ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV xung quanh hoạt động tái cơ cấu Tập đoàn như công tác thoái vốn đầu tư, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, các giải pháp đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu sản xuất - kinh doanh.
Ông có thể cho biết tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu, đổi mới và sắp xếp lại các đơn vị trong Tập đoàn?
TKV đã và đang tích cực thực hiện 3 nội dung chính trong Đề án tái cơ cấu. Thứ nhất, hoàn thiện tổ chức của Công ty mẹ. Theo đó, Tập đoàn đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các công ty thành viên 2 cấp thành công ty 1 cấp, bỏ cấp trung gian để chuyển thành chi nhánh của Tập đoàn. Tập đoàn cũng đã sắp xếp, chuyển đổi 9 công ty con hạch toán độc lập thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ -Tập đoàn TKV. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp tổ chức, xây dựng định biên lao động cho các Ban chuyên môn nghiệp vụ của Tập đoàn, định mức số lượng các phòng ban tại đơn vị.
Về công tác cổ phần hóa, Tập đoàn đã triển khai các bước để cổ phần hóa 8 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp hoàn thành việc cổ phần hóa, chuyển sang công ty cổ phần, đó là: Công ty TNHH MTV Vật tư, vận tải và xếp dỡ; Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên thuộc Tổng công ty Khoáng sản; Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ và thiết bị mỏ thuộc Viện Khoa học công nghệ mỏ. Đối với Công ty TNHH Nhôm Lâm Đồng, do đơn vị mới vào hoạt động nên Tập đoàn đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi tiến độ cổ phần hóa đến sau năm 2015 và thay vào đó, bổ sung cổ phần hóa Công ty Xây lắp môi trường Nhân Cơ.
Tập đoàn cũng đã xác định xong giá trị đối với 5 doanh nghiệp. Trong đó, đối với 3 Tổng công ty: Điện lực, Khoáng sản và Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tập đoàn đã báo cáo Bộ Công Thương phương án cổ phần hóa, xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Công tác thoái vốn thì thế nào, thưa ông?
Về công tác thoái vốn, tính đến nay, TKV đã thực hiện thoái xong vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, trong đó bán toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Tài chính TKV, Ngân hàng SHB và Chứng khoán SHS thu về 1.600 tỷ đồng và có thặng dư. Riêng khoản đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng bất động sản đang được Tập đoàn triển khai để tiến hành thoái vốn xong trong năm 2015, với giá trị trên 200 tỷ đồng, trong đó có phần vốn góp liên kết đầu tư tại CTCP Kinh tế Hải Hà gần 48 tỷ đồng.
Đối với việc thoái vốn, giảm vốn góp của TKV trong các công ty, dự án mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối, Tập đoàn đã hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Than Miền Nam từ 77,18% xuống 34%. Giá trị vốn nhà nước thu hồi cao hơn giá trị sổ sách, đạt 16,529 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thành phương án giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Than Miền Trung và đang chuẩn bị thực hiện IPO công ty này. Bên cạnh đó, phê duyệt phương án tái cơ cấu CTCP Du lịch và Thương mại, CTCP Cơ khí Hòn Gai, CTCP Đại lý hàng hải, CTCP Thiết bị điện, CTCP Vận tải thủy.
Đối với các dự án đầu tư ra thị trường nước ngoài tại Lào và Campuchia, Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin nhượng bán cho đối tác để chấm dứt các liên doanh này.
Liên quan đến mô hình tổ chức ngành, việc quy hoạch phát triển hệ thống và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cũng được coi là khâu mấu chốt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất toàn ngành. Vậy tiến trình tái cơ cấu hướng tới giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Tổ chức ngành than đã được hoàn thiện qua nhiều giai đoạn, đặc biệt, tập trung xóa bỏ các cấp quản lý trung gian. Năm 1996 đánh dấu bước ngoặt lớn của toàn ngành trong việc tách các mỏ than quy mô lớn trực thuộc các công ty than 2 cấp vùng Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí, thành các đơn vị thành viên trực thuộc tổng công ty (nay là công ty con của Tập đoàn), theo hướng chuyên môn hóa. Các công ty than chỉ thực hiện nhiệm vụ khai thác, sàng tại mỏ, còn công tác tiếp nhận, vận chuyển, sàng tuyển tập trung và tiêu thụ do các công ty sàng tuyển, kho vận thuộc công ty mẹ - Tập đoàn thực hiện.
Sau năm 1996, các công ty 2 cấp chỉ còn quản lý, xây dựng các mỏ nhỏ. Tiếp đó, khi các mỏ lớn dần thì tách thành công ty con thuộc Tập đoàn như Nam Mẫu, Hồng Thái… Từ giữa năm 2013, Tập đoàn chuyển 3 công ty 2 cấp về mô hình công ty 1 cấp. Tính đến nay, toàn bộ các công ty sản xuất than của TKV ở Quảng Ninh đều đã hoạt động theo mô hình 1 cấp, không còn cấp trung gian nữa.
Bên cạnh đó, TKV định biên về số lượng viên chức quản lý doanh nghiệp, số phó giám đốc không vượt quá 5 người, trong đó có 1 phó giám đốc an toàn và mỗi công ty con không có quá 16 phòng. Ngoài ra, Tập đoàn khoán tỷ lệ lao động, quỹ lương quản lý, phụ trợ, góp phần giảm tỷ lệ gián tiếp các đơn vị còn khoảng 8 - 11%.
Tập đoàn cũng đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất để giảm số ban tham mưu của TKV từ 30 ban xuống 23 ban; hợp nhất 2 ban quản lý dự án nhà điều hành TKV tại Hà Nội và Quảng Ninh thành 1 ban quản lý dự án; chỉ đạo chuyên môn hóa công tác vận chuyển, đưa đón công nhân, công tác vận tải than vào các đơn vị chuyên ngành, giúp tăng cường công tác bảo vệ sản phẩm, tập trung nguồn lực đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư.
Việc sắp xếp lại hệ thống cơ cấu tổ chức đã có những tác động gì tới kết quả sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn? Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của mô hình này?
Việc triệt để tổ chức lại hệ thống cơ cấu theo hướng xóa bỏ cấp trung gian, tinh giản bộ máy đã góp phần giải phóng năng lực sản xuất của các đơn vị trong toàn Tập đoàn. Cùng với đổi mới công nghệ, việc hệ thống lại cơ cấu tổ chức và quản lý đã tạo ra sức bật năng suất, tăng công suất khai thác của các mỏ than. Từ tổng sản lượng than thương phẩm 6 triệu tấn năm 1994 đã tăng lên 45 triệu tấn vào năm 2011, không có mỏ dưới 1 triệu tấn, có mỏ đạt 5 triệu tấn/năm như Núi Béo. Năng suất lao động tổng hợp sản xuất than tăng 4 lần.
Tổng tài sản của Tập đoàn tính đến ngày 31/12/2013 là 133.965 tỷ đồng, bằng 6,5 lần so với năm 2005. Vốn chủ sở hữu của TKV tăng từ 900 tỷ đồng vào năm 1995 lên 33.000 tỷ đồng vào năm 2013, gấp 37 lần. Nộp ngân sách hàng năm từ 13.000 - 16.000 tỷ đồng.
Năm 2014, Tập đoàn dự kiến nộp ngân sách nhà nước 13.000 tỷ đồng; tiền lương bình quân công nhân, viên chức đạt 8 triệu đồng/người/tháng; trong đó tiền lương thợ lò đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với năm 2013; đảm bảo việc làm cho trên 123.000 người. Hầu hết các chỉ tiêu đều có mức tăng trưởng 2 - 10% so với năm 2013.
Mỗi giai đoạn, mỗi mô hình tổ chức có vai trò lịch sử riêng. Hiện nay, tôi cho rằng, mô hình tổ chức đã tương đối hợp lý. Tuy nhiên, một số khâu cần tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp, hiệu quả hơn, tỷ lệ lao động phục vụ gián tiếp ở một số đơn vị cần giảm hơn nữa để tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Hướng tới năm 2015 và những năm tiếp theo, TKV có định hướng gì nhằm hoàn thành lộ trình tái cơ cấu cũng như thực hiện thắng lợi các kế hoạch sản xuất - kinh doanh đặt ra, thưa ông?
Do đặc thù ngành than khai thác ngày càng xuống sâu, hệ số bóc đất đá tăng, cung độ vận chuyển ngày càng cao. Hiện nay, các mỏ lộ thiên phải bóc 11m3 đất đá vận chuyển đi gần 4km mới lấy được 1 tấn than, khai thác hầm lò đã xuống đến mức -300m so với mực nước biển làm cho chi phí tăng cao; việc tuyển dụng lao động thợ lò ngày càng gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng cao, TKV xác định, hoàn thiện cơ cấu và mô hình tổ chức tiếp tục là điểm cốt lõi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong năm 2015, kế hoạch của Tập đoàn là sản lượng than thương phẩm tăng khoảng 2 triệu tấn so với năm 2014 và từ năm 2016 đến 2020, mỗi năm tăng 1 - 2 triệu tấn.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc hoàn thiện cơ cấu và mô hình tổ chức, TKV sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động bình quân trên 5%/năm. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã và đang hoàn thành các dự án tạo nền cho các sản phẩm mới trong lĩnh vực khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp…
Ngoài nỗ lực của toàn hệ thống, Tập đoàn kiến nghị Nhà nước có cơ chế phù hợp để đẩy nhanh các dự án cấp bách nhằm tăng sản lượng than như cấp phép thăm dò, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, hoàn thiện cơ chế tài chính, vay vốn các dự án, các chính sách về thuế, phí và chính sách đối với thợ lò phù hợp, giúp TKV thu xếp nguồn vốn đầu tư xây dựng các mỏ than.
Đồng thời, tăng thu nhập cho thợ mỏ, tôn vinh thợ lò nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho các hầm lò khi các hầm lò này đang ngày càng xuống sâu, góp phần nâng cao năng lực sản xuất để tăng sản lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.