Đó cũng chính là lý do vì sao các tập đoàn tài chính nước ngoài “săn” mua các công ty tài chính - tiêu dùng đang hoạt động tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua và sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Thị trường nhiều tiềm năng
Cho vay tiêu dùng là các khoản cho vay nhằm tài trợ cho nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Đây là nguồn tài chính quan trọng giúp họ trang trải cho nhu cầu tiêu dùng như nhà ở, đồ dùng gia đình, xe cộ, giáo dục, y tế, du lịch…
TS Đinh Thế Hiển
Đối với tổ chức tài chính, hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ mang lại một khoản lợi nhuận không nhỏ. Với đặc điểm đối tượng khách hàng của loại hình tín dụng này phân bố rộng khắp trên cả nước, nên các tổ chức tài chính sẽ rất dễ dàng trong việc mở rộng thị trường cho vay, cũng như phân tán rủi ro.
Đối với nền kinh tế và xã hội, tín dụng tiêu dùng giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, giúp kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội; làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, hạn chế cho vay nặng lãi.
Cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm tăng cầu hàng hóa, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Trong những năm gần đây, tài chính tiêu dùng là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam, nhất là khi tốc độ bán lẻ của nền kinh tế đang đẩy mạnh, dư địa phát triển ngành này còn rất lớn do mức độ tiếp cận tín dụng của người dân, đặc biệt qua kênh ngân hàng, còn thấp.
Tuy mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, nhưng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được dự báo sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Đây là lý do hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng của Việt Nam, nhằm khai thác hết các tiềm năng.
Thực tế, dù các ngân hàng thương mại trong nước đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng từ khá lâu, nhưng thị trường chỉ thực sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, khi có nhiều hơn các công ty tài chính tham gia. Trong đó, đáng chú ý là các tập đoàn tài chính nước ngoài khi mua lại 49% cổ phần tại các công ty tài chính trong nước.
Nhà đầu tư ngoại không bỏ lỡ cơ hội
Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, với đà tăng trên 30% mỗi năm và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này đến năm 2020. Đây là những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nhanh chóng được chia “miếng bánh” thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.
Theo đó, cuộc chạy đua thâu tóm công ty tài chính của các ngân hàng dường như vẫn chưa đến hồi kết. Vietcombank đang dự kiến, sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng; ACB, OCB cũng có kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính tiêu dùng… trong năm 2018.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển đổi thương hiệu, nhiều nhà băng đã nhanh chóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán lại. Trong các thương vụ mua, bán thành công giữa công ty tài chính và nhà đầu tư ngoại thời gian qua, đa phần đối tác ngoại chốt tỷ lệ sở hữu ở mức cao, lên đến 49%.
Mới đây, Tập đoàn Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc đã công bố đạt thỏa thuận mua lại Công ty tài chính Prudential Việt Nam với giá gần 151 triệu USD thông qua công ty con là Công ty Shinhan Card.
Prudential Finance là công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ lớn thứ tư ở Việt Nam sau ba công ty khác trong cùng lĩnh vực là FE Credit, Home Credit và HD Saison. Trước đó, việc Prudential Việt Nam bán công ty tài chính đã gây xôn xao thị trường từ cuối năm 2017. Như vậy, với việc mua lại Prudential Finance, Shinhan có thêm điều kiện đẩy mạnh mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam phục vụ mọi phân khúc khách hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có quyết định chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Techcombank tại Công ty tài chính Kỹ Thương (Techcom Finance) cho đối tác Hàn Quốc là Lotte Card. Giá trị của thương vụ này có thể đạt khoảng 87,5 tỷ won, tương đương khoảng 1.700 tỷ đồng. Với vốn điều lệ hiện tại của Techcom Finance là 600 tỷ đồng, Techcombank có thể ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường sau khi thoái vốn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Techcom Finance tiền thân là Công ty Tài chính Hóa chất Việt Nam với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Đến tháng 12/2010, vốn điều lệ Công ty tăng lên 600 tỷ đồng. Và đến đầu năm 2015, Techcombank đã nhận chuyển nhượng để nâng sở hữu lên 100% vốn của công ty này, đồng thời đổi tên thành Techcom Finance.
Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu thuần của Techcom Finance đạt 28,7 tỷ đồng, tổng chi phí hoạt động là 7,1 tỷ đồng. Theo đó, công ty này ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 22,5
tỷ đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã bán đấu giá thành công Công ty Tài chính Bưu điện cho SeABank.
Trước đó, MB bán 49% công ty tài chính Mcredit cho đối tác Nhật Bản. Mcredit của MB chính thức chuyển từ một thành viên sang liên doanh hai thành viên trở lên với MB nắm 50% vốn, Shinsei giữ 49% và Công ty Xuân Thành sở hữu 1%.
Hay HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HD Finance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, HDBank vẫn sở hữu 50% vốn điều lệ của HD Saison. Đến nay, HD Saison được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng mẹ.
Chưa kể, Công ty Cho thuê tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên BIDV (BLC), từ công ty do BIDV sở hữu 100% vốn điều lệ thành Công ty Cho thuê tài chính trách nhiệm hữu hạn BIDV - SuMi TRUST (BSL), với sự tham gia sở hữu 49% vốn điều lệ bởi Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (Sumitomo Mitsui Trust Bank - SMTB).
Ngoài ra, một số thương vụ mua lại mảng bán lẻ như Ngân hàng Shinhan Việt Nam - một công ty con của Shinhan Financial Group - cũng mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ nhằm mở rộng mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam…
Tài chính tiêu dùng thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng tăng trưởng
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Hệ thống FPT Shop
FPT Shop là hệ thống bán lẻ điện thoại, thiết bị di động đứng số 2 Việt Nam từ năm 2012. Chúng tôi sở hữu 465 cửa hàng và đạt 600 triệu USD doanh thu. Ngay từ khi thành lập năm 2012, chúng tôi đã hợp tác với Home Credit.
Home Credit vào thị trường Việt Nam từ năm 2008, mang lại một dịch vụ hoàn toàn mới mẻ dành cho người dân. Thay vì cần phải tiết kiệm thì khách hàng đã có thể mua trước trả sau và chia nhỏ khoản tiền góp phù hợp với mức thu nhập của mình.
Tôi nghĩ, Home Credit là một trong những công ty tài chính tiêu dùng đầu tiên giới thiệu hình thức vay tiêu dùng đến cho người dân Việt Nam, là người tiên phong mở đường trong lĩnh vực này.
Home Credit nói riêng và cho vay tiêu dùng nói chung đã giúp cho nhiều ngành phát triển, nhất là với bán lẻ, tiêu dùng. Ngành bán lẻ điện thoại có mức tăng trưởng 20 - 30%/năm, nhưng nếu không có sự hậu thuẫn cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính thì sẽ khó có được mức tăng trưởng như kỳ vọng.
Riêng FPT Shop tăng trưởng tới 40% trong những năm vừa qua. Trong đó, đóng góp của mảng cho vay tiêu dùng chiếm tới 30 - 35% doanh thu, mà hơn phân nửa số này là nhờ Home Credit.
Nếu như trước đây, nói đến cho vay tiêu dùng, bản thân tôi và nhiều khách hàng mua hàng tiêu dùng nghĩ là rủi ro cao, lãi suất cao để bảo đảm, từ đó dẫn tới e dè, nghĩ rằng cho vay tiêu dùng là gánh nặng, thì hiện tại, FPT Shop cùng Home Credit hiểu được người tiêu dùng, cùng nhau tao ra sản phẩm đột phá với lãi suất 0%, ví dụ như mua điện thoại 20 triệu đồng, trả 4 triệu đồng/tháng, không có lãi, phí.
Công ty tài chính là cầu nối quan trọng, góp phần tạo nên thị trường lớn, ổn định
Ông Đỗ Thanh Sang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Sang Trọng
Công ty Sang Trọng hiện có nhiều cửa hàng kinh doanh xe gắn máy tại TP. HCM, Thủ Dầu Một (Bình Dương), Tây Ninh và các tỉnh miền Nam. Với những nỗ lực không ngừng, chúng tôi luôn mang lại cho khách hàng những sản phẩm tốt và dịch vụ chu đáo nhất.
Với phương châm đó, gần 9 năm qua, chúng tôi luôn tin tưởng chọn các các công ty tài chính tên tuổi, trong đó có Home Credit là đối tác kinh doanh, đồng hành phát triển.
Công ty tài chính giúp cho người tiêu dùng được sở hữu chiếc xe máy khi họ chưa đủ tài chính, từ đó hỗ trợ đại lý xe máy chúng tôi tăng số xe bán ra, thời gian bán nhanh hơn, thời gian tồn kho ngắn lại, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Trung bình, doanh số trả góp chiếm 50 - 60% trên tổng số xe bán ra tại hệ thống Sang Trọng trong 3 năm gần đây.