NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Agribank. Ông có thể chia sẻ những điểm chính trong đề án này?
Đúng thế! Bằng quyết định số 53/QĐ-NHNN ngày 15/11/2013, Thống đốc NHNN đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 - 2015.
Nội dung chính của đề án có thể tóm tắt: thứ nhất, tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2015 đạt tỷ lệ cho vay lĩnh vực này khoảng 80% dư nợ, riêng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân khoảng 70%. Thứ hai, tập trung xử lý nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức tiêu chuẩn; tăng vốn tự có đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động. Thứ ba, thực hiện thoái vốn tại các công ty con hoạt động không phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn. Thứ tư, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp lại lao động. Tiếp tục mở rộng mạng lưới tại địa bàn nông thôn, nơi có điều kiện kinh doanh theo yêu cầu về phục vụ và chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Vậy Ngân hàng đã có kế hoạch triển khai tái cơ cấu như thế nào?
Nhà báo cũng biết rồi đấy, từ năm 2008 đến nay, các sự kiện đáng tiếc liên tiếp đến với Agribank. Nhiều vụ án hình sự đã được khởi tố với hàng loạt cán bộ các cấp bị rơi vào vòng lao lý... với những tổn thất mang dấu ấn “lịch sử” trong 26 năm hình thành và phát triển của Ngân hàng. Đặc biệt từ sau khi công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ đến nay, các phương tiện thông tin báo chí… dồn dập đưa tin, phân tích, bình luận…, nhiều bài báo đặt vấn đề khá gay gắt và nặng nề với những gì đã xảy ra ở Agribank trong thời gian qua. Uy tín và thương hiệu của Agribank suy giảm rõ rệt.
Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng giai đoạn này đã là rất nặng nề, nhưng với Agribank còn nặng nề hơn gấp bội. Không có cách nào khác, chúng tôi phải cùng nhau đoàn kết, chung sức, chung lòng để đương đầu và vượt qua thách thức. Mỗi chúng tôi, dù là người lao động hay quản lý đều tự tổng kết cho mình, tự rút ra cho mình những bài học để cùng chung tay lấy lại uy tín, thương hiệu, lấy lại những gì đã đánh mất và xây dựng cho Agribank và cho chính mình một tương lai ổn định, phát triển bền vững.
Chúng tôi phải thay đổi từ tư duy quản trị điều hành; hoàn thiện các quy trình, quy chế nghiệp vụ; tiếp tục nâng cao trình độ; thay đổi về tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm trong lao động; chủ động, tích cực hơn trong khắc phục hậu quả và đấu tranh với tiêu cực trong chính nội bộ Agribank.
Tuy đề án tái cơ cấu Agribank được Thống đốc NHNN phê chuẩn ngày 15/11/2013, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, NHNN đã cùng Agribank với tinh thần vừa triển khai vừa hoàn thiện các nội dung tái cơ cấu từ trước đó. Do vậy, tính đến 31/12/2013, Agribank đạt: tổng tài sản trên 700.000 tỷ đồng, tăng 14,8%; nguồn vốn huy động trên 600.000 tỷ đồng, tăng 13,9%; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 531.000 tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ 71,4% (tăng 15%); nợ xấu 4,75%.
Mới chỉ qua 4 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ hệ thống cơ chế chính sách về tín dụng, về giao dịch với khách hàng. Hàng chục văn bản về quy trình, quy chế được ban hành mới và triển khai tập huấn xong đến tận cán bộ cơ sở. Tất cả đều nhằm mục đích hướng tới khách hàng. Hiện nay chúng tôi bắt đầu triển khai hoàn thiện phần cơ chế quản trị nội bộ để kích thích tăng năng suất lao động, nhằm thực hiện tốt đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt và phục vụ tốt hơn bà con khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Trong kế hoạch này, Agribank nhận thấy sẽ gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, theo ông?
Khó khăn thì nhiều, có khó chung đối với hoạt động ngân hàng, trong đó có Agribank và có khó khăn chỉ dành riêng cho Agribank.
Tôi ví dụ như vấn đề tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất kinh doanh ngừng trệ, DN tiếp tục giải thể, hàng hóa không tiêu thụ được. Ngành ngân hàng đã đơn giản hóa thủ tục hết mức; lãi suất cho vay cũng giảm nhiều, có trường hợp được vay với lãi suất dưới trần huy động; khách hàng có khả năng tài chính, có dự án tốt là được chăm sóc tới mức “cạnh tranh”…, nhưng tín dụng vẫn không tăng trưởng được, thậm trí còn ở trạng thái âm (Agribank đến 30/4/2014, tín dụng vẫn âm 0,1% so với 31/12/2013). Vấn đề quy hoạch phát triển ngành nghề, cây, con đã được đặt ra tại nhiều hội nghị, nhiều diễn đàn, nhưng thực tế triển khai chưa được nhiều. Vẫn còn tình trạng đầu tư theo phong trào, tâm lý đám đông, dàn trải tạo ra thị trường hàng hóa không ổn định, chất lượng thấp, khi thừa, khi thiếu. Việc xem xét, đánh giá và xử lý các vấn đề có liên quan đến hoạt động ngân hàng trong cả lĩnh vực hình sự cũng như dân sự của các cơ quan tư pháp còn kéo dài (có vụ hơn 10 năm mới kết thúc), đôi khi không thống nhất, nặng về xử lý trách nhiệm người cho vay, nhẹ về trách nhiệm của người vay và thu hồi tài sản...
Riêng với Agribank, ngoài khó khăn chung và khó khăn trong việc xử lý các tồn tại như đã trao đổi ở trên, chúng tôi còn có hàng loạt khó khăn riêng như cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là loại cho vay có rủi ro cao hàng đầu so với các loại cho vay khác bởi đối tượng cho vay chủ yếu là ưu tiên lãi suất cho vay thấp, món vay nhỏ lẻ chi phí cao; thị trường nông thôn nguồn vốn huy động tại chỗ không đủ cho vay… Tuy NHNN có ưu tiên áp dụng tỷ lệ dự trữ thấp và cho vay tái cấp vốn khi cần, nhưng năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, nguồn vốn của Agribank thường xuyên thừa...
Agribank là NHTM 100% vốn nhà nước duy nhất chưa có kế hoạch cổ phần hóa, tuy được nhà nước quan tâm chỉ đạo chặt chẽ và cụ thể nhưng khó tăng vốn điều lệ; thường xuyên “mấp mé” ranh giới vi phạm tỷ lệ an toàn, mặc dù thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng vẫn bị Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN “tuýt còi”. Từ ngày thành lập đến nay, Agribank luôn là một NHTM nhà nước có hệ thống mạng lưới rộng nhất, có khả năng tiếp cận tới tất cả các khách hàng, kể cả vùng sâu, vùng xa. Nhưng trước khi Luật DNNN “hoàn thành nhiệm vụ”, mô hình quản lý được phân thành 4 cấp: trụ sở chính, chi nhánh tỉnh, chi nhánh huyện và phòng giao dịch. Trụ sở chính chỉ cần trực tiếp quản lý trên dưới 100 đầu mối cấp tỉnh; cấp tỉnh quản lý cấp huyện… công việc khá thuận lợi và phù hợp. Đến nay, thống nhất chung với tất cả các DN khác, trụ sở chính phải trực tiếp quản lý gần 1.000 đầu mối. Được sự hỗ trợ của các bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính…, NHNN nhất trí cho Agribank được vận dụng linh hoạt nhưng đâu phải địa phương nào cũng thông suốt, hơn nữa “linh hoạt” mãi sao được...
Để tháo gỡ những vướng mắc đó, Agribank cần hỗ trợ thêm gì về mặt chính sách?
Thứ nhất, Chính phủ, NHNN cùng các bộ ngành và Chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai cụ thể với các chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp do NHNN đưa ra như: cho vay các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Nếu không, Ngân hàng sẽ khó có cơ sở giải ngân và tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá“ vẫn tiếp tục xảy ra.
Thứ hai, Chính phủ xem xét có phương án hỗ trợ cho khách hàng vay vốn thuộc đối tượng Nghị định 41/2010/NĐ-CP khi gặp khó khăn do yếu tố khách quan, thiên tai dịch bệnh... không phải trên diện rộng. Có chính sách khuyến khích mở rộng bảo hiểm vay vốn và xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro để hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp khi gặp rủi ro bất khả kháng để ổn định tài chính, tái sản xuất cho các hộ nông dân.
Thứ ba, cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, trong việc kết nối giữa ngân hàng với DN và bà con nông dân. Với thực tiễn của Agribank, ở đâu có sự hỗ trợ của chính quyền, ở đó Agribank kinh doanh hiệu quả và người dân dễ dàng tiếp cận được với vốn vay ngân hàng và thỏa mãn được nhu cầu vay vốn hơn.
Thứ tư, rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án. Trong quá trình xử lý vụ việc hình sự cần ưu tiên cho mục đích thu hồi tài sản và đưa tài sản vào khai thác, hạn chế tổn thất do hư hỏng, giảm giá hay ngừng hoạt động. Có chính sách xử lý tài sản thế chấp hợp lý để hỗ trợ ngân hàng và DN giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu.
Thứ năm, tăng vốn điều lệ cho Agribank để đảm bảo an toàn hoạt động, đồng thời có nguồn lực để mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian chưa có nguồn để tăng, đề nghị có cơ chế đặc thù hỗ trợ.
Thứ sáu, có biện pháp kích cầu nền kinh tế với sự tham gia của các bộ, ban ngành, thúc đẩy sản xuất kinh doanh một cách đồng bộ và hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các DN để có thể thích ứng và tồn tại được trong thị trường kinh tế khắc nghiệt và nhiều biến động.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |