Tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA cao hơn gấp 4 lần CPTPP

0:00 / 0:00
0:00
6 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA tăng trên 32%, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP.
Cà phê là mặt hàng có sự tăng tốc xuất khẩu sang EU ngay trong năm đầu tiên thực thi EVFTA. Cà phê là mặt hàng có sự tăng tốc xuất khẩu sang EU ngay trong năm đầu tiên thực thi EVFTA.

Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA: 1/8/2020 - 1/8/2022), xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng mạnh mẽ, doanh nghiệp cũng tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế quan.

Đây là khẳng định của Bộ Công thương khi đánh giá về việc tận dụng FTA của doanh nghiệp Việt Nam.

EVFTA là một trong số ít những hiệp định về tiêu chuẩn cao, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90 % trong vòng 7 năm thực hiện.

Giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14%.

Cụ thể, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU tăng 14,2% so với năm 2020, đạt 40,12 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa sang hầu hết thị trường lớn trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2020.

Còn 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 23,82 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2021 và nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2021. Xuất siêu sang EU gần 16 tỷ USD.

Tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo Hiệp định tăng cao, đáng chú ý, 6 tháng năm 2022, tỷ lệ này đã tăng trên 32%, cao hơn khoảng hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP.

Với kết quả thực hiện này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, tỷ lệ này khá tích cực trong bối cảnh kinh tế chịu nhiều tác động do đại dịch, đặc biệt do năm đầu tiên thực hiện hiệp định biên độ ưu đãi, mức độ thuế quan được cắt giảm mà chúng ta được hưởng còn chưa lớn.

Dẫn chứng về nhóm hàng tận dụng ưu đãi nhanh nhất trong EVFTA, ông Thái nêu: cà phê tăng trên 62%, hạt tiêu có tốc độ tăng trưởng trên 81 % trong năm đầu tiên thực hiện hiệp định; hải sản trên 22% và gạo đã có những bước tăng trưởng khá trên 40%.

Đặc biệt, một ngành tận dụng nhanh EVFTA để tăng xuất khẩu là sắt thép. Riêng năm 2021, xuất khẩu sắt thép sang thị trường EU tăng hơn 8 lần, với gần 2 tỷ USD.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đánh giá, EVFTA đã hỗ trợ xuất khẩu nhiều nhóm mặt hàng sang thị trường EU, trong đó có mặt hàng sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép. Tăng trưởng xuất khẩu sắt thép cho thấy các doanh nghiệp ngành thép ngày càng quan tâm khai thác thị trường EU và đã tận dụng tốt những ưu đãi mà EVFTA mang lại.

Quan trọng hơn khi thực thi EVFTA, các ngành hàng xuất khẩu, nhất là nông sản không chỉ chú trọng tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số những nhóm mà có giá trị gia tăng cao hơn so với trước đây.

Đơn cử, với mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường EU, giá trung bình đã cao gấp đôi so với giá trung bình khi xuất khẩu sang các thị trường khác. Những mặt hàng chế biến, chế tạo cũng có bước tăng trưởng tích cực, đặc biệt là đối với những mặt hàng mà trước đây chưa tiếp cận được thị trường EU; nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị có mức tăng trưởng trên 20 % và có những sản phẩm khác, sản phẩm liên quan đến sắt, thép cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội trong giai đoạn đầu thực thi EVFTA.

Việc cải cách thể chế, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi để theo kịp cam kết trong EVFTA cũng diễn ra mạnh mẽ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) , trong cải cách thể chế, Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để thực thi hiệu quả Hiệp định và cải cách, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tiệm cận các chuẩn mực thông lệ quốc tế.

Mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực, song theo Bộ Công thương, sau 3 năm thực thi, biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn.

"Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh công tác thực thi tốt hơn, chuẩn hóa sản xuất, đáp ứng tốt nhất tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu tại EU", ông Thái nhấn mạnh.

Hiện, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào.

Doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công theo xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục