Xuất khẩu sang EU tăng ấn tượng
Hoạt động xuất nhập khẩu dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh chưa kết thúc và xung đột Nga - Ukraine đẩy giá nguyên, nhiên liệu và cước vận chuyển tăng rất cao, nhưng về tổng thể, xuất nhập khẩu vẫn đang tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3%. Riêng xuất khẩu sang khu vực thị trường EU ghi nhận mức tăng 20,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt 13,4 tỷ USD, tăng gần 47%.
Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU khởi sắc so với các quý trước đó nhờ lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại và các nước châu Âu đang phục hồi kinh tế, tăng mức tiêu dùng.
Các loại hàng hóa nông sản (điều, cà phê, rau quả, thủy sản, gạo, đồ gỗ) sang EU đều tăng tốc. Đơn cử, với ngành điều, chỉ tính 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sang EU đạt 48.680 tấn, trị giá 290,23 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với tháng 3.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 23% về sản lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Thị trường EU đang có tiềm năng rất lớn để hạt điều Việt Nam chiếm lĩnh vị trí số 1.
Có EVFTA, thuế suất đối với các sản phẩm hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam giảm về 0%. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp điều, bởi khi chưa có EVFTA, hạt điều xuất khẩu sang EU chịu thuế 7-12%.
Trong khi đó, thủy sản sang EU cũng tăng tốc. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sang EU đạt 422 triệu USD, tăng 47,3%... Còn riêng năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang EU khoảng 1,077 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2020, đưa EU trở thành thị trường đứng thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản.
Tương tự, với ngành dệt may, xuất khẩu sang EU cũng có mức tăng khá. Thị trường châu Âu đều tăng nhập khẩu hàng dệt may, giày dép từ Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu 2 ngành này tăng mạnh mẽ, trong đó chỉ tính 4 tháng đầu năm, dệt may sang EU đã đạt 1,3 tỷ USD, tăng 34,6%, xuất khẩu giày dép đạt 1,77 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp thích ứng nhanh
EVFTA được đánh giá là FTA thế hệ mới, được các ngành hàng tận dụng tốt nhất trong ngay năm đầu thực thi.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều Việt Nam - EU đạt hơn 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu đạt 16,89 tỷ USD, tăng 15,3%. Năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang thị trường các nước EU khoảng 23,23 tỷ USD.
EVFTA đã giúp tăng trưởng xuất khẩu sang EU ở nhóm hàng được hưởng ưu đãi thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Lượng C/O mẫu EUR.1 cấp cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU được ưu đãi đã vượt 8,1 tỷ USD trong năm qua.
Theo đánh giá của Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), so với các FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với EVFTA là tương đối cao (30,19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác).
Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện rõ rệt tại EU. Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ 15 của EU và đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, xếp trong Top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.
Nhờ có EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn. Kết quả xuất khẩu trong những tháng vừa qua đem lại nhiều tín hiệu vui không chỉ cho doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế.