Tăng cường trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến tháng 2/2021, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là 9.253.071 tỷ đồng, tăng 0,66% so với cuối năm 2020 và với tổng tài sản có (tính đến tháng 10/2020) là 13.175.947 tỷ đồng, ngành ngân hàng giữ vị trí quan trọng, đóng góp phần lớn trong việc cung ứng tín dụng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài hoạt động kinh doanh, các ngân hàng Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài hoạt động kinh doanh, các ngân hàng Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Thông qua việc cung ứng tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho xã hội, trong đó có một phần ảnh hướng rất lớn đến sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, khi ngân hàng không chỉ theo đuổi các mục tiêu kinh tế, mà còn chú trọng đến các vấn đề xã hội, môi trường, thì tác động của ngành ngân hàng đến nền kinh tế, xã hội sẽ mang tính toàn diện và nhân văn hơn.

Trách nhiệm xã hội (CSR) trong ngành ngân hàng

Bản thân ngành ngân hàng không phải là một ngành mang lại rủi ro trực tiếp đối với xã hội, môi trường như các ngành công nghiệp, dịch vụ khác. Nhưng ngành ngân hàng lại gián tiếp tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường thông qua hoạt động của các đối tác, khách hàng của mình. Trong phần này, chúng tôi sẽ phân tích về các khía cạnh CSR của ngành ngân hàng cũng như lý do và sự cần thiết phải tăng cường thực hiện CSR trong ngành ngân hàng.

Các yếu tố cấu thành CSR

Về lý thuyết, “CSR nghĩa là doanh nghiệp hợp nhất các vấn đề về xã hội và môi trường trong các hoạt động của doanh nghiệp và phản ứng của họ đối với những người có liên quan trên cơ sở tự nguyện” (L.Zu (2000), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp và hiệu suất của công ty - bằng chứng thực nghiệm từ doanh nghiệp Trung Quốc”).

Hiểu ở một nghĩa rộng hơn, CSR gồm 4 yếu tố: kinh tế, tuân thủ pháp luật, đạo đức và làm từ thiện (Carrol AB (1999), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - sự phát triển của việc xây dựng mang tính định nghĩa”).

Theo đó, mỗi doanh nghiệp nói chung sẽ phải hoạt động với mục tiêu tạo ra lợi ích kinh tế trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần hướng tới các chính sách thân thiện, có lợi cho chính nhân viên của mình, cho xã hội, cộng đồng, khách hàng và môi trường; coi trọng giá trị đạo đức và dành một phần lợi nhuận của mình cho các hoạt động từ thiện.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, “Có thể giả định rằng, ngân hàng có tác động đáng kể đến xã hội và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Các ngân hàng có cách để tác động đến xã hội như họ có thể tự mình thực hiện CSR, hoặc tác động đến các doanh nghiệp thông qua việc cấp tín dụng cho các dự án của doanh nghiệp xử lý các vấn đề liên quan đến xã hội, đạo đức và môi trường” (Aneta Dlugopolska - Mikonowickz, Slywia Przytula, Christopher Stehr (2019) “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Phần Lan, các chiến lược, cơ hội và thách thức”).

Như vậy, trách nhiệm CSR chỉ được thực hiện khi ngân hàng không chỉ tuân thủ quy định pháp luật, mà còn phải coi trọng các giá trị đạo đức chưa được luật hóa nhưng cần thiết để xây dựng phát triển doanh nghiệp bền vững như chăm sóc, quan tâm đến quyền lợi của nhân viên và thiết lập môi trường làm việc thân thiện; bảo vệ quyền lợi của khách hàng thông qua các chính sách minh bạch hóa thông tin;... và hướng tới việc thành lập các quỹ đóng góp cho xã hội.

Bên cạnh đó, thông qua các chiến lược xanh, thân thiện với môi trường trong quy trình cho vay, các ngân hàng có thể kết nối các hoạt động thương mại với yếu tố môi trường (Trần Thị Hoàng Yến, 2014, “CSR trong lĩnh vực ngân hàng, đánh giá tài liệu và các định hướng nghiên cứu mới”).

Sự cần thiết phải thực hiện CSR

Theo lý thuyết chủ sở hữu (shareholder theory) về quản trị doanh nghiệp, mục tiêu của nhà quản lý là mang lại lợi ích cho chủ sở hữu, khi đó họ cho rằng, sự thịnh vượng của xã hội được tối đa hóa chỉ khi mà tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều tối đa hóa giá trị của mình (theo Jensen M, 2002, “Tối đa hóa giá trị, nguyên tắc người có liên quan và chức năng của doanh nghiệp”).

Ngược lại, những người theo học thuyết người có liên quan (stakeholder theory) lại cho rằng, các doanh nghiệp nên “có trách nhiệm đối với tất cả những người có liên quan (…)”, mặc dù mục tiêu sau cùng của học thuyết này vẫn là tính liên tục của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phải cân bằng lợi ích của tất cả những người có liên quan, trong đó bao gồm chủ sở hữu (Smith N.C, 2008, “Người tiêu dùng là nhân tố của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”).

Như vậy, những người khuyến khích việc thực hiện CSR là những người đi theo học thuyết người có liên quan, ở đó, họ nhận thấy rằng, “lợi ích liên tục và mang tính tồn tại của một doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội được thiết lập và phân bổ sự thịnh vượng hoặc giá trị đủ để đảm bảo rằng mỗi nhóm người có liên quan cấp 1 là một phần của hệ thống người có liên quan của doanh nghiệp” (Clarkson M. B. E, (1995), “Khuôn khổ về người có liên quan để phân tích và đánh giá hiệu suất xã hội của doanh nghiệp”), trong đó, người có liên quan cấp 1 được hiểu là nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng (Freeman R.E, (1984), “Quản lý chiến thuật: cách tiếp cận người có liên quan”).

Đồng thời, việc tăng cường thực hiện CSR có thể dẫn đến gia tăng về lợi nhuận tài chính bằng việc giúp các doanh nghiệp phát triển các tài sản vô hình nhưng có giá trị như danh tiếng, hình ảnh, khả năng thu hút nhà đầu tư, giảm chi phí vốn, tăng cường mong muốn làm việc lâu dài của nhân viên và phát triển mối quan hệ với cộng cồng cũng như lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Như vậy, việc thực hiện CSR tại doanh nghiệp nói chung và tại ngân hàng nói riêng sẽ có những tác động tích cực mang tính hai chiều, cho xã hội và cho chính bản thân doanh nghiệp cũng như ngân hàng.

Hiện nay, tại Việt Nam, đã có khá nhiều ngân hàng quan tâm đến việc thực hiện CSR như Techcombank đã trao 1,2 tỷ đồng cho Quỹ vì người nghèo và Quỹ phát triển tài năng thể thao TP.HCM thông qua giải chạy quốc tế TP.HCM - Techcombank 2018; Ngân hàng Sài Gòn (SCB) ủng hộ 500 triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 1 tỷ đồng vào Quỹ vì người nghèo của TP.HCM, thông qua chương trình “Thành phố nghĩa tình - Kết nối yêu thương” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức…

Tăng cường thực hiện CSR trong lĩnh vực ngân hàng

Các trở ngại ngăn cản việc thực hiện CSR

Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thực tế, việc thực hiện CSR tại các ngân hàng gặp hai trở ngại chính. Một là, trở ngại về mặt kinh tế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, CSR là sự lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp (Benabou and Tiroble, (2010), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cá nhân”); bên cạnh đó, “các ngân hàng nhỏ không nỗ lực trong việc tính toán chi phí để thực hiện CSR và do đó họ không thể biết rằng lợi ích có vẻ như là lớn hơn so với chi phí”. Hai là, “trở ngại ngăn cản các ngân hàng ở các quốc gia (đang phát triển) khỏi việc tăng cường CSR là do thiếu các yêu cầu về pháp lý đối với CSR”.

Bài học kinh nghiệm quốc tế

Theo kinh nghiệm của Phần Lan, nhiều ngân hàng cố gắng xây dựng hình ảnh của mình và tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với xã hội bằng nhiều cách như tiết kiệm tài nguyên, tài trợ cho các tổ chức vì sinh thái, cung cấp các sản phẩm tài chính đặc biệt, tích cực tham gia các sáng kiến và chương trình được xã hội đánh giá cao, cho thấy họ quan tâm đến khách hàng, nhân viên, môi trường và cộng đồng địa phương.

Đồng thời, tham gia vào các chương trình và sáng kiến khác nhau liên quan đến việc thúc đẩy và đánh giá CSR, đẩy mạnh giáo dục cũng như đưa ra các chính sách về tài chính hỗ trợ, khuyến khích ngân hàng theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường (Aneta Dlugopolska - Mikonowickz, Slywia Przytula, Christopher Stehr, (2019), “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Phần Lan, các chiến lược, cơ hội và thách thức”).

Tại Ấn Độ, các ngân hàng sẽ không cấp tín dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến suy giảm tầng ôzôn, vi phạm nhân quyền, hay sản xuất, mua bán vũ khí gây tranh cãi, hoạt động cờ bạc hoặc khiêu dâm; đồng thời, tham gia vào các chương trình nâng cao nhận thức về việc “tránh sử dụng túi nhựa” và “giảm sử dụng giấy trong văn phòng”; bên cạnh đó, thúc đẩy và tài trợ cho các dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng mặt trời; hỗ trợ cho các dự án bảo vệ động vật hoang dã, dự án liên quan đến giảm phát thải carbon (Eliza Sharma, “Trách nhiệm doanh nghiệp: phân tích các ngân hàng thương mại Ấn Độ”, 2/2013).

Khuyến nghị chính sách về SCR trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam

Về cơ sở pháp lý của việc thực hiện CSR trong ngành ngân hàng, chúng tôi nhận thấy, hiện các quy định về việc thực hiện CSR mới chỉ mang tính nguyên tắc.

Ảnh tác giả

Việc phối hợp giữa các bộ, ngành để có các đánh giá chuyên sâu về khả năng luật hóa các trách nhiệm CSR nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện CSR trong ngành ngân hàng là rất cần thiết.

Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước

Ví dụ, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có quy định nguyên tắc cho vay, vay vốn tại khoản 1 Điều 4 về việc “hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Do vậy, việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngân hàng tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế để tăng cường nguồn vốn giá rẻ nhằm cung ứng các khoản vay cho dự án xanh, dự án tín dụng vì môi trường là điều hết sức cần thiết. Đây là một nội dung rất quan trong, cần có sự chia sẻ, hợp tác quốc tế trong hoạt động tín dụng vì môi trường chung của khu vực và thế giới.

Ngoài ra, các giải pháp thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh và phát triển bền vững mới chỉ dừng lại ở khuyến nghị, được quy định tại các văn bản cá biệt, chưa mang tính ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý.

Cụ thể, trên cơ sở quy định tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Do vậy, việc phối hợp giữa các bộ, ngành (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…) để có các đánh giá thêm về khả năng luật hóa trách nhiệm CSR, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện CSR trong ngành ngân hàng là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, cần có thêm nghiên cứu, phối hợp để điều chỉnh quy định tại Luật Doanh nghiệp theo hướng bổ sung trách nhiệm doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng trong việc dành một phần lợi nhuận để thực hiện CSR tại tổ chức của mình.

Trong điều kiện hiện nay, các cơ quan quản lý ngành (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và tổ chức (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cần tăng cường công tác vinh danh, khuyến khích tổ chức tín dụng tích cực thực hiện CSR và nâng cao nhận thức của tổ chức tín dụng cũng như các lợi ích của việc thực hiện CSR đối với sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Như vậy, việc thực hiện CSR là một hoạt động không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật, mà còn thuộc phạm trù về đạo đức doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh. Sẽ cần có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này để đề xuất các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện CSR trong lĩnh vực ngân hàng. Điều đó có nghĩa là, bên cạnh việc nâng cao quan điểm, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp thì việc rà soát để xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý áp dụng cho SCR cần được thực hiện để SCR trở thành một trong những nội dung hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng.

Tạ Quang Đôn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục