Tản mạn cuối tuần: “Chứng sĩ mù”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mấy ngày nay, ngoài việc bám sát diễn biến bảng điện, nhiều nhà đầu tư dành thời gian bàn luận rôm rả về tác phẩm điện ảnh “Chứng sĩ mù”.
Các chứng sĩ bàn tán xôn xao về bộ phim "Chứng sĩ mù" trên HOSE. Các chứng sĩ bàn tán xôn xao về bộ phim "Chứng sĩ mù" trên HOSE.

Nhà đầu tư ấm ức vì mất tiền oan

“Chơi bẩn đấy”;

“Nhiều người cay lắm mà không làm gì được”;

Hay “Một lần nữa tôi đề nghị lãnh đạo HOSE từ chức. Sàn chứng khoán là kênh huy động vốn, là bộ mặt cả một quốc gia. Vậy mà để nhà đầu tư như bị mù khi xem bảng điện. Bảo sao nhà đầu tư nước ngoài họ bán ròng rã liên tục mấy tháng trời, một phần cũng bởi họ sợ cái hệ thống tù mù. Còn những thiệt hại của nhà đầu tư, của nền kinh tế ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Mà điều lạ là hệ thống như vậy mà chưa một lần thấy lãnh đạo HOSE xin lỗi nhà đầu tư”...

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều ý kiến bức xúc của cộng đồng nhà đầu tư những ngày qua trước sự cố nghẽn lệnh, bảng đơ ở HOSE

Bắt đầu câu chuyện cùng phóng viên, anh Chung, một nhà đầu tư nói: “Mình vẫn bực vụ HOSE lỗi nhận lệnh, làm mất hơn 10 triệu đồng hôm bán ITA”.

Lý do dẫn đến việc tài khoản của nhà đầu tư này bị thiệt hại là bởi lệnh bán không vào được hệ thống, lúc bán được thì giá giảm quá sâu.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, số tiền của anh Chung may mắn là còn ở mức vừa phải, chứ nhiều nhà đầu tư khi quy đổi ngang giá còn thốt lên bị mất cả chiếc SH, cái ô tô (lời so sánh của nhà đầu tư) chỉ vì việc ùn ứ, nghẽn lệnh và chập chờn ở bảng điện.

Nhà đầu tư Duy Khoa còn phải than vãn trong cay đắng: Với cách vận hành của HOSE, thì có khi đầu tư theo hệ tâm linh lại hay, muôn sự phó mặc cho may rủi.

Cũng chia sẻ cùng phóng viên, chị Tuyết, một nhà đầu tư cho biết, rất nhiều lần khi giao dịch, chị gặp phải tình trạng bảng điện chỉ hiện giá cổ phiếu nhưng không hiện khối lượng bên bán, bên mua. Mà như vậy thì nhà đầu tư chẳng khác gì người mù, người bị bịt mắt.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong nhiều phiên giao dịch vừa qua, giải pháp mà HOSE và các công ty chứng khoán đưa ra đó là không cho hủy, sửa lệnh. Tuy nhiên, giải pháp này lại không được triển khai đồng thời, mà chỗ áp dụng, chỗ không. Điều này càng dẫn đến những nghi ngờ từ phía nhà đầu tư về cách vận hành của HOSE.

Không thể bao biện

Khi được hỏi, với tình trạng của HOSE như hiện tại thì nhà đầu tư nên làm gì, anh Hùng, một nhà đầu tư thậm chí gần như buông xuôi và cho biết, đã tham gia cuộc chơi của HOSE thì phải chấp nhận luật mà HOSE đưa ra. Hoặc là không chơi nữa, hoặc là chơi bớt đi.

Cũng có nhà đầu tư thể hiện sự chia sẻ cùng HOSE khi cho rằng, lượng tiền giao dịch đổ vào thị trường tăng đột biến, cụ thể, thanh khoản bình quân tháng 5/2021 đạt gần 22.000 tỷ đồng/phiên, tăng gấp hơn 3 lần của năm 2020 (trên 6.100 tỷ đồng/phiên) nên việc nghẽn lệnh, treo hệ thống là khó tránh khỏi. Do đó, vẫn phải trông chờ vào việc đưa hệ thống mới vào vận hành.

Theo anh Hùng, trên thực tế thì hiện tượng nghẽn lệnh tại sàn HOSE tạo một khó khăn nhất định cho nhà đầu tư khi bảng giá không phản ánh đúng cung cầu của thị trường hiện tại. Nhà đầu tư đầu tiên không thể dự đoán được biến động của VN-Index để nhận định thị trường chung. Từ đó chọn sử dụng lệnh MP.

Việc sử dụng lệnh MP trong một thị trường nghẽn lại càng khó khắn và rủi ro hơn. Bởi do không biết thị trường biến động ra sao và giá khớp cập nhật chậm, cộng thêm việc các công ty chứng khoán không cho hủy lệnh thì nhà đâu tư sẽ có khuynh hướng chọn lệnh MP khi bán để khớp bằng mọi giá tránh rủi ro. Điều này dẫn đến hiệu ứng domino ồ ạt bán ra đặc biệt đối với những ngành đã tăng giá nóng thời điểm vừa rồi như: ngân hàng, chứng khoán và thép.

“Chỉ cần một lượng lớn nhà đầu tư “chốt hạ” sẽ dẫn đến hiệu ứng bán tháo toàn thị trường. Còn đối với nhà đầu tư đang muốn mua vào cổ phiếu, do không ấn định được vùng giá tốt để vào sẽ dẫn đến việc chờ cho thị trường ổn định. Một bên bán tháo và bên chưa muốn mua đã tác động đên xu thế của thị trường. Tuy nhiên, khi nhìn dàn hạn có thể thấy đây chưa phải là đỉnh của sóng thị trường mà chỉ là hiện tượng tâm lý do ảnh hưởng của trục trặc kỹ thuật. Và dù nói thế nào đi chăng nữa thì việc này vẫn không nên xảy ra, bởi thị trường sẽ không phản ảnh đúng bản chất của nó”, anh Hùng cho biết.

Sau khi Hiệp hội Các Nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ tài chính thanh tra HOSE, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện việc này.

Trước động thái này của cơ quan quản lý, nhiều nhà đầu tư đều hy vọng việc thanh tra sẽ tìm ra nguyên nhân và khắc phục một cách triệt để các tồn tại nói trên.

Trong một diễn biến khác, ngay khi có chỉ đạo thanh tra của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thị trường đã có phiên giao dịch khởi sắc khi đóng cửa phiên 11/6, sàn HOSE có 293 mã tăng và 104 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 28,16 điểm (+2,13%) lên 1.351,74 điểm.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục