Tản mạn tiết kiệm năng lượng

(ĐTCK) Trưa Chủ nhật, khu tập thể bị cúp điện. Mở toang cửa sổ hưởng sái gió trời, tôi bỗng nhớ về căn nhà nhỏ ở quê của mình. Đó là một bài thơ kiến trúc, dẫu không hề hoàn hảo, tròn trịa. Chẳng cần tính toán cầu kỳ, bố tôi cứ dựa vào thế đất tự nhiên để cất nhà, để nhấn nhá thêm cây cối êm ái và cho gia đình không gian sống hòa mình với tự nhiên. Nên khi nhìn lại căn nhà phố này, thấy chẳng “thân thiện” tẹo nào.
Tản mạn tiết kiệm năng lượng

Chiều tối. Ông chồng chỉ mới bước một chân qua cánh cửa, tôi đã vội hỏi: “Ê chồng. Hay mình cải tạo lại nhà đi. Theo kiểu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường ấy. Em thấy nhiều người giờ thích sống như vậy đấy”.

Khi đặt vấn đề bằng cách này, tôi nhận ngay lấy câu trả lời ngỡ ngàng từ lão: “Tiết kiệm năng lượng để làm gì thế em?”. Ừ thì để tiết kiệm tiền điện này, nước này, để sống khỏe mạnh hơn trong căn nhà của mình.

 “Ôi dào, một tiền gà, ba tiền thóc. Em có biết xẻ cái nhà này ra sửa mất bao nhiêu tiền không?”. Ừ thì, em thấy cái Hoa đang sống trong một khu căn hộ xanh ở đường Tố Hữu thích thú lắm. Nhà nó lúc nào cũng ngập nắng, ngập gió, nhiều cây xanh nữa. Mà nghe đâu tiền điện nước còn tiết kiệm hẳn 30%.

“Đấy là nhà tiết kiệm năng lượng mà em nghĩ à?”. Ừ thì anh vặn vẹo nhiều quá. Trả lời có hay không là được rồi.

“Đòi ở nhà tiết kiệm năng lượng thế em đã biết mặt mũi nó như thế nào chưa?”. Ờ thì tui đọc trên báo, người ta bảo đó là căn nhà sử dụng những vật liệu từ thiên nhiên như là tre, nứa, gáo dừa… này. Rồi trồng cây xanh xen kẽ các tầng, tận dụng được năng lượng tự nhiên để tiết kiệm năng lượng sử dụng như gió, nước…

“Em có biết ngành kiến trúc và xây dựng cũng là ngành tiêu thụ tới 30% nguồn năng lượng không?”. Thấy tôi cạn lời, ông chồng tiếp lời: “Định nghĩa của em vừa đúng vừa sai. “Nhà tiết kiệm năng lượng” hay “Kiến trúc xanh”, nghe thì đơn giản nhưng thực tế không như vậy. Ngay cả một số kiến trúc sư trẻ, “có tiếng” hẳn hoi mà có lần vẫn nhầm lẫn khái niệm đó. Nên người lần đầu tiên có ý muốn đột xuất như em mà nhầm cũng chẳng ngạc nhiên tẹo nào.

Thế túm lại, ông bảo nó là cái gì nào?

Thôi cứ hiểu đơn giản thế này, nhà tiết kiệm năng lượng đó là căn nhà sử dụng những chất liệu đơn giản, cách nhiệt tốt, giảm thiểu nhu cầu sử dụng năng lượng nhân tạo từ khâu thiết kế.

Bên cạnh đó, căn nhà cần được thiết kế để tự tạo ra nguồn năng lượng từ thiên nhiên với các giải pháp như tăng sáng tự nhiên, khí trời, sử dụng nguồn sáng từ năng lượng mặt trời, dùng tôn lạnh để giảm năng lượng làm mát căn nhà… Nói chung, tạo ra nguồn năng lượng lớn hơn mức sử dụng nhằm kết nối bền vững với cộng đồng.

 “Nói như vậy thì nhà tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam nhiều không đếm xuể. Nào là nhà trình tường của người Mông, nhà xây bằng đá ong ở Làng cổ Đường Lâm, nhà lợp cọ ở vùng trung du phía Bắc… Những căn nhà đó cũng sử dụng vật liệu thân thiện, cũng tiết kiệm năng lượng đó thôi”.

“Đồng ý là gạch ngói hay đá trước đây được đánh giá là vật liệu thân thiện, nhưng bây giờ, trong quá trình nung đất lại tạo khí độc cho môi trường. Còn đá là loại vật liệu không thể tái sinh được. Nhưng thép lại có thể coi là thân thiện vì khả năng tái sử dụng, tái chế của nó”.

Nói rồi ông chồng phi vào góc làm việc, lấy ra mấy tờ tạp chí Tây, ta đủ loại cho tôi tham khảo. “Đây, nếu chưa tin, em xem thêm những căn nhà nông thôn của Glent Marcutt tại Úc, công trình Left House của những sinh viên Đại học Maryland, nhà vòm của Buckminster 

Fuller…để có thể hình dung dễ dàng hơn về kiến trúc nhà ở tiết kiệm năng lượng”.

Những công trình này đều được thiết kế rất tinh tế để tái hồi năng lượng và hài hòa với môi trường. Nhiều công trình sử dụng những vật liệu có thể sản xuất dễ và rẻ, nhưng không quá đề cao yếu tố tự nhiên như kính, đá, gạch nung không khói, bê tông và thép cán lượn sóng. Nhiều công trình còn để ý đến chu trình di chuyển của mặt trời, mặt trăng và thiết kế các công trình của mình hòa quyện với sự biến đổi của ánh sáng và gió. Thậm chí, có những tòa nhà không cần trang bị điều hòa nhiệt độ nữa.

Chất liệu thân thiện, trong đó có cả các yếu tố địa phương thì có nhiều lắm. Chỉ có điều ứng dụng thế nào cho khéo thôi. Nhà cũng vậy, thân thiện cũng phải đi kèm với hiệu quả nữa.

“Thế ban đầu anh hỏi em, tiết kiệm năng lượng để làm gì và để được gì? Anh chắc phải có câu trả lời chứ.” Ít hơn mà được nhiều hơn em ạ. Ít ảnh hưởng đến môi trường hơn để được “nhiều hơn”.

Nhiều hơn là bền vững hơn, kinh tế hơn. Nhiều hơn chính là tích lũy được nhiều năng lượng cho loài người, cho thế hệ con cháu sau này của chúng ta. Và còn một vấn đề “nhiều hơn”, vô cùng quan trọng, đó chính là vì sức khỏe của mọi người trong chính ngôi nhà.

Đúng là phải cảm ơn… sự mất điện bất ngờ này. Nó đã giúp tôi có dịp nhìn ngắm lại cuộc sống kỹ hơn, rồi phát hiện ra điều lý thú từ chuyện nhỏ như vậy.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thùy Linh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục