Tăng quyền lợi cho bên mua bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), không chỉ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), mà các văn bản hướng dẫn Luật cũng hướng tới việc tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. 
Tính đến hết tháng 11/2022, các công ty bảo hiểm ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 52.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 11/2022, các công ty bảo hiểm ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 52.000 tỷ đồng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Theo ông, đâu là các quyền lợi gia tăng mà bên mua bảo hiểm được hưởng từ luật mới?

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững.

Ngoài ý nghĩa tăng an toàn hoạt động của doanh nghiệp thông qua các quy định mới nhằm tăng cường chất lượng hoạt động, tính công khai, minh bạch, sức khỏe tài chính, Luật còn gia tăng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Chẳng hạn, Luật tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, an toàn; khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng; tạo niềm tin cho bên mua bảo hiểm trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Luật khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm; nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ khách hàng tham gia bảo hiểm thông qua các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ về hợp đồng bảo hiểm; giảm thiểu các hành vi gian lận dẫn đến bất bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; có cơ chế hiệu quả, rõ ràng, minh bạch trong việc giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; giúp các bên tham gia quan hệ kinh doanh bảo hiểm có nhiều lựa chọn để giải quyết các tranh chấp phù hợp với điều kiện của mình.

Không chỉ tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), mà các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn dưới Luật cũng hướng tới việc tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Cụ thể của việc tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm theo các văn bản dưới Luật là gì?

Để tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh giảm phí bảo hiểm, mức giảm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.

Dự thảo Nghị định cũng đã thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thay vì không được bồi thường như quy định hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm, nhằm tiết kiệm thời gian và công sức cho người tham gia bảo hiểm và các bên liên quan.

Luật đã bổ sung quy định mới về cơ sở dữ liệu hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc này sẽ tạo ra những lợi ích gì?

Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV)

Theo Điều 11, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và thông tin khác có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Việc thu thập, sử dụng, lưu giữ và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.

Cơ sở dữ liệu thống kê chung và chính thống sẽ phục vụ việc dự báo, quản lý, giám sát thị trường, xây dựng cơ chế chính sách, phòng chống trục lợi, gian lận bảo hiểm, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro, đề xuất về mức phí sàn, phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ. Các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tham gia và cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Đối với bên mua bảo hiểm, cơ sở dữ liệu chung về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ là cơ sở để tính phí sản phẩm bảo hiểm một cách chính xác, qua đó đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm với mức phí bảo hiểm tương xứng với quyền lợi bảo hiểm.

Cơ sở dữ liệu chung toàn ngành còn giúp ngăn ngừa tình trạng các doanh nghiệp bảo hiểm tính phí bảo hiểm phi kỹ thuật, không tương xứng với quyền lợi bảo hiểm để cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp; giảm thiểu chi phí trong công tác phòng chống trục lợi, gian lận bảo hiểm.

Quy định mới cũng cho phép cơ quan quản lý phát hiện và kịp thời có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn những rủi ro đối với an toàn tài chính của doanh nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Trước đó, trên thị trường từng có những băn khoăn về trách nhiệm về bảo mật thông tin đối với người tham gia bảo hiểm, nên Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm bảo mật thông tin tại Khoản 3, Điều 11. Theo đó, cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải sử dụng thông tin được cung cấp đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

Năm 2022, tình hình chi trả quyền lợi bảo hiểm của các công ty bảo hiểm ra sao?

Tính đến hết tháng 11 năm nay, các công ty bảo hiểm ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 52.000 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm là 50.685 tỷ đồng, tăng 3,93% so với năm 2020.

Sắp tới, Hiệp hội sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý và các bên liên quan tuyên truyền sâu rộng để người dân, các chủ thể tham gia bảo hiểm hiểu hơn về các quyền lợi, tiếp tục tin dùng bảo hiểm, hướng tới mục tiêu an sinh, xã hội.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục