Thanh toán phi tiền mặt tăng mạnh trong mùa dịch
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán; vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.
Nhờ đó, hoạt động thanh toán không tiền mặt có sự phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt.
Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt.
Triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, NHNN có công văn chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng.
NHNN cũng đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ 01/4 -31/12/2020.
Đồng thời, NHNN có công văn yêu cầu các ngân hàng phải điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho khách hàng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các TCTD đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong quá trình giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng.
Hoàn thiện hàng lang pháp lý thanh thanh toán không dùng tiền mặt
Theo bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN, "Ngày không tiền mặt" là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án nói trên và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Bà Sen cho biết, các Đề án có đề cập đến 3 trụ cột cơ bản trong phát triển thanh thanh toán không dùng tiền mặt là: hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính (hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán) và truyền thông. Để thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án trên cần sự đồng bộ của 3 trụ cột này. Trong đó, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng.
Đối với truyền thông về thanh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, đặc biệt truyền thông minh bạch về phí để người dân yên tâm sử dụng.
Thực tế, để khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan đơn vị liên quan cần truyền thông để người sử dụng hiểu rõ tiện ích, an ninh, an toàn và chi phí thấp. Chính những điều đó là yếu tố quan trọng hình thành và thay đổi thói quen cộng đồng.
Về hoạt động truyền thông, bà Sen cho biết thêm, thời gian tới, truyền thông ngành Ngân hàng tiếp tục hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, đồng thời tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan, tổ chức chính trị-xã hội với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính.
“Để thực hiện được mục tiêu đó, NHNN nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam, các xu hướng truyền thông mới, ứng dụng công nghệ hiện đại để phối hợp xây dựng các chương trình truyền thông.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan như các cơ quan Bộ ngành liên quan, cơ quan báo chí, các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị cung ứng và chấp nhận dịch vụ để thực hiện truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đặc biệt là thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”, lãnh đạo Vụ Truyền thông cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Thuý Bình chia sẻ: “Không chỉ phát triển các tiện ích thanh toán đa dạng cho khách hàng trên kênh bán vé trực tuyến, các chương trình khuyến mại hấp dẫn và thường xuyên đã thu hút và tạo những thói quen mua hàng và thanh toán trực tuyến của khách hàng. Chắc nhiều người trong chúng ta biết chương trình “12h rồi Vietjet thôi”. Khách hàng vào trang web của Vietjet mua vé và thanh toán trực tuyến ngay sẽ săn được rất nhiều vé khuyến mại. Chương trình này đã tạo ra thói quen mới cho cộng đồng dân văn phòng là “ăn trưa săn vé” với các loại thẻ và tài khoản thanh toán trực tuyến. Hay gần đây là chương trình 2,5 triệu vé khuyến mại từ 8.000 đồng cho 8 đường bay nội địa mới mở của Vietjet cũng chỉ áp dụng cho vé thanh toán trực tuyến".
“Nếu thị trường thanh toán không tiền mặt là cái bánh thì Vietjet là bột nở để làm cái bánh này lớn hơn”, dịch vụ đa dạng, phương thức mua vé và thanh toán trực tuyến phong phú, tiện lợi sẽ kích thích mạnh hơn đến thói quen tiêu dùng thông minh của thị trường, bà Thúy Bình cho biết.
Phó Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Thuý Bình
Theo lãnh đạo Vietjet, sau đại dịch Covid19, xu hướng sinh hoạt, tiêu dùng online càng trở nên phổ biến hơn. Đón đầu xu hướng này, Vietjet đang khẩn trương hoàn thiện phiên bản mới của kênh bán hàng trực tuyến với các tiện ích thanh toán trực tuyến thuận tiện và mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng. Vietjet cũng đang phát triển một “siêu ứng dụng” nhằm không chỉ bán vé máy bay mà khách hàng còn có thể mua sắm được nhiều sản phẩm, dịch vụ khác như khách sạn, thuê xe, cho vay tài chính…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, chương trình Ngày không tiền mặt năm nay đánh dấu 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 31/12/2016.
Đây không những là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của thanh thanh toán không dùng tiền mặt mà còn là để ngành ngân hàng cùng với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục và hướng tới các mục tiêu mới trong thời gian tới.
Theo Phó Thống đốc Kim Anh, để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy thanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể như: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử (eKYC)
Triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ;
Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá kết quả triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg và Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân...
Có thể nói, trong những tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã cùng các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong hoạt động thanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thanh thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngày không tiền mặt do báo Tuổi trẻ đề xuất - ngày 16/6 - được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Hưởng ứng ngày 16/6 năm nay sẽ có nhiều sự kiện như: Chương trình Ủng hộ nông sản Việt; Chương trình Tiểu thương không tiền mặt; Giải chạy bộ Online - Ngày không tiền mặt; Chương trình Tuần lễ không tiền mặt - từ ngày 10/6 - 16/06/2020… Thông qua các chương trình, sự kiện sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. |