Tạm quên nỗi lo

(ĐTCK) Sau phiên giao dịch đầu tuần, nhiều TTCK trên thế giới đồng loạt tăng điểm trở lại, quan trọng là TTCK Mỹ - tâm điểm của cơn bão khủng hoảng tài chính - đột ngột tăng mạnh bởi những tin tức tốt hơn dự kiến về tình hình kinh doanh của các ngân hàng như Citigroup và JPMorgan đều công bố làm ăn có lời trong 2 tháng đầu năm. Điều này khiến nhiều người bắt đầu hy vọng cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ bắt đầu chạm vào điểm đáy của nó và sẽ sớm qua đi. Nhưng toàn cảnh bức tranh có đổi màu sáng sủa?
Tạm quên nỗi lo

Thị trường thế giới: điều gì đang xảy ra?

Nếu chú ý theo dõi tin tức về TTCK thế giới, không khó nhận ra những nhận định đầu tuần về tình hình kinh tế và chứng khoán là rất bi quan và cuộc khủng hoảng lẫn nền kinh tế đều được nhận định khá xấu qua các dự đoán về số liệu kinh tế công bố trong tuần của Mỹ. Tuy nhiên, tin tốt đột ngột đến từ phía các ngân hàng - một "tội đồ" không nhỏ của khủng hoảng - đã vực lại niềm tin của những người tham gia thị trường. Khoản lợi nhuận đầu năm của Citigroup được đánh giá là tốt nhất từ quý III/2007 (đơn giản là vì từ sau quý III/2007 thì chỉ có lỗ mà thôi!). Trong bối cảnh rất nhiều nỗi lo liên quan đến số phận của Citigroup nổi lên trong mấy tuần gần đây, thì đây quả thật là một tin tốt đến ngoài dự kiến, từ một nơi mà mọi người tưởng chừng là hết hy vọng. Nói cách khác, tin tốt đến từ nơi tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã tạo ra niềm tin.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh kỹ thuật hơn một chút, dễ dàng nhận ra đây là phản ứng điều chỉnh lại sau khi các NĐT vào chứng khoán Mỹ đã bán tống bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng sau hàng loạt tin xấu đến từ cuối năm 2008, từ các thông tin về kinh tế suy giảm, thất nghiệp gia tăng... Nghĩa là một số cổ phiếu này đã bị bán quá nhiều và đã bị định giá thấp, trong khi NĐT lao vào vàng và trái phiếu chính phủ quá mức đến nỗi một số nhà tư vấn đã phải lên tiếng rằng, trái phiếu chính phủ Mỹ đã trở nên đắt đỏ trong vài tháng qua, tỷ suất sinh lợi từ trái phiếu trở nên cực thấp. Sau đó, không chỉ giới đầu cơ, mà một số ngân hàng trung ương (lần này không phải là các ngân hàng trung ương châu Á) nhảy vào thu gom vàng vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trong đó có lý do là sợ khủng hoảng nên bán các tài sản tài chính Mỹ để mua vàng. Vòng xoáy vàng tăng, giá trái phiếu tăng tạo cơ sở cho người ta tin rằng, thị trường đang rất lo sợ rủi ro, nên mua những tài sản an toàn như vàng, trái phiếu và cứ bán cổ phiếu đi. Vì vậy, giá cổ phiếu của Mỹ sụt giảm liên tục, trong đó cổ phiếu ngân hàng luôn là quán quân dẫn đầu các đợt giảm giá. Khi người ta nhận ra là mình đã bán quá tay, họ sẽ mua vào. Có thể khủng hoảng chưa đi qua, nhưng diễn biến lợi nhuận vừa qua cho NĐT nhận ra mình đã quá "yếu bóng vía", vì vậy, họ đã dũng cảm và tham lam trở lại. Và do đó, sẽ là quá sớm để liên kết giữa việc thị trường tăng điểm và khủng hoảng tài chính thế giới đã qua giai đoạn tệ hại nhất.

Nếu nhìn vào các tin tức khác liên quan, dễ thấy một điều là tin xấu vẫn còn: số liệu thất nghiệp Mỹ tiếp tục xấu hơn dự kiến, số liệu nhà ở của nhiều thị trường giảm nhanh hơn dự đoán, trong đó có nước láng giềng Canada của Mỹ… Điểm qua những dự báo về số liệu kinh tế các nước dự kiến công bố trong tuần này thì không thấy dự báo nào lạc quan và tính đến thời điểm hiện tại cũng không có con số nào được công bố tốt hơn dự báo. Nói cách khác, khủng hoảng kinh tế vẫn đang lan rộng. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì cho NĐT trên TTCK quốc tế vào lúc này? Tin xấu vẫn tràn ngập, nhưng không có gì "mới lạ", nên khi đột ngột xuất hiện tin tốt, NĐT sẽ bắt lấy tin tốt mà hành động. Các nhà nghiên cứu tài chính hành vi có thể tìm ra 3 - 4 lý thuyết để giải thích điều này.

Đồ thị S&P 500 cho thấy, đợt tăng giá vừa qua đã đẩy chỉ số này chạm vào chặn trên của kênh biên độ giảm giá hiện nay. Do đó, chỉ cần bứt phá ra khỏi kênh này trong tuần này, một xu hướng hồi phục ngắn hạn có thể bắt đầu, kéo S&P500 lên mức cản cũ là khoảng 760 - 770 điểm. Nhìn chung, khi không ít nhà phân tích kỹ thuật trên thế giới đưa ra dự đoán rằng, chỉ số này sẽ chỉ bắt đầu hồi phục thật sự từ tháng 5 năm nay, thì đợt tăng giá này (nếu xảy ra) có thể chỉ kéo dài trong một hai tuần, nhưng vẫn là tín hiệu tốt. Và rõ ràng, khi người ta dự đoán kinh tế sẽ chỉ hồi phục vào cuối năm, thì người phân tích TTCK vẫn có lý do để dự đoán thị trường sẽ hồi phục sớm hơn nền kinh tế và trước khi tình hình kinh doanh của các công ty có dấu hiệu ổn định. Đó là vì sẽ có rất nhiều nhà đầu cơ nhảy vào mua cổ phiếu trước với triết lý "chúng ta không bao giờ bắt được đáy của thị trường, nhưng đừng nên chậm chân trong việc đón đợt tăng giá mạnh sắp diễn ra". Vì lý do này mà nhiều nhà quản lý quỹ ở nước ngoài đang thuyết phục những khách hàng còn nhiều tiền mặt của mình nên bắt đầu mua vào cổ phiếu trước khi quá trễ. Đâu đó đang manh nha sự trở lại của lòng tham. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi chung vẫn còn lớn, cho nên, theo quan điểm của người viết, chưa cần tham lam nghĩ tới đợt tăng giá dài hạn vội, mà hãy hy vọng vào đợt tăng giá ngắn hạn lần này.

Thị trường Việt Nam: điều chỉnh kỹ thuật và tâm lý lạc quan trở lại

Về mặt phân tích kỹ thuật, mức cản 220 - 230 điểm của VN-Index đã đứng vững, do đó thị trường đang điều chỉnh tăng trở lại. May mắn là đợt điều chỉnh của TTCK Việt Nam diễn ra cùng lúc với diễn biến tốt trên thế giới, cho nên xu thế hiện tại của thị trường có thể là NĐT sẽ kéo dài sự lạc quan của mình đến mức có thể với hy vọng kiếm lời nhanh. Ngoài ra, việc tin tức kinh tế vĩ mô không có gì xấu đột biến (nếu có thì cũng không thể xấu hơn) nên sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh kỹ thuật lần này. Hai mức cản kỹ thuật hiện tại của VN-Index là 260 điểm và 280 điểm.

Nhìn chung, một mẫu hình tăng giá bền vững có thể là VN-Index tăng lên xung quanh 280 điểm và giảm trở lại, sau đó tích lũy thêm một lần nữa trước khi thật sự đột phá các mức cản kỹ thuật quan trọng. Nếu VN-Index giảm mạnh trước mức cản 260 điểm nghĩa là kênh biên độ giảm giá vẫn được duy trì. Thành bại của đợt đột phá này phụ thuộc vào tâm lý "tạm quên nỗi lo" trên toàn cầu kéo dài được bao lâu.

Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh
Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh

Tin cùng chuyên mục