Tài sản bảo đảm là “cục máu đông” của nợ xấu

(ĐTCK) Những vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) nếu không sớm được giải quyết dứt điểm, thì nợ xấu sẽ khó được xử lý và còn đọng lại trong nền kinh tế nhiều năm nữa…
Cần bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay Cần bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay

Các quy định thiếu đồng bộ

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, ở nước ngoài, một ngân hàng có quyền thế chấp trên một tài sản như bất động sản và có thể thực hiện quyền thế chấp thông qua tòa án, hoặc không qua tòa án. Nếu không qua tòa án thì phương thức rất đơn giản.

Cụ thể, một người không còn khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ gửi giấy thông báo rằng, ngày cụ thể nào đó, ngân hàng sẽ mang tài sản ra đấu giá.

Ngân hàng bán tài sản đó cho một người nào đó muốn mua, hoặc tự ngân hàng thu hồi tài sản để cấn trừ nợ là xong và món nợ xấu đó được đem ra ngoại bảng theo dõi. Nợ xấu tại thời điểm đó chấm dứt, không còn trên sổ sách chính thức của ngân hàng. Trong trường hợp ngân hàng thấy TSBĐ không đủ để trả và ngân hàng nghĩ rằng, khách hàng còn có những tài sản khác thì ngân hàng sẽ đưa khách hàng ra tòa án, nghĩa là sử dụng kênh tố tụng, theo trình tự các bước để thu hồi tài sản.

“Pháp luật bảo vệ quyền sống của con người, được phép giữ lại mức tài sản đủ để sống, còn các tài sản khác phải thu hồi để trả nợ ngân hàng”, TS. Hiếu nói.

Tại Việt Nam, Điều 351 Bộ luật Dân sự có đề cập về vấn đề xử lý TSBĐ của các tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó, cho phép TCTD có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Còn vấn đề thu giữ, xử lý TSBĐ như thế nào đã được quy định trong Nghị định 163/2006/NĐ-CP về đăng ký giao dịch đảm bảo.

Tuy nhiên, Luật sư Vũ Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Pháp chế, GPBank cho rằng, các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ, chưa tạo cơ chế cho chủ nợ (bên cho vay) có bảo đảm thực thi tốt nhất quyền của mình.

Thực tiễn cho thấy, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm, thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý TSBĐ trong thời gian nhanh nhất, ít tốn kém nhất, nhưng việc thực hiện các quy định về xử lý TSBĐ phụ thuộc rất nhiều vào tính tự nguyện của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản). Sự phụ thuộc đó thể hiện ở việc xác định phương thức xử lý TSBĐ, giá bán TSBĐ, thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua, người trúng đấu giá TSBĐ...

Theo Luật sư Thanh Nga, hệ quả là việc xử lý TSBĐ gặp rất nhiều khó khăn và khó có khả năng hiện thực hóa các thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Mặt khác, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do vậy, để có thể xử lý được TSBĐ và thu hồi nợ, thì bên nhận bảo đảm thường phải lựa chọn con đường tố tụng (khởi kiện tại tòa án).

Kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy, việc xử lý TSBĐ theo con đường tố tụng mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, qua nhiều cấp xét xử với nhiều quy trình tố tụng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của bên nhận bảo đảm. Trong nhiều vụ việc, tuy bên nhận bảo đảm thắng kiện, nhưng vẫn không đảm bảo chắc chắn có thể xử lý được TSBĐ trên thực tế.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Thiệu Ánh Dương cho hay, có sự mâu thuẫn trong việc vận dụng các quy định pháp luật hiện hành. Hiện đang có quá nhiều các quy định liên quan tới việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ vay của ngân hàng, dẫn đến việc hiểu và vận dụng các điều khoản luật trong tình huống cụ thể chưa có sự đồng nhất.

Thậm chí, có những vấn đề mà luật hay các văn bản pháp quy không quy định, nhưng trong một số sự vụ cụ thể, các cơ quan thực thi pháp luật vẫn yêu cầu TCTD phải làm. Trong một số trường hợp, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đứng hẳn về bên bị xử lý tài sản và “ép ngược lại” TCTD.

Cần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của chủ nợ

Ông Hồ Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá, thực tiễn xử lý TSBĐ thời gian qua cho thấy, nếu duy trì cơ chế xử lý như hiện nay thì thời gian xử lý TSBĐ thường kéo dài, các thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm không được thực hiện nghiêm túc do phụ thuộc vào sự thiện chí của chủ sở hữu tài sản. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ và làm tăng áp lực đối với hệ thống tòa án, cũng như tăng chi phí xã hội do phải thụ lý nhiều tranh chấp liên quan đến TSBĐ.

Ông Quang Huy khuyến nghị, cần rà soát để bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn hoặc hạn chế các chủ thể thiết lập, thực hiện các giao dịch bảo đảm, ví dụ: quy định “về giá trị của tài sản so với tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm (khoản 1 Điều 324 Bộ luật Dân sự), hay quy định giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp giữ trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất (khoản 1 Điều 717, khoản 5 Điều 718 Bộ luật Dân sự)...

Đồng thời, bãi bỏ các quy định về giao dịch bảo đảm còn mẫu thuẫn, chưa thống nhất; nghiên cứu bổ sung một số quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ví dụ: những quy định bảo vệ quyền kiểm soát tài sản thế chấp do bên thế chấp hoặc người thứ ba đầu tư; quy định về xác định tư cách thành viên hộ gia đình; thống nhất tên gọi và nội dung của việc người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác theo Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự; bổ sung cơ chế cơ quan thi hành án tham gia vào quá trình thu giữ TSBĐ trong giai đoạn tiền tố tụng...

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý và giúp thực thi quyền xử lý TSBĐ của bên nhận bảo đảm.

“Tạo lập hành lang pháp lý thúc đẩy việc bên nhận bảo đảm được quyền tiếp cận TSBĐ để xử lý nhanh chóng. Theo đó, bên cạnh quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng rút gọn, bên nhận bảo đảm có quyền tự mình thu hồi TSBĐ dựa trên nguyên lý không vi phạm điều cầm, trái đạo đức xã hội”, ông Huy nói.

Theo Luật sư Thanh Nga, việc ghi nhận trong Bộ luật Dân sự quyền tự thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để bên nhận bảo đảm thực thi quyền của mình một cách chủ động và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, dự thảo những quy định về điều kiện tự thu giữ còn chung chung và theo hướng mở, sẽ gây khó khăn cho các TCTD nếu bên bảo đảm sử dụng các chiêu trò để tự đưa mình vào trường hợp không đảm bảo điều kiện tự thu giữ này.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh: “Cần ưu tiên bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay, hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục