Thương vụ sáp nhập đình đám
Grab đã thu mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á, tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab. Theo đó, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần của mỗi công ty.
Lãnh đạo Grab cho biết, đây là thương vụ M&A có quy mô lớn nhất được thực hiện bởi một công ty công nghệ Đông Nam Á từ trước tới nay. Sau một năm tăng trưởng và mở rộng nhanh chóng, đến nay, Grab đã thực sự trở thành “ông vua” mới nổi trên thị trường taxi công nghệ. Hiện Grab đang phục vụ 5 triệu khách hàng tại khu vực Đông Nam Á. Ứng dụng Grab đã được tải xuống trên 90 triệu thiết bị di động, cho phép người dùng tiếp cận vào mạng lưới giao thông đường bộ và đại lý lớn nhất khu vực với hơn 5 triệu đối tác tài xế và đại lý.
Chỉ riêng trong năm 2017, số lượt tải ứng dụng Grab đã tăng gấp 2,5 lần; số lượng đối tác tài xế tăng gấp 4 lần; số thành phố mà Grab có mặt tăng gấp 5 lần. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm 2018, nhất là khi Grab đang nhận được sự hậu thuẫn từ hai công ty đặt xe công nghệ lớn nhất thế giới (Didi Chuxing và Uber), bên cạnh nhà đầu tư hàng đầu thế giới SoftBank. Cả ba công ty này đều đang giữ cổ phần trong Grab và đều cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, hướng đến thành công tiếp theo tại thị trường Đông Nam Á.
Lo ngại Grab độc quyền
Tuy nhiên, việc Grab thâu tóm Uber đang dấy lên những lo ngại từ thị trường. Khi Uber từ một đối thủ trở thành công ty thành viên, Grab có thế độc quyền trên thị trường taxi công nghệ. Ông Nguyễn Công Hùng, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, nguy cơ Grab độc quyền mảng kết nối di chuyển taxi là rất cao, có thể độc quyền về giá cước, độc quyền về mức chiết khấu đưa ra với tài xế. Bên cạnh đó, khi sự cạnh tranh giữa các đối thủ cùng dịch vụ taxi công nghệ không còn cao, các chính sách khuyến mại, ưu đãi có thể sẽ ít dần đi, người tiêu dùng không còn được hưởng lợi nhiều.
“Cần xem lại vị trí thống lĩnh thị trường của Grab”, đó là kiến nghị của ông Trương Đình Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tại Hội thảo lấy ý kiến danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải tổ chức mới đây.
Theo ông Quý, hiện nay, chỉ riêng tại TP.HCM có hơn 21.000 xe ô tô sử dụng phần mềm kết nối vận tải của Grab, Uber, trong khi xe taxi truyền thống từ 11.000 xe giảm xuống còn 8.000 xe. Uber hiện đã sáp nhập vào Grab, do vậy, cần xem xét vị trí thống lĩnh thị trường của Grab để bảo đảm cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải khác, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Thực tế, xe kết nối bằng phần mềm đang áp đảo thị trường taxi và bộc lộ một số vấn đề. Ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, họ chủ động điều chỉnh xây dựng giá cước, thu tiền của hành khách và chủ động điều chỉnh các mức chiết khấu nên nếu có tình trạng độc quyền, giá cước sẽ nhảy múa, thậm chí có thể tăng gấp 3 - 4 lần.
Lái xe Grab cũng bày tỏ lo ngại về thu nhập có thể sụt giảm sút. Mới đây, vào tháng 1/2018, hàng trăm tài xế là đối tác của Grab đã kéo đến trụ sở của đơn vị này tại Cầu Giấy (Hà Nội) để đòi giảm chiết khấu từ 20% xuống 15%. Đối tác của Grab cho rằng, hãng nhiều lần tăng mức chiết khấu lên mà không hỏi ý kiến của họ khiến họ rất bức xúc, nhiều đối tác đã bỏ Grab sang với Uber.
Tuy nhiên, khi không còn cơ hội “nhảy” qua hãng khác bởi Uber và Grab giờ là một, tiếng nói của tài xế có thể phần nào bị hạn chế. Theo ông Quý, hiện tỷ lệ chiết khấu của Grab trên doanh thu của lái xe bình quân là 28,5%.
Sự kiện Grab thâu tóm Uber có ảnh hưởng đến câu chuyện cạnh tranh trên thị trường taxi. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber trước ngày 3/4/2018 để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Theo quy định, việc Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á thì doanh nghiệp phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý cạnh tranh về vụ mua bán, để cơ quan chức năng xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán. Nếu không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể, hoặc ảnh hưởng đáng kể, nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của VCCI cho biết, việc quản lý Grab không chỉ Việt Nam bị nhức đầu, mà chuyện này xảy ra ở nhiều nước khác. Nay khi Grab chiếm vị trí thống lĩnh, câu chuyện quản lý lại càng phải được lưu tâm hơn để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng.
Grab nói gì?
Trái với những lo ngại của thị trường, phía Grab lại khẳng định vị thế độc quyền của Grab sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng hơn.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, việc có thêm nhiều đối tác tài xế tham gia vào nền tảng ứng dụng Grab, nhu cầu di chuyển của người dân sẽ dễ dàng được đáp ứng nhanh chóng hơn. Khách hàng sẽ được rút ngắn thời gian chờ xe, việc di chuyển cũng trở nên thuận tiện và tiết kiệm hơn trên một ứng dụng.
Về yêu cầu làm rõ thương vụ mua bán giữa Grab và Uber của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), CEO Grab Việt Nam cho rằng, Grab đã thực hiện các phân tích pháp lý một cách cẩn trọng và toàn diện cùng với các chuyên gia tư vấn pháp lý của mình trước khi tham gia ký kết và hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh này nhằm đảm bảo rằng giao dịch được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại, trong đó có cả pháp luật về cạnh tranh.
Tại Việt Nam, Grab cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến giao dịch mua lại này khi có yêu cầu.
Tham vọng của Grab sau khi thâu tóm Uber
Sau khi tiếp nhận Uber, Grab cũng tiếp nhận Uber Eats và ngay lập tức phát triển thành một công ty lớn trong lĩnh vực dịch vụ giao nhận thức ăn. Grab có tham vọng mở rộng dịch vụ GrabFood đến tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á trong quý 2/2018 và dịch vụ này cũng giúp thúc đẩy phát triển ví điện tử GrabPay