Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO.
Theo ông, vai trò và trách nhiệm của ngân hàng trong việc tài khoản của khách hàng bị mất mát trên ra sao?
Nếu chỉ xem nội dung phản ánh của doanh nghiệp (DN), chúng ta dễ bị nghiêng về phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì khách hàng cho rằng, chữ ký trong hồ sơ không phải chữ ký của chủ tài khoản. Tuy nhiên, với việc mở tài khoản ngân hàng, các quy định hiện nay không bắt buộc chủ tài khoản (DN, cá nhân) phải đến trực tiếp ngân hàng, gặp gỡ và người đại diện hai bên cùng ký. Hầu hết các ngân hàng Việt Nam cũng như các DN đều phải thực hiện nhiều công đoạn giao dịch thông qua nhân viên. Và trong đa số các giao dịch với DN thì khách hàng ký trước, ngân hàng ký sau. Trên thế giới cũng vậy.
Khi tài khoản của DN mất tiền thì vấn đề mấu chốt là ở chỗ chủ tài khoản có biết sự việc này không và sự chỉ đạo của chủ tài khoản như thế nào? Thực tế hiện nay, việc ký hộ vẫn xảy ra trong nhiều trường hợp.
Luật sư Trương Thanh Đức
Pháp luật không có quy định buộc chủ tài khoản trực tiếp đến ngân hàng mở tài khoản, nhưng ngân hàng có nghĩa vụ đối chiếu, xác minh chữ ký và con dấu?
Nếu xảy ra việc giả mạo từ phía nhân viên của DN, đó là trách nhiệm của DN. Ngược lại, nếu do nhân viên ngân hàng gây ra thì trách nhiệm thuộc về nhà băng.
Nếu phía DN cung cấp mẫu chữ ký, con dấu sai cho ngân hàng khi đăng ký mở tài khoản mà không do lỗi của phía ngân hàng thì ngân hàng sẽ thực hiện giao dịch theo đúng mẫu chữ ký và con dấu sai đó. Với cách giao dịch như vậy, bản thân các ngân hàng cũng có thể đưa mình và khách hàng vào thế xảy ra rủi ro. Có rất nhiều giao dịch như thế và thực tế xảy ra không ít vụ rủi ro nên theo tôi, đã đến lúc cần xem lại cách làm này.
Các hồ sơ, giấy tờ không chỉ có chữ ký mà còn có con dấu. Kể cả trường hợp chữ ký bị làm giả thì giá trị con dấu trong hồ sơ đến đâu, thưa ông?
Theo tôi biết, tại nhiều DN tư nhân Việt Nam, chủ DN tự giữ con dấu, chứ không do bộ phận văn thư - hành chính quản lý.
Hiện nay, việc đóng dấu hầu như không có ý nghĩa về mặt pháp lý, vì pháp luật có quy định phải đóng dấu, nhưng không còn quy định về giá trị pháp lý thế nào. Do đó, con dấu chỉ như là vật trang trí, hình thức, bổ sung sự tin cậy cho chữ ký. Yếu tố quyết định phải là chữ ký của người có thẩm quyền, nếu đúng là người ta ký giao dịch đó thì dù không đóng dấu hay con dấu giả, giao dịch vẫn bảo đảm giá trị pháp lý. Do vậy, quan trọng nhất là cần xác định chính xác chữ ký thật của người có thẩm quyền. Tất nhiên, người này có thể là người đại diện theo pháp luật của DN hay những người được ủy quyền, phân quyền.
Nhiều người cho rằng, không có con dấu thì văn bản, chứng từ của DN là vô giá trị. Nhưng từ ngày 1/7/2015 trở đi, Điều 14, Luật DN năm 2014 quy định, DN được quyền tự quyết định số lượng, hình thức, nội dung con dấu cũng như việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu.
Cũng từ ngày đó, không còn quy định nào tương tự thay thế cho quy định trước đây là: Con dấu đóng vào chữ ký của người có thẩm quyền để khẳng định giá trị pháp lý của văn bản hay chứng từ kế toán ngân hàng. Do vậy, trong nhiều trường hợp, DN có quyền quyết định việc đóng hoặc không đóng dấu vào văn bản, giấy tờ mà không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý.
Các vụ việc mất tiền khiến nhiều chủ DN lo lắng về khả năng chữ ký của mình bị giả mạo. Theo ông, để bảo vệ tài khoản tại ngân hàng, chủ DN - chủ tài khoản cần lưu ý điều gì?
Vấn đề quan trọng nhất trong mọi giao dịch là cần phải bảo đảm đúng chữ ký của người có thẩm quyền. DN hay ngân hàng cũng đều phải lựa chọn nhân viên tin tưởng để đảm nhận việc này. Nếu có nghi ngờ hoặc chưa thật sự tin tưởng thì đích thân người chủ phải xác nhận một số điểm chốt của giao dịch, chẳng hạn việc đăng ký mẫu chữ ký.
Nguyên tắc chung là nhân viên bên nào làm sai thì bên đó chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, qua nhiều vụ việc đã xảy ra trên thực tế, việc phân định trách nhiệm không đơn giản như vậy vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có cả quan điểm của người có thẩm quyền phân xử tranh chấp.