Thanh toán thẻ không tiếp xúc lên ngôi

(ĐTCK) Giữa tâm bão Covid-19, nhịp độ công việc đình trệ nhưng nhu cầu chi tiêu phục vụ cho các sinh hoạt thiết yếu vẫn diễn ra và đó cũng chính là lý do thanh toán không bằng tiền mặt lên ngôi. 
Dân số trẻ, yêu thích công nghệ là lợi thế lớn của thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam. Dân số trẻ, yêu thích công nghệ là lợi thế lớn của thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam.

Giao dịch trực tuyến tăng mạnh

Để phòng ngừa dịch Covid-19, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua hàng trực tuyến, thanh toán online thay vì đến trực tiếp các cửa hàng, siêu thị. Mặt khác, người tiêu dùng hạn chế thanh toán bằng tiền mặt vì lo ngại virus nCoV lây lan qua tiền mặt.

Theo nghiên cứu của Đại học New York (Mỹ), trên mỗi tờ tiền có khoảng 3.000 vi khuẩn khác nhau sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, virus gây ra Covid-19 có thể tồn tại ngoài vật chủ tới 9 ngày và bám trên các bề mặt của vật dụng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị sử dụng thanh toán không chạm - contactless hay sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh như Apple Pay, Samsung Pay…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khuyến khích người dân tăng cường giao dịch online thay vì giao dịch bằng tiền mặt. Hưởng ứng điều này, một số ngân hàng đã có chính sách không thu phí đăng ký, phí duy trì dịch vụ qua Mobile Banking, Internet Banking… Đây là cơ hội để thanh toán điện tử lên ngôi.

Kết thúc quý I/2020, VPBank cho biết, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ.

Visa cũng khẳng định, việc cách ly xã hội thời gian qua đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán của người dân. Người tiêu dùng đã dần chuyển dịch nhiều hơn từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử khác để phục vụ cho nhu cầu mua sắm.

Thực tế, thẻ ngân hàng đã trở thành phương tiện thanh toán được người dân Việt Nam sử dụng phổ biến, được các ngân hàng thương mại chú trọng phát triển, tăng cường tính năng, tiện ích sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng cao.

NHNN cho biết, đến cuối tháng 10/2019, đã có trên 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức thực hiện qua điện thoại di động.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng hơn 67% và trên 36%; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 9/2019, số lượng thẻ lưu hành trên cả nước đạt trên 96,4 triệu thẻ, với 56 tổ chức phát hành và rất nhiều thương hiệu thẻ khác nhau, trong đó thẻ ghi nợ nội địa chiếm tỷ lệ áp đảo, với trên 90% tổng lượng thẻ lưu hành.

Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ được các ngân hàng thương mại chú trọng đầu tư, mở rộng, với trên 18.900 ATM và trên 275.600 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt.

Hạ tầng và dịch vụ thẻ phát triển mạnh mẽ làm gia tăng đáng kể số lượng khách hàng, số lượng tài khoản ngân hàng và làm cơ sở để thúc đẩy các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao đi kèm như: Ví điện tử, MobileBanking, Internet Banking… NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải sớm chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip, bởi đó là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt.

NHNN cũng ban hành Thông tư 41 quy định lộ trình chuyển đổi chuyển sang thẻ chip, lộ trình chuyển đổi với thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng đang hoạt động tại Việt Nam như đối với tổ chức thanh toán thẻ đến 31/12/2020 và tổ chức phát hành thẻ nội địa đang lưu hành 31/12/2021.

Ông Neil Van Heerden, Giám đốc chiến lược của TrueMoney - ví điện tử hàng đầu Thái Lan, nhận định, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang có những lợi thế như: cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng...

Cạnh tranh với ví điện tử

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, sự chuyển biến tích cực của thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian qua đã thúc đẩy các giao dịch qua Internet, di động tăng tới 238% về giá trị.

Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.

Các chuyên gia cho rằng, rào cản lớn nhất của thanh toán không tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng...

Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu, thông tin khách hàng, nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Còn theo số liệu của Tập đoàn IDG Việt Nam, tỷ lệ thanh toán tiền mặt ở nước ta dù đã giảm, nhưng vẫn còn khá cao, chiếm 79%, chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt.

Trong đó, thanh toán qua ví điện tử tăng mạnh và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt với 28,4%, thanh toán qua thẻ các loại 38% và thanh toán qua kênh di động Mobile Banking khoảng 30%...

Theo số liệu đưa ra từ NHNN,  tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh Internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; tổng lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 169,86 triệu lượt, tăng 109,48% so với cùng kỳ.

Mặt khác, hiện dịch vụ thẻ của các ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt với ví điện tử. Cùng với hệ thống ngân hàng thương mại, Việt Nam hiện có khoảng 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu - chi hộ…

Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng 600%. Nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân, số điểm thanh toán qua mã VNPAY-QR hiện đã tăng lên hơn 50.000 điểm.

Song song với đó, VNPAY sẽ tiếp tục phát triển, cải tiến giải pháp, mang đến hình thức thanh toán tiện lợi, hiện đại hơn.

Theo khảo sát về nhận định và hành vi người dùng đối với các thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, kết quả dựa trên cuộc thăm dò 505 khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội đã từng sử dụng ít nhất một ví điện tử trong quý IV/2019.

Trong đó, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố này, chiếm 90% thị phần. Trung bình mỗi ngày, người dùng Moca thực hiện 2,2 giao dịch, MoMo là 2 giao dịch và ZaloPay là 1,6 giao dịch.

Trong đó, người dùng MoMo có số chi tiêu bình quân trong ngày là 520.000 đồng, Moca 506.000 đồng và ZaloPay là 441.600 đồng.

Tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới.Bà Lê Xuân Phương, Phó giám đốc Nghiên cứu tại Cimigo

Bà Lê Xuân Phương, Phó giám đốc Nghiên cứu tại Cimigo cho rằng, tần suất và giá trị giao dịch hàng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Các ví điện tử dùng để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn định kỳ... được dự đoán sẽ tiếp tục nở rộ.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, Nhà đồng sáng lập MoMo, số lượng thanh toán bằng MoMo trên các nền tảng mua sắm, giao đồ ăn trực tuyến như Tiki, Lazada,Baemin... đều tăng trưởng vài trăm phần trăm.

Đặc biệt là sự bùng nổ của việc thanh toán mua hàng hóa tại các siêu thị, ứng dụng giải trí, giáo dục trực tuyến, đăng ký khám bệnh, thanh toán dịch vụ công, có những dịch vụ tăng cả chục lần so với trước đây. MoMo hiện có hơn 22.000 đối tác cung cấp dịch vụ và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán.

Trong khi, Moca cũng ghi nhận sự gia tăng các giao dịch thanh toán không tiền mặt thông qua ví Moca, nhất là các thanh toán cho dịch vụ trên nền tảng Grab như GrabFood, GrabMart và gần đây nhất là GrabAssistant.

Qua đó có thể thấy, khi một sân chơi được mở rộng với nhiều người chơi hơn, miếng bánh thị phần có thể sẽ phải phân chia lại đi kèm cạnh tranh.

Tuy nhiên, để đảm bảo cạnh tranh công bằng và lành mạnh, mỗi người chơi cần tuân thủ những quy định nhất định để đảm bảo tính công bằng và an toàn trong hoạt động thanh toán.

Mặt khác, xu hướng phát triển hợp tác và cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán của các ngân hàng ngày càng trở nên mạnh mẽ và gay gắt hơn, đòi hỏi các ngân hàng phải có sự nhận thức sâu sắc về vấn đề này, nếu không muốn bị tụt hậu và mất thị phần, mất khách hàng trong tay các đối thủ cũng là các đối tác: như các công ty Fintech, các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đồng thời, hoạt động thanh toán qua ngân hàng thời gian qua đã phát triển nhanh chóng, cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn cho công tác an ninh, an toàn về cơ sở dữ liệu khách hàng.

Minh Châu
Đặc san Ngân hàng 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục