Nâng trách nhiệm của công ty chứng khoán
Khi Luật Chứng khoán 2006 có hiệu lực, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Sau đó, Luật được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014 và 2019. Luật Chứng khoán 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tới, UBCK đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
Theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán có nghĩa vụ thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan; tách biệt chứng khoán của từng nhà đầu tư; thu thập tìm hiểu thông tin về tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng; lưu giữ đầy đủ các chứng từ và tài khoản phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của khách hàng và của công ty...
Luật Chứng khoán 2019 bổ sung thêm quy định công ty chứng khoán phải “thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính” (Điều 89).
Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Pháp chế và Kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, đây không phải là quy định mới. Từ năm 2017, Thông tư số 115/2017/TT-BTC về giám sát giao dịch đã có quy định các thành viên giao dịch (là các công ty chứng khoán) phải giám sát giao dịch của khách hàng và báo cáo các giao dịch bất thường, báo cáo định kỳ về giám sát gửi cho Sở giao dịch chứng khoán và UBCK.
Luật Chứng khoán 2019 đã nâng trách nhiệm giám sát giao dịch của công ty chứng khoán lên một mức cao hơn, quy định thành nghĩa vụ của công ty.
Tuy nhiên, Luật Chứng khoán 2019 đã nâng trách nhiệm giám sát giao dịch của công ty chứng khoán lên một mức cao hơn, quy định thành nghĩa vụ của công ty chứng khoán trong luật nhằm hoàn thiện ý tưởng của cơ quan quản lý về ba tầng giám sát giao dịch là công ty chứng khoán, Sở giao dịch và UBCK.
Để hoàn thiện chính sách, UBCK đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, UBCK phê duyệt tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán, chỉ tiêu báo cáo giám sát giao dịch áp dụng cho thành viên giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán xây dựng và các ngưỡng giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ/việc nộp ký quỹ yêu cầu, giới hạn vị thế theo từng tài khoản của nhà đầu tư với thị trường phái sinh, thành viên bù trừ đối với thị trường cơ sở do Tổng công ty Lưu ký chứng khoán xây dựng.
So với quy định hiện nay, dự thảo Thông tư siết chặt thời gian báo cáo giám sát định kỳ nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi giao dịch nội bộ, thao túng thị trường chứng khoán và các hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, thay vì mốc thời gian 10 ngày, Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và công ty con phải gửi báo cáo giám sát định kỳ chậm nhất là 16h30 ngày giao dịch với thông tin khối lượng mở cuối ngày của từng loại chứng khoán phái sinh.
Trong vòng 2 ngày làm việc đầu tiên của tuần tiếp theo, Tổng công ty và công ty con có trách nhiệm gửi báo cáo giám sát giao dịch tuần.
Công ty chứng khoán phải áp dụng hệ thống chỉ tiêu báo cáo giám sát; giám sát diễn biến các giao dịch trong ngày, nhiều ngày của các nhà đầu tư mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch chứng khoán của các cá nhân, tổ chức mở tài khoản hoặc có giao dịch; cập nhật và lưu giữ đầy đủ hồ sơ thông tin nhà đầu tư, chứng từ phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của nhà đầu tư và của thành viên giao dịch.
Công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, báo cáo giám sát.
Nhiều ý kiến đa chiều
Việc công ty chứng khoán có nghĩa vụ giám sát giao dịch của khách hàng đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, điều này giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm, giữ cho thị trường hoạt động lành mạnh, qua đó các đối tượng tham gia đều hưởng lợi.
Nhưng có ý kiến nhìn nhận, khách hàng là người “nuôi sống” công ty chứng khoán, luật yêu cầu công ty chứng khoán giám sát giao dịch của khách hàng sẽ gây ra xung đột lợi ích.
Hơn nữa, công ty chứng khoán là đơn vị kinh doanh, không có hệ thống và nghiệp vụ giám sát giao dịch như các cơ quan quản lý, nên hiệu quả giám sát sẽ hạn chế.
“Tuy nhiên, luật đã quy định thì các công ty chứng khoán đều phải thực hiện. Chúng tôi hy vọng, Sở giao dịch chứng khoán sẽ đưa ra các tiêu chí giám sát cụ thể, có thể định lượng để thực hiện”, ông Long nói.
Thực tế những năm qua, không ít cổ phiếu trên thị trường thường xuyên có dấu hiệu bị thao túng, làm giá, giao dịch nội gián…, cơ quan quản lý nỗ lực phát hiện và xử phạt. Chẳng hạn, trong tháng 7/2020, Thanh tra UBCK đã ban hành quyết định xử phạt với số tiền 1,2 tỷ đồng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Thành Ðô và 550 triệu đồng đối với ông Ngô Văn Cường, đều ở TP.HCM, do sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTF.
Vậy nhưng, tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán vẫn nhức nhối. Vì thế, việc sửa đổi luật theo hướng tăng chế tài và tăng cường giám sát giao dịch được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp hạn chế các hành vi vi phạm.
Theo ông Long, công ty chứng khoán và các nhân viên môi giới là người giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Việc thực hiện nghĩa vụ giám sát sẽ nâng cao ý thức tuân thủ của chính công ty chứng khoán và nhân viên môi giới.
Công ty chứng khoán cũng sẽ chủ động nhắc khách hàng cùng tuân thủ quy định giao dịch để tránh rơi vào trường hợp phải báo cáo vi phạm giao dịch, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên.
Về phía khách hàng, họ biết rằng, luật yêu cầu công ty chứng khoán giám sát giao dịch thì cũng vui vẻ hợp tác và “chùn tay” nếu có ý định vi phạm.
Theo dự thảo Thông tư, nội dung giám sát của Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ tập trung vào hoạt động giao dịch, công bố thông tin và báo cáo liên quan đến giao dịch chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch tại công ty con của các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, cổ đông lớn, nhóm người liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;
Nhà đầu tư nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng, người nội bộ và người có liên quan đến người nội bộ và các đối tượng khác của tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, người nội bộ của quỹ đại chúng niêm yết dạng đóng và người có liên quan, người được ủy quyền công bố thông tin và nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, so với Thông tư số 115/2017/TT-BTC ngày 25/10/2017, dự thảo Thông tư lần này bổ sung nội dung: giám sát giao dịch của tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch mua lại cổ phiếu của chính mình, giao dịch chào mua công khai và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.