Báo cáo giám định là tài liệu quan trọng, nhưng thực tế ngày càng nhiều các báo cáo lạm quyền khi đánh giá cả trách nhiệm bảo hiểm. Điều này có được phép hay không?
Báo cáo giám định bảo hiểm được lập nên bởi đơn vị giám định bảo hiểm độc lập, đóng vai trò như một trong những cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm ra quyết định bồi thường, cũng như giúp tòa án trong việc đưa ra phán quyết khi có tranh chấp bảo hiểm xảy ra. Chức năng của nhà giám định là xác định tài sản nào được bảo hiểm trong một sự kiện bảo hiểm (chẳng hạn vụ cháy) một cách độc lập và khách quan.
Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, chỉ giám định nhằm xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Duy nhất 2 nội dung này. Nhà giám định không có thẩm quyền xác định trách nhiệm bảo hiểm.
Như vậy, việc xác định trách nhiệm bảo hiểm của nhà giám định là vượt thẩm quyền cho phép, trong khi việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan tài phán. Chưa kể, có tình trạng nhận định sai lệch về chuyên môn bảo hiểm, dẫn đến ra quyết định sai lầm về công tác giám định, chẳng hạn: Nhà giám định dừng lại việc xác định mức độ tổn thất khi cho rằng, nguyên nhân tổn thất thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm.
Nếu nhà giám định lạm quyền và có những hành vi sai lệch như trên sẽ khiến kết quả giám định trở nên vô nghĩa.
Có ý kiến cho rằng, Luật quy định giám định để xác minh nguyên nhân và mức độ tổn thất, không quy định chỉ được thực hiện 2 chức năng này. Theo ông, nhà giám định có quyền cung cấp ý kiến hay tư vấn riêng cho nhà bảo hiểm hay không?
Căn cứ Luật Giám định tư pháp, nhà giám định không có quyền cung cấp ý kiến hay tư vấn riêng cho bất kỳ bên nào là đương sự trong vụ việc dân sự. Nghĩa vụ của nhà giám định là phải khách quan, trung lập trong báo cáo giám định. Bất kỳ ý kiến thiên lệch nào của giám định cho một bên đều gây phương hại cho bên còn lại.
Chúng tôi lưu ý rằng, tất cả công việc giám định, kể cả giám định trong lĩnh vực thương mại, đều chịu sự điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp. Việc "tài phán" về trách nhiệm bảo hiểm trong một báo cáo giám định theo cách nghĩ luật không cấm thì có thể làm sẽ khiến cho bản báo cáo đó vô giá trị. Khách hàng và các cơ quan chức năng rất dễ dàng bác bỏ.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp bảo hiểm – đơn vị trực tiếp thuê giám định cần làm gì?
Trong quá trình giải quyết tranh chấp bảo hiểm, chúng tôi cùng các luật sư khác đều nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp đa phần do công tác giám định lạm quyền, thiếu chuẩn mực, thiếu khách quan. Sự việc đến các cấp tòa án càng trở nên phức tạp hơn do báo cáo giám định là tài liệu quan trọng, một trong những căn cứ để tòa án ra phán quyết.
Ngoài lạm quyền thì giám định độc lập còn mắc một số lỗi phổ biến như thực hiện thiếu (hoặc thừa) nội dung giám định so với Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, nhà bảo hiểm và giám định thường bỏ mặc khách hàng đàm phán với bên thứ ba gây thiệt hại, điều này có thể dẫn tới các kết quả đòi người thứ ba (nếu có) không như mong muốn của nhà bảo hiểm.
Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát chất lượng dịch vụ của công tác giám định trước khi giao việc giám định cho một đơn vị độc lập nào đó, và có thể “tuyệt giao” với các nhà giám định thiếu chuyên môn vì chất lượng giám định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ bảo hiểm lẫn uy tín của nhà bảo hiểm.
Trong quá trình thụ lý hồ sơ tranh chấp bảo hiểm, đã có trường hợp nào tòa án phủ định toàn bộ kết quả giám định chưa, thưa ông?
Tại một vụ tranh chấp mà chúng tôi từng thụ lý, khách hàng là doanh nghiệp cho biết toàn bộ chứng từ mua bán hàng hóa, tài sản đã bị cháy hết trong vụ hỏa hoạn. Nhà giám định không quan tâm đến các tài sản mà khách hàng không thể cung cấp nguồn gốc chứng từ, bỏ ra ngoài tất cả các thiệt hại tài sản đó.
Tổng tài sản ước tính của khách hàng bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng, sau vài tháng tính toán, nhà giám định đưa ra con số thiệt hại còn trên 300 triệu đồng. Sau đó, trừ đi mức khấu trừ, nhà bảo hiểm thông báo bồi thường 250 triệu đồng. Không chấp nhận, khách hàng đã nộp đơn cho tòa án, yêu cầu tòa phủ định toàn bộ kết quả giám định này. Cuối cùng, Tòa án đã chấp thuận.
Từ vấn đề này đặt ra nhu cầu tự bảo vệ chính mình của nhà bảo hiểm trước bên giám định. Nếu liên quan đến lỗi giám định mà tòa án bác bỏ kết quả giám định, các doanh nghiệp bảo hiểm hay đại diện pháp lý của doanh nghiệp bảo hiểm có thể kiện đơn vị giám định gây thiệt hại cho một trong hai bên giao kết bảo hiểm.
Về phía giám định, là người cung cấp dịch vụ độc lập cho doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm, các nhà giám định cũng cần tự nâng cao năng lực huyên môn, đừng nghĩ "ăn cây nào, rào cây ấy". Nếu làm mọi việc theo yêu cầu của nhà bảo hiểm, nhà giám định sẽ đối mặt với các vụ kiện đòi bồi thường do lỗi gây thiệt hại ngoài hợp đồng.