Giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán trước nguy cơ lợi dụng dịch cúm để trục lợi

(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu tác động tiêu cực bởi dịch cúm do virus Corona, đâu là giải pháp điều hành thị trường? Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đã và đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam triển khai nhiều giải pháp.
Giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán trước nguy cơ lợi dụng dịch cúm để trục lợi

Yêu cầu công ty chứng khoán báo cáo giao dịch ký quỹ hàng ngày

Ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý, do chịu tác động tiêu cực bởi dịch cúm bùng phát tại Trung Quốc và lây lan ra nhiều nước, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam, mà nhiều thị trường trên thế giới rơi vào tình trạng sụt giảm về điểm số, giá trị vốn hóa bốc hơi mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu năm Canh Tý, ngày 30 và 31/1/2020, chỉ số VN-Index mất gần 45 điểm, tương đương 4,54 %.

Đây là mức giảm điểm sâu do yếu tố ảnh hưởng sau kỳ nghỉ Tết dài và ảnh hưởng tâm lý do dịch cúm.

Giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán trước nguy cơ lợi dụng dịch cúm để trục lợi ảnh 1

Trong khu vực, trong hai tuần cuối tháng 1/2010 khi dịch lan rộng, mức giảm điểm của các thị trường chứng khoán châu Á khá mạnh, như Hồng Kông giảm 9,4 %, Hàn Quốc giảm 5,8%, Thái Lan giảm 5,4 %. Bắt đầu từ tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hẹp đà giảm…

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 diễn ra chiều 5/2, đâu là giải pháp điều hành thị trường chứng khoán trong bối cảnh tình hình dịch cúm cũng như những ảnh hưởng của dịch tới tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, bà Mai cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, với giải pháp ngắn hạn, cùng với chỉ đạo UBCK tích cực tuyên truyền để ổn định tâm lý nhà đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCK chủ động theo dõi sát sao diễn biến của thị trường chứng khoán quốc tế và trong nước, yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tăng cường giám sát, thực hiện báo cáo hàng ngày diễn biến thị trường, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn.

“UBCK yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hàng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch ký quỹ (margin), tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.

Với các giải pháp trên, thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài ngày qua đã phục hồi trở lại và có xu hướng tăng điểm”, bà Mai cho hay.

Liên quan đến giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế và ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021 theo hướng đảm bảo tính bao quát, khắc phục những nhược điểm đã tổng kết, đánh giá.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại thị trường chứng khoán để phát triển hiệu quả, năng động hơn theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững.

3 nhóm giải pháp duy trì đà tăng trưởng kinh tế

Về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý để tạo nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển tích cực của thị trường chứng khoán, tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 1/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến, không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu đạt kế hoạch đã đề ra, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhiều giải pháp đã được các thành viên Chính phủ thảo luận và đồng thuận triển khai trong thời gian tới.

Trên cơ sở thống nhất sau khi kiểm soát, dập dịch cúm Corona thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, 3 nhóm giải pháp lớn được tập trung triển khai.

Thứ nhất, kiểm soát chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng cách điều hành giảm giá xăng dầu theo giá thị trường, không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới.

Thứ hai, khơi thông nguồn vốn với chi phí thấp hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.

Để thực hiện được giải pháp này, theo người phát ngôn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực giảm lãi suất. Cùng với đó, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ ba, cải thiện khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, nhằm tạo ra dư địa tăng trưởng mới.

Để hiện thực hóa định hướng này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Liên quan đến nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Năm nay có nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định, nhưng khả năng giải ngân có tốt hay không phụ thuộc vào việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Các địa phương cần khẩn trương hoàn thành thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng.

“Các gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng là phương án cần phải tính đến, nhưng còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực có bao nhiêu, hỗ trợ đối tượng nào…”, ông Phương nói.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ