Nỗi sợ hãi gọi Grab giờ cao điểm
Cần một chuyến xe từ đường Cao Thắng, quận 3, TP.HCM ra sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào lúc 18 giờ 50, chị Kiều Anh nghĩ ngay đến ứng dụng Grab và điền thông tin gọi xe.
Chị rất bất ngờ khi số cước Grab thông báo lên tới 216.000 đồng cho quãng đường chỉ 7,5 km, trong khi thường ngày cùng hành trình ấy chị chỉ phải trả khoảng 150.000 đồng, tức tăng tới 44%.
Lúc chị Kiều Anh gọi xe trời đổ cơn mưa lớn và đúng giờ cao điểm nên giá cước nhảy vọt. Chị quyết định gọi xe taxi truyền thống. Chuyển sang sử dụng ứng dụng Vinasun, số cước thông báo là 116.000 đồng. Như vậy, cùng một quãng đường đi xe Grab đắt hơn 100.000 đồng so với taxi truyền thống, mà cụ thể ở đây là Vinasun.
Chị nhấn nút đặt xe Vinasun, chỉ trong vòng 5 phút là xe tới. Trong cuộc đua ở giờ cao điểm, rõ ràng, Grab đang bị mất khách với giá tăng phi mã.
“Mặc dù rất muốn đi Grab vì quen dùng rồi, nhưng với giá cước như vậy, tôi không thể sử dụng dịch vụ. Thậm chí, gọi Grab trong giờ cao điểm đang trở thành một nỗi sợ hãi, sợ vì gọi khó và sợ vì giá cao”, chị Kiều Anh cho hay.
Tương tự chị Kiều Anh, anh Hoàng Thắng cũng tá hỏa vì giá cước trên trời của Grab vào giờ cao điểm. 18 giờ, gọi một xe taxi từ đường Nguyễn Công Trứ (quận 1, TP.HCM) đi sang đường Trần Não (quận 2, TP.HCM) anh Thắng thấy ứng dụng Grab báo giá cước 125.000 đồng mà quãng đường ước chừng 3 - 4 km. Trong khi lúc về, 21 h30, gọi xe Grab từ Trần Não đến Nguyễn Công Trứ, anh Thắng chỉ phải trả 44.000 đồng.
Giá cước của Vinasun và Grab với cùng quãng đường có sự chênh lệch rất lớn
“Không hiểu tại sao cùng một hành trình mà giá lúc đi đắt gấp 3 lần lúc về ”, anh Thắng băn khoăn.
Những tưởng sau khi sáp nhập Uber về chung một nhà, với việc có thêm nhiều đối tác tài xế tham gia vào nền tảng ứng dụng Grab (lượng cung), nhu cầu di chuyển của người dân (cầu) sẽ được đáp ứng nhanh chóng hơn, rút ngắn được thời gian chờ xe, như khẳng định của ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam tại thời điểm thương vụ mới diễn ra, nhưng thực tế cho thấy, việc gọi xe Grab vào giờ cao điểm vẫn rất khó.
Không thể “một mình một chợ”!
Hiện Grab đang gặp bất lợi trong nghi vấn vi phạm Luật Cạnh tranh Việt Nam. Trước đó, ngày 16/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương thông báo sau khi kết thúc điều tra sơ bộ vụ việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, vi phạm Luật Cạnh tranh Việt Nam.
Dư luận đặt dấu hỏi về tình trạng một mình một chợ thống lĩnh thị trường taxi công nghệ của Grab gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nếu để tình trạng khách hàng sợ hãi khi cước nhảy vọt, Grab sẽ đánh mất khách hàng.
Các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group đã thiết lập nền tảng ứng dụng gọi xe công nghệ và đang vận hành. Cùng với đó, nhiều hãng mới đang nhảy vào thị trường như Vato, Go-Jek, T.Net… khiến cuộc đua giành thị phần giữa các thương hiệu taxi công nghệ ngày càng khốc liệt. Ở đó, đơn vị nào có giá cước tốt, dịch vụ tốt sẽ giành phần thắng.
Được biết, đối thủ đáng gờm của Grab là Go-Jek, một đơn vị kinh doanh taxi công nghệ tên tuổi của Indonesia đã chính thức chi 500.000 USD để thâm nhập vào bốn thị trường trong khu vực, gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Tại Việt Nam, Go-Jek thông qua Go-Viet là công ty đầu tư công nghệ để bắt đầu cuộc đua ở thị trường này. Hiện Go-Viet đang triển khai kế hoạch tuyển dụng tài xế, trong đó có thông tin cho rằng Go-Viet dành ưu đãi riêng với những tài xế từng lái cho Uber.
Trong mảng xe ôm công nghệ, Grab đang gặp áp lực cạnh tranh khá lớn từ nhiều hãng như Xelo của CTCP Công nghệ thực tuyến SkySoft, Vato của Phương Trang, dichung…
Khoảng trống mà Uber để lại sau khi rút khỏi thị trường Đông Nam Á đã có nhiều hãng lấp vào không chỉ để Grab “một mình một chợ”. Vì vậy, nếu không gia tăng các chính sách ưu đãi, ngủ quên trong chiến thắng, Grab sẽ tự đánh mất khách hàng của mình.