Tái định vị doanh nghiệp: Bài toán cho chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Yêu cầu doanh nghiệp nhà nước làm tốt vai trò dẫn dắt vẫn quá khó, nhất là khi câu trả lời không chỉ nằm trong doanh nghiệp.
Ông Hồ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Thông tin (CMSC) phát biểu tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững Ông Hồ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Thông tin (CMSC) phát biểu tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững

Bài toán định vị

Câu hỏi doanh nghiệp sẽ thay đổi thế nào để không chỉ tồn tại mà vượt lên, tận dụng tối đa các cơ hội từ bối cảnh kinh tế dị biệt hiện tại dường như chỉ dành cho khu vực tư nhân.

Thậm chí, phát biểu tại Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững cuối tuần trước, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp nhà nước đang trong tình thế “quá khó”.

“Doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những gì các doanh nghiệp khác không làm được, không muốn làm, nhưng phải vừa hiệu quả kinh tế cao, vừa ‘đi nhanh, đúng luật, không lấn làn’, thực quá khó”, ông Long chia sẻ quan điểm.

Tất nhiên, khó không phải là vấn đề riêng của doanh nghiệp nhà nước, nhất là khi so sánh với các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn.

Trong phân tích trước đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phát hiện tình trạng doanh nghiệp quy mô càng lớn, càng kinh doanh nhiều, thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng nhiều, càng đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra.

“Thực trạng này được phát hiện qua khảo sát của VCCI. Điều này không tạo động lực cho doanh nghiệp lớn lên, vì đáng ra, theo quy luật, doanh nghiệp càng lớn thì nhân lực càng chuyên nghiệp, đồng nghĩa với chi phí tuân thủ các quy định sẽ phải giảm đi”, ông Tuấn phân tích. Đó là chưa kể rủi ro pháp lý cũng đang trong xu thế cao hơn với các doanh nghiệp lớn hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân có sự chủ động trong lựa chọn con đường cho mình. Thậm chí, trong số hơn 51.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đóng cửa trong 2 tháng qua, nhiều doanh nghiệp chọn cách dừng lại, nhưng là để mở cánh cửa khác hợp thời hơn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanel cho rằng, đây là thực tế cần nhìn nhận. “Chuyển đổi số đang thay đổi cách con người sống, làm việc, học tập, mua bán và giải trí, làm mất đi nhiều ngành nghề truyền thống, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội mới, quy trình sản xuất mới xuất hiện cùng với các ngành mới như kinh tế nền tảng, kinh tế dựa trên AI…”, bà Yến nói.

Điều này có nghĩa, một môi trường thể chế thuận lợi, an toàn cho sự chuyển đổi sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp xác định đường đi tới cho mình.

Doanh nghiệp nhà nước chọn lối nào?

Không hoàn toàn giống như doanh nghiệp tư nhân, bài toán định vị doanh nghiệp nhà nước khá rõ từ góc của chủ sở hữu Nhà nước.

Trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022, Chính phủ đã đưa ra quan điểm về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Song theo ông Hồ Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - CMSC), đang có quá nhiều vướng mắc trong hoạt động của khu vực này. “Khi chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cách đây mấy hôm, dù đã có ý chọn lọc các khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cũng có tới hơn 100 vấn đề liên quan đến thể chế, như vậy thì rất khó hiệu quả”, ông Thắng nói.

Trong số này, theo ông Thắng, bài toán định vị lại mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước khó giải nhất. “Chủ sở hữu với doanh nghiệp tư nhân rất có quyền lực, thay nhân sự, quyết đầu tư rất nhanh. Còn với doanh nghiệp nhà nước có đại diện vốn nhà nước, có thể là CMSC, các bộ, ngành hoặc địa phương. Hiện tại, thể chế chưa rõ, nên doanh nghiệp nhà nước muốn làm gì phải đi xin ý kiến nhiều bên”, ông Thắng lý giải.

Ngay cả sự ra đời của CMSC là để tinh giản các đầu mối đại diện vốn, nhưng các quy định chưa theo kịp, khiến doanh nghiệp nhà nước một mặt phải xin ý kiến các bộ, ngành, mặt khác phải cần cả ý kiến của CMSC với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban làm đại diện vốn nhà nước.

Trong đánh giá thực hiện Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là điểm hạn chế, chưa đáp ứng thực tiễn, cần sửa đổi của Nghị định này.

Cụ thể, theo Nghị định 10/2019/NĐ-CP, các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, như PVN, EVN, VNPT…, muốn tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, thì đại diện chủ sở hữu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương. Quy trình này có khi mất tới 2 năm, tốn nhiều thời gian, không tạo được tính chủ động cho doanh nghiệp, chưa kể gây lãng phí về nguồn lực.

Việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư của hội đồng thành viên, chủ tịch công ty cũng đang không thực hiện được đối với các lĩnh vực chưa được phân nhóm trong Luật Đầu tư công (đầu tư tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản), dù dự án có tổng mức đầu tư dưới mức dự án nhóm B theo quy định tại Luật Đầu tư công (2.300 tỷ đồng)…

Thực tế hoạt động, đại diện quản lý vốn tham gia HĐQT, HĐTV nhiều trường hợp phải xin ý kiến chủ sở hữu trước khi biểu quyết, nhưng đến lượt đại diện quản lý vốn tại các công ty thành viên, công ty con lại xin ý kiến của công ty mẹ. Trong nhiều trường hợp, công ty mẹ cũng không thể tự cho ý kiến mà phải xin ý kiến của chủ sở hữu. Nhiều dự án đã được phê duyệt khi cần điều chỉnh cũng phải qua trình tự như vậy.

Nhiều khi chi phí lãi vay do dự án chậm trễ nhiều năm bởi đường đi của các quyết định còn lớn hơn nhiều so với giá trị cần điều chỉnh. Vấn đề chưa dừng lại đối với việc ra quyết định ở các công ty con khi dưới đó còn các công ty cháu, chắt có nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước…

“Chúng tôi đang đề xuất chuyển đổi quản trị doanh nghiệp nhà nước theo đúng thông lệ quốc tế, nghĩa là chuyển từ ‘cầm tay chỉ việc’ sang quản trị theo mục tiêu, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị công ty sẽ quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định đó. Trong cơ chế này, đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giám sát, chuyển từ cơ chế xử lý sai phạm sang cảnh báo rủi ro”, ông Thắng cho biết.

Cùng với đó, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán cũng cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên.

Một số nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 10/2019/NĐ-CP

- Về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập: Phân cấp triệt để nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

Trường hợp chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp được quy định tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty quyết định theo thẩm quyền.

- Về việc quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đầu tư bổ sung vốn vào công ty con, công ty liên kết: hội đồng thành viên, chủ tịch công ty quyết định sau khi được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương. Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.

- Về thẩm quyền quyết định đầu tư của chủ tịch công ty, hội đồng thành viên đối với các lĩnh vực chưa được phân nhóm trong Luật Đầu tư công: Đối với các doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, trường hợp doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 2.300 tỷ đồng…

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục