Tăng đột biến, 30 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết thúc năm 2020, thị trường chứng khoán TP.HCM có 30 doanh nghiệp niêm yết đạt giá trị vốn hóa từ 1 tỷ USD, tăng thêm 7 doanh nghiệp so với thời điểm cuối năm 2019.
Vốn hóa của TPBank đã vượt mốc tỷ USD. Ảnh: Dũng Minh. Vốn hóa của TPBank đã vượt mốc tỷ USD. Ảnh: Dũng Minh.

Trong 7 thành viên mới của Câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD của sàn HOSE có 4 mã chuyển sàn là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (BCM), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Nhờ câu chuyện chuyển sàn trong năm 2020, vốn hoá của GVR, ACB, BCM và VIB đều lần lượt tăng vượt bậc là 182,7%, 60,8%, 37,4% và 122,1% so với cuối năm 2019.

Ba thành viên mới còn lại, nhờ thị giá cổ phiếu tăng mạnh đẩy vốn hoá vượt mốc tỷ USD là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB).

Trong năm 2020, vốn hoá của nhóm ngân hàng đều tăng trưởng mạnh so với đầu năm như CTG tăng 65,3%, TCB tăng 33,9%, VPB tăng 63,6%, MBB tăng 31,9%, ACB tăng 60,8%, VIB tăng 122,1%, STB tăng 68,2% so với cuối năm 2019. Có tới 12 ngân hàng có mặt trong danh sách thành viên Câu lạc bộ này.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, trong năm còn chứng kiến đà tăng mạnh vốn hoá của nhóm vật liệu xây dựng. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vốn hoá cuối năm 2019 chỉ là 64.885 tỷ đồng, thì tới 31/12/2020 đã tăng 111,7% lên 137.336 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp có mức tăng vốn hoá mạnh nhất trong nhóm vốn hoá tỷ USD.

Tập đoàn Masan (MSN) đại diện cho nhóm ngành hàng tiêu dùng cũng tăng vốn hoá mạnh trong năm qua, tỷ lệ tăng là 58,1% lên 104.429 tỷ đồng giá trị vốn hóa.

Mặc dù vậy, trong năm 2020 vẫn có tới 8 doanh nghiệp có vốn hoá giảm so với năm 2019.

Điển hình là cổ phiếu hàng không như Hàng không Vietjet (VJC), Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam - CTCP (HVN) đều có mức vốn hoá giảm so với cuối năm 2019 lần lượt là 14,5% và 16,1%.

PV Gas (GAS), Sabeco (SAB) vốn hoá giảm so với năm ngoái lần lượt 7,6% và 14,5%.

Nhìn chung, bức tranh doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD năm 2020 có dấu hiệu phân hoá theo xu hướng nhờ được hưởng lợi và gặp khó khăn lớn.

Bên cạnh giá tăng, năm 2020 còn chứng kiến dòng tiền đổ mạnh vào thị trường tạo nên những phiên thanh khoản kỷ lục.

Đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2020 khi thế giới bắt đầu công bố vắc-xin ngừa Covid-19, giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng về kinh tế sẽ sớm bước vào chu kỳ mở rộng mới. Thanh khoản thị trường có dấu hiệu bùng nổ trong quý IV so với quý III, cũng là giai đoạn thanh khoản thiết lập các kỷ lục của năm.

Trong đó, những phiên giao dịch tháng 12/2020 liên tiếp xuất hiện giá trị giao dịch 13.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE. Thanh khoản khớp lệnh trung bình 20 phiên giao dịch cuối năm so với đầu quý IV tăng 71%, giá trị khớp lệnh tăng 111% so với đầu quý IV.

Các thành viên Câu lạc bộ giá trị vốn hóa tỷ USD là những doanh nghiệp có thanh khoản tăng mạnh, kết hợp với thị giá cổ phiếu tăng khiến giá trị giao dịch cổ phiếu tăng vọt.

So với đầu quý IV, trong 20 phiên giao dịch cuối năm 2020, giá trị giao dịch của TCB tăng 713,9%, GVR tăng 426,3%, MBB tăng 193,4%, VRE tăng 187,7%, HPG tăng 119,7%, POW tăng 274,3%...

Tại thời điểm tháng 7/2020, khi kỷ niệm 20 thành lập thị trường chứng khoán, số liệu cho thấy chỉ có hơn 20 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa tỷ USD. Xu hướng tăng mạnh của thị trường nửa cuối năm đã giúp gần 10 doanh nghiệp nữa gia nhập Câu lạc bộ này khi kết thúc phiên giao dịch cuối năm, 31/12/2020.

Quy mô doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài còn chưa đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục