mạnh về số lượng.
Sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc CTCK

Ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” các CTCK năm nay?

Từ đầu năm 2013 tới nay, kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng TTCK Việt Nam có những dấu hiệu khả quan, hoạt động các CTCK bắt đầu ghi nhận được những kết quả nhất định.

Đến hết tháng 6/2013, tổng vốn điều lệ của 105 CTCK là 36.577 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 37.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế khoảng 2.800 tỷ đồng. Dù có những CTCK mất vốn, hay âm vốn chủ sở hữu, nhưng nhìn tổng thể, sức khỏe các CTCK lớn vẫn khá tốt, đang có xu hướng phân loại rõ ràng hơn giữa các nhóm CTCK.

Tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh của các CTCK 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, với khoảng 40% số CTCK có lãi. Nhìn chung, các CTCK vẫn thực hiện tốt hoạt động, đảm bảo hoạt động giao dịch, thanh toán và hơn tất cả, chất lượng dịch vụ chứng khoán ngày càng cao, các tiện ích phục vụ cho khách hàng ngày càng được cải thiện, góp phần tăng sức cầu cho TTCK.

 

Nhưng nhiều CTCK quy mô nhỏ có tình trạng tài chính yếu kém. UBCK có biện pháp nào để đẩy nhanh quá trình thanh lọc các CTCK này, thưa ông?

Hiện nay, quy định pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK có tác động tới việc tái cấu trúc CTCK đã tương đối hoàn thiện. Ví dụ, Thông tư 226/2010/TT-BTC và Thông tư 165/2012/TT-BTC ngày 9/10/2012 sửa đổi Thông tư 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính các tổ chức kinh doanh chứng khoán, Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK, Quyết định số 105/QĐ-UBCK về việc ban hành Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK… đã có hiệu lực. Có người đặt câu hỏi, tại sao tái cấu trúc CTCK mà chưa thấy giảm được CTCK nào? Tôi cho rằng, hiệu quả của tái cấu trúc các CTCK đã được thể hiện về chất. Làm đúng theo quy định pháp luật, dần tạo ra môi trường tốt trong kinh doanh, kiểm soát rủi ro tốt hơn, từ đó các CTCK yếu kém sẽ phải ra đi.

Trong thời gian vừa qua, UBCK đã rút nghiệp vụ môi giới của 5 CTCK, rút nghiệp vụ tự doanh của 2 CTCK, rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 3 CTCK, Sở GDCK chấm dứt tư cách thành viên của 4 CTCK, ngừng giao dịch với 7 CTCK. Những CTCK yếu kém đã bị UBCK đặt vào tình trạng kiểm soát hoạt động, kiểm soát đặc biệt. UBCK đã ban hành quyết định chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động với 3 CTCK, tạm dừng hoạt động 2 CTCK. Ngoài ra, có 2 CTCK nộp hồ sơ xin giải thể. Như vậy, trong thời gian tới, sau khi tái cấu trúc về hoạt động, số lượng các CTCK sẽ giảm đi.

 

Một số CTCK như MBS đã công bố ý định hợp nhất với một CTCK khác. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Từ phía cơ quan quản lý, UBCK ủng hộ mọi nỗ lực của các thành viên thị trường trong việc tái cấu trúc nhằm tạo ra những thực thể đủ sức khỏe, hoạt động lành mạnh trên TTCK. Việc hợp nhất các CTCK, UBCK sẽ theo sát để đảm bảo đúng quy định pháp luật, đồng thời giảm thiểu những tác động có thể phát sinh đến thị trường.

Các CTCK chủ động tìm đến nhau để hợp sức phát triển, hoặc tự nguyện giải thể khi không tìm thấy lối đi hiệu quả cho đồng vốn đầu tư của mình, đó là điều tích cực của quá trình tái cấu trúc.

 

Ông có thể chia sẻ định hướng quản lý trong thời gian tới nhằm tăng cường quản lý và thúc đẩy tái cấu trúc khối CTCK?

Với mục tiêu thúc đẩy tái cấu trúc CTCK một cách hiệu quả, bảo đảm thị trường vận hành ổn định, lành mạnh, trong thời gian tới, UBCK đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các CTCK, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật; thực hiện kiểm tra, giám sát CTCK nhằm tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường.

Đối với các CTCK có tình hình hoạt động yếu kém, UBCK tiếp tục thực hiện giải pháp đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động kinh doanh được cấp phép...

Thời gian qua, UBCK đã phối hợp với Vụ Chế độ kế toán, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo chế độ kế toán mới áp dụng cho CTCK, tổ chức lấy ý kiến các thành viên thị trường tại Hà Nội và TP. HCM. Hy vọng, trong thời gian tới, khi chế độ kế toán mới được ban hành, tình hình tài sản các CTCK sẽ minh bạch hơn, phục vụ tốt hơn công tác quản trị của DN cũng như giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Ngoài ra, UBCK sẽ sớm thực hiện lấy ý kiến thị trường Quy chế xếp loại CTCK theo CAMEL để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát hoạt động CTCK.

Trong năm qua, UBCK cũng đã tổ chức nhiều đợt giám sát, kiểm tra các CTCK để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm. Cụ thể, chúng tôi đã yêu cầu một số CTCK giải trình về các vấn đề trong báo cáo tài chính; làm việc trực tiếp với CTCK, công ty kiểm toán để nắm bắt thực trạng tài chính của CTCK; tổ chức thanh tra đột xuất, định kỳ các CTCK để hiểu rõ DN và có giải pháp phù hợp.

Bùi Sưởng thực hiện
Bùi Sưởng thực hiện

Tin cùng chuyên mục