Tái cơ cấu nền kinh tế: Lệch thế chân kiềng?

Không phải ngẫu nhiên, mà ngay khi tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã lựa chọn ba trụ cột (gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng) để khởi động cùng một lúc, bởi đây là ba lĩnh vực liên quan chặt chẽ theo thế chân kiếng.

Tái cơ cấu nền kinh tế: Lệch thế chân kiềng?

Sau gần 4 năm tái cơ cấu nền kinh tế, sự chuyển biến lớn nhất hiện nằm ở hệ thống các tổ chức tín dụng. Từ chỗ nợ xấu 17% (năm 2012), 9 ngân hàng đứng trên bờ vực thẳm, thanh khoản ngàn cân treo sợi tóc, kỷ luật ngân hàng lỏng lẻo, tỷ giá lên xuống bất thường, các ngân hàng đổ xô đi buôn vàng… đến nay, nợ xấu chỉ còn 2,9%, cơ bản xử lý xong ngân hàng yếu, thanh khoản đã “hồng hào” trở lại, kỷ luật hệ thống được siết chặt, tỷ giá ổn định, vàng bị loại ra khỏi nhịp sống ngân hàng… Hậu tái cơ cấu, vốn chủ sở hữu 9 ngân hàng yếu kém đã tăng lên 18%, vốn huy động tăng 147%, tín dụng tăng 87%, dự phòng rủi ro tăng 146%.

Có thể nói, việc giảm nợ xấu từ 17% xuống 2,9% mà không tốn đồng ngân sách nào là một kỳ tích. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chỉ khoảng 50% trong số đó đã được xử lý triệt để, chủ yếu nhờ các ngân hàng đã “cắt” máu lợi nhuận, sử dụng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý. Khoảng 50% nợ xấu còn lại vẫn nằm ở “kho” VAMC để đợi xử lý.

Tất yếu, việc xử lý này không thể đẩy nhanh nếu nền kinh tế không ấm lên và hai trụ cột tái cơ cấu còn lại ít biến chuyển. Lý do là suy cho cùng, nợ xấu hay sự yếu kém của ngân hàng chỉ là phần ngọn, trong khi phần gốc, nguyên nhân gây ra nợ xấu đang nằm ở doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước bởi khu vực này chiếm tới 60% nợ xấu. Có nghĩa, nếu không tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước triệt để, thì gốc nợ xấu vẫn còn và nợ xấu lại có nguy cơ dềnh lên bất cứ lúc nào.

Đến giờ phút này, nợ công vẫn là nỗi lo lớn của nền kinh tế trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lại diễn tiến rất chậm. Chính phủ đã thừa nhận chưa hoàn thành mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 289 doanh nghiệp nhà nước vào cuối năm nay, bởi hiện mới CPH được hơn 200 doanh nghiệp. Đáng lo hơn là một số doanh nghiệp đã CPH dường như chỉ thay đổi phần vỏ (là hình thức sở hữu), mà không thay đổi quản trị doanh nghiệp và mô hình hoạt động. Chính vì vậy, Chỉ số Quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện chỉ bằng một nửa so với các nước trong khu vực.

Rõ ràng, để xử lý tận gốc nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng không thể tách rời tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công.

Muốn làm được điều này, trước hết, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần mạnh tay xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp chậm cổ phần hóa.  Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hướng vào thay đổi về chất, chứ không chỉ là thay đổi mô hình sở hữu. 

Tiếp đến cần nhanh chóng siết kỷ luật công bố thông tin của doanh nghiệp nhà khi Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, có hiệu lực từ ngày 5/11/2015. Theo đó, người quản lý doanh nghiệp nhà nước có thể bị kỷ luật, hạ lương, thậm chí là xử lý hình sự nếu doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin, dẫn đến hệ quả là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra ý kiến chỉ đạo khiến doanh nghiệp lâm vào khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước. 

Sau nữa, cần gấp rút tháo gỡ hành lang pháp lý về xử lý tài sản đảm bảo, nếu không nợ xấu sẽ bị trả lại bảng cân đối tài sản của ngân hàng sau 5 năm nữa và khi đó, hệ thống ngân hàng lại phải lao vào cuộc tái cơ cấu lần nữa với khó khăn gấp bội.

Cuối cùng, cần có thêm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đưa nền kinh tế phục hồi vững chắc để ngân hàng, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tái cơ cấu.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục