Tỷ lệ sử dụng C/O còn nhiều hạn chế
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực gần 2 năm nay (từ 20/12/2015) và các mặt hàng cam kết cắt giảm thuế của 2 nước theo Hiệp định đều có mức tăng trưởng tốt, thế nhưng tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc có xu hướng cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang “xứ kim chi”.
Trước thực tế trên, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận xét, còn rất nhiều lợi thế mà DN Việt chưa khai thác trong các cam kết VKFTA, trong khi các DN Hàn Quốc đang tận dụng rất tốt điều này, đem lại tăng trưởng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt hơn 45 tỷ USD, tăng gần 87 lần trong hơn 20 năm qua. Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
Việt Nam đã thực hiện ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong đó có FTA đang thực hiện gồm VJEPA, VKFTA và 5 FTA tham gia với tư cách thành viên khu vực như ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Newzealan.
Giá trị hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong 9 tháng qua đạt gần 35 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2016, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt 10,7 tỷ USD, tương đương gần 1/3 kim ngạch nhập khẩu của nước bạn.
“Rõ ràng, cùng tận dụng VKFTA, nhưng cán cân thương mại đang nghiêng về phía Hàn Quốc. Tỷ lệ DN Việt sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để được cắt giảm thuế xuất sang Hàn Quốc còn rất hạn chế, mới ở mức 15%”, ông Sơn nói.
Tương tự, đối với việc tận dụng Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) các DN Việt cũng bỏ ngỏ nhiều ưu đãi. Cụ thể, trong số 29,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tới Nhật Bản, giá trị hàng hóa được cấp C/O chỉ là 5,1 tỷ USD, bằng 1/6 tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VJEPA và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) của DN Việt Nam mới đạt 35%.
Với Khu vực mậu dịch chung giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA), sau khi tham gia khu vực này, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có tăng, nhưng không mạnh bằng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông Park Chulho, Tổng giám đốc Kotra Hà Nội, DN Việt Nam khi tận dụng FTA cần đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và am hiểu các thủ tục, nếu yếu trong hai nội dung này sẽ thất bại.
Đi chậm trong cuộc đua hội nhập
Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Đầu tư phát triển công thương cho biết, thiếu kiến thức về làm thủ tục xin ưu đãi, hồ sơ C/O, thậm chí sai ngôn ngữ trong hồ sơ cũng làm cho DN không thể đưa hàng sang các nước có FTA với Việt Nam, dù có nhiều ưu đãi.
Thực tế, một DN xuất khẩu may mặc tại Hà Nội thừa nhận: “Khó khăn về ngôn ngữ và các thủ tục pháp lý đang là rào cản lớn. Dù hàng hóa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn không hoàn thiện được hồ sơ để được chấp nhận hưởng ưu đãi thuế”.
“Đi chậm trong cuộc đua hội nhập, DN Việt tự đánh mất cơ hội để làm giàu từ các ‘mỏ vàng’ FTA. Đặc biệt, chưa linh hoạt trong các mặt hàng xuất khẩu là một vấn đề của DN Việt Nam, trong đó chưa tập trung khai thác mạnh các sản phẩm trong danh mục được cắt, giảm, miễn thuế theo VKFTA như gỗ, cao su, rau quả, dệt may, giày dép, sơ sợi, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…”, bà Oanh nói và cho hay, hàng năm có 500-600 DN Hàn Quốc xuất linh kiện sang Việt Nam để cung cấp cho Samsung, LG, trong khi DN Việt dường như “bỏ qua” cơ hội lớn này.
Ngoài yếu tố nội tại, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng ưu đãi của DN Việt chưa cao là do quy tắc xuất xứ tại một số FTA khá khắt khe, ví dụ như AJCEP và VJEPA.
“Đơn cử, với ngành dệt may Việt Nam, việc Indonesia không thông qua AJCEP khiến cho nguyên liệu nhập khẩu từ nước này không được cộng gộp trong việc tính xuất xứ cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Hải nêu ví dụ.
Mặc dù vậy, theo nội dung VJEPA, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018. Theo đó, ông Hải kỳ vọng, năm 2018 hàng hóa xuất đi Nhật sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
“Khi Hiệp định này có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông - lâm - thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất”, ông Hải nói.
Để thúc đẩy DN Việt tận dụng tốt các lợi thế FTA, theo lãnh đạo Bộ Công thương, các DN cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt cơ hội. Nếu mãi thụ động trong cuộc đua hội nhập, chính DN phải chịu thiệt thòi và đi sau các nước bạn.
“Bộ sẵn sàng hỗ trợ trong việc kết nối giao thương, tìm hiểu thị trường, tư vấn thông tin, thủ tục để giúp các DN tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư…”, ông Hải cho hay.