Một khách hàng đang tiếp cận khoản vay tại BIDV cho biết, họ mất 1 tháng rưỡi mới được chính quyền phường xác nhận chưa có nhà ở và đang tạm trú tại địa phương. Ngoài hợp đồng mua nhà đã ký với chủ đầu tư, khách hàng còn phải làm hồ sơ xin vay vốn với nhiều thủ tục như sao kê tài khoản, bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, bản xác nhận đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ của cơ quan vợ và chồng, xác nhận và cam kết của đơn vị công tác về mức thu nhập và cam kết hỗ trợ khấu trừ lương hàng tháng. Đặc biệt, cơ quan nơi khách hàng công tác cũng phải có xác nhận trong trường hợp bên vay có thay đổi hoặc dự định thay đổi nơi công tác, cơ quan phải thông báo cho ngân hàng bằng văn bản, khấu trừ tiền lương thưởng còn lại ở cơ quan và giữ lại hồ sơ cán bộ để phối hợp với ngân hàng. Chưa kể, khách hàng cũng phải có giấy xác nhận về thực trạng nhà ở do cơ quan cấp.
Sau khi hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ trên, khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng phải cùng ký vào hợp đồng hợp tác 3 bên/thỏa thuận liên kết quản lý tài sản đảm bảo nợ vay. Điều khoản của những bản hợp đồng này cũng khá rắc rối và mất nhiều thời gian để khách hàng hoàn tất thủ tục này nếu giữa chủ đầu tư và ngân hàng chưa ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ khách mua nhà.“Chúng tôi rất mong muốn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sớm đi vào thực tế và hỗ trợ người mua nhà. Nếu ngân hàng đồng ý cho khách hàng vay tiền, đồng nghĩa chủ đầu tư như chúng tôi không còn phải lo đến việc thu nợ, cứ đến kỳ đóng tiền là được ngân hàng giải ngân, khỏi phải giục giã khách hàng”, chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội quy mô lớn tại Hà Nội cho biết.
Được biết, các cơ quan quản lý cũng đã nhận được những phản ánh về khó khăn trên. Để tháo gỡ khó khăn, mới đây NHNN Chi nhánh TP. HCM đề xuất với UBND TP. HCM, Bộ Xây dựng và NHNN xem xét quy định nên để cho các ngân hàng xác nhận hiện trạng nhà ở của cá nhân người đi vay, thay vì phường, xã như hiện nay.