Tái thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Việc tái khởi động thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ giúp phân bố lại lưu lượng giao thông trên đoạn tuyến cao tốc đầu tiên về Đồng bằng sông Cửu Long và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là công trình đường bộ đạt chuẩn cao tốc đầu tiên tại Việt Nam. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là công trình đường bộ đạt chuẩn cao tốc đầu tiên tại Việt Nam.

Ngân sách oằn mình trả nợ, lãi

Yêu cầu sớm lập phương án thu phí tuyến TP.HCM - Trung Lương để giảm tai nạn giao thông, đồng thời có nguồn kinh phí tái đầu tư một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong chuyến kiểm tra hiện trường Dự án BOT đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối tuần trước.

Trước đó, vào tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 2760/VPCP-CN chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng Đề án quản lý, khai thác đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và giao Bộ Tài chính thẩm định Đề án trên.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài toàn tuyến là 39,8 km, giai đoạn I xây dựng ở giữa 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ.

Đây là công trình đường bộ đạt chuẩn cao tốc đầu tiên tại Việt Nam, được khởi công năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010.

Tuyến cao tốc này bắt đầu được Bộ GTVT thu phí từ tháng 2/2012. Tổng số tiền phí thu được từ tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 2 năm (2012 và 2013) là 720 tỷ đồng.

Kể từ ngày 1/1/2014, Công ty TNHH Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) quản lý và thu phí, theo Hợp đồng chuyển giao quyền thu phí với thời gian 5 năm (2014 - 2018), số phí thu được trong giai đoạn này khoảng 2.113 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí tổ chức thu, số phí thu được của tuyến cao tốc này tính đến khi dừng thu phí đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Như vậy, Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vẫn còn khoảng 6.000 tỷ đồng chưa thể hoàn vốn, trong khi Nhà nước hàng năm phải chi một khoản ngân sách lớn để trả gốc, lãi phát hành trái phiếu xây dựng công trình.

Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc dừng thu sẽ ảnh hưởng đến phương án hoàn vốn ứng ngân sách nhà nước.

Bản thân việc bảo trì, duy tu tuyến cao tốc có mật độ lưu lượng phương tiện lớn bậc nhất nước này cũng đang do ngân sách cáng đáng.

Tái thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương ảnh 1

Trong khi đó, kể từ ngày 1/1/2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Công ty Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận và giao Cục Quản lý đường bộ IV quản lý và chưa có kế hoạch thu phí trở lại, các xe container và xe tải hạng nặng đã bỏ Quốc lộ 1 tràn lên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương để đi miễn phí.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi tạm ngưng thu phí, lưu lượng xe trên tuyến đường này tăng đột biến, khoảng 31% so với trước, tức là khoảng 51.000 lượt xe mỗi ngày đêm, vượt quá năng lực lưu thông của tuyến.

Do lưu lượng xe tăng trưởng quá lớn, kể từ cuối tháng 1/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải chấp nhận giảm tốc độ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi lưu lượng xe tăng cao do đường đã tạm ngừng thu phí.

Cụ thể, tốc độ tối đa trên đường cao tốc TP.HCM  - Trung Lương hiện đã giảm từ 120 km/h xuống còn 100 km/h, tốc độ tối thiểu cũng giảm từ 80 km/h xuống 60 km/h.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều lái xe, ngay cả khi chạy quen đường, tốc độ hành trình thực tế của tuyến cao tốc này giờ chỉ còn khoảng 70 km/h.

Kết quả khảo sát độc lập từ Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng cho thấy, tuyến TP.HCM - Trung Lương đang từ đường cao tốc đạt chuẩn đã tụt hạng thành quốc lộ hạng xoàng do không kiểm soát được các thành phần, tải trọng của phương tiện tham gia giao thông…

“Đặc biệt, trên tuyến cao tốc có 13 cầu vượt sông, cầu cạn với tải trọng thiết kế lớn hơn hoặc bằng 30 tấn, nên việc không kiểm soát tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hư hỏng các công trình cầu, cũng như gây mất an toàn giao thông trên tuyến”, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI lo ngại.

Điều đáng nói là, trong khi tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang miễn phí cho các phương tiện lưu thông, thì mỗi năm, ngân sách phải chi 134 tỷ đồng để quản lý bảo dưỡng, vận hành 40 km 4 làn xe và vận hành hệ thống kiểm soát giao thông thông minh ITS.

Bên cạnh đó, do tuyến đường trọng điểm kết nối TP.HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã quá thời hạn sửa chữa định kỳ, nên để khôi phục lại các tiêu chí an toàn, độ nhám trong tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc, sơn kẻ mặt đường… cần thêm khoảng 345 tỷ đồng.

Điều kiện cần

Được biết, hiện Đề án Thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang được Bộ GTVT rốt ráo hoàn thiện để có thể trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2020.

Tại dự thảo Đề án, sau khi xem xét kỹ lợi ích của người sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tránh ảnh hưởng do biến động mức phí, Bộ GTVT đề xuất mức thu cơ bản áp dụng trên tuyến cao tốc này là 1.000 đồng/km/CPU (bằng với mức thu trước ngày 31/12/2018).

Sau khi trừ chi phí thu, chi phí bảo dưỡng, bảo trì, doanh thu thu phí còn lại trong năm đầu tiên thu phí trở lại tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có thể đạt khoảng 600 tỷ đồng. Toàn bộ số thu này sẽ được nộp ngân sách nhà nước để hoàn vốn đầu tư và phục vụ công tác bảo trì, sửa chữa các tuyến cao tốc.

Lợi ích của người sử dụng cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được xem xét khi xây dựng mức thu phí, đảm bảo cân đối lợi ích Nhà nước.   

Theo Bộ GTVT, hiện nay Nhà nước đã thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Do đó, việc tổ chức thu phí thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có thể dẫn đến phản ứng của các đối tượng tham gia giao thông.

Tuy nhiên, vướng mắc này có thể được giải quyết thông qua giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho người tham gia giao thông hiểu rõ tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với tuyến đường song hành (Quốc lộ 1), người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1 (không phải trả thêm phí) hoặc trả phí để sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đồng thời hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

Tính toán của đơn vị tư vấn lập Đề án, mức thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương không vượt quá lợi ích người sử dụng đường cao tốc được hưởng.

Đó là chưa kể đến việc người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hoặc sử dụng đường quốc lộ 1 song hành (không phải đóng phí). Việc thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông qua trạm thu phí do đó không làm phát sinh phí trùng phí.

Các đơn vị xây dựng Đề án cũng ghi nhận, việc tổ chức thu phí thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ làm tăng giá thành vận tải trong một số trường hợp so với việc không thu phí.

Tuy nhiên, lợi ích của người sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được xem xét khi xây dựng mức thu phí để đảm bảo cân đối lợi ích của Nhà nước.

Đồng thời, việc tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương không gây biến động lớn do giai đoạn trước 31/12/2018 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được thu phí và mức thu phí đề xuất trong Đề án không biến động so với mức thu phí trước đây.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thu phí sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản phí mới, ngoài phí sử dụng đường bộ hiện hành (phí thu qua đầu phương tiện) vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật phí và lệ phí.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục