Tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh và mạnh
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động nguồn vốn FE Credit, so với các quốc gia trên thế giới, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, nhất là hoạt động cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính, còn rất non trẻ và đang trên đà phát triển.
“Hiện phần lớn nguồn vốn tín dụng đến từ các ngân hàng (chiếm khoảng 87,6% - nguồn Stoxplus 2017), các công ty tài chính tiêu dùng chỉ chiếm phần nhỏ, trong đó tập trung chủ yếu tại một số công ty tài chính lớn như HD Saison, Home Credit, FE Credit...”, ông Phúc chia sẻ thêm.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Stockplus cho thấy, năm 2017, ước tính dư nợ tín dụng tiêu dùng cả nước có quy mô khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2016 (có tăng trưởng 50,2%) và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%), qua đó nâng tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% của năm 2016 lên 18% vào cuối năm 2017.
Thông tin với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết: “Theo số liệu của CIC, tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng tiêu dùng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, đạt trên 36% so với số dư nợ tại thời điểm đầu năm 2017”.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã và đang trở thành miếng bánh hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh của tín dụng tiêu dùng những năm qua. Theo đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường này cũng trở nên sôi nổi hơn.
"Chẳng hạn, sau thương vụ mua lại mảng bán lẻ tại Việt Nam của Ngân hàng ANZ, Shinhan Bank tiếp tục chi 150 triệu USD mua trọn PrudentialFinance từ Tập đoàn Prudential, một "đại gia" Hàn Quốc khác là Lotte cũng góp mặt trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam thông qua việc mua lại TechcomFinance. Hay như Tập đoàn tài chính Nhật Bản Credit Saison mua lại 49% cổ phần của HDFinance từ HDBank tạo nên thương hiệu HDSaison, sự hợp tác liên doanh chiến lược giữa Shinsei Bank (49%) và Ngân hàng Quân đội (50%) với mong muốn củng cố vị thế hiện tại và thúc đẩy sự phát triển của MCredit...", bà Dương nói.
“Ước tính đến năm 2019, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 44 tỷ USD (tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) từ năm 2013 tới năm 2016 của thị trường cho vay tiêu dùng nói chung là 44% và của các công ty tài chính nói riêng là 91%... cho thấy sức nóng tăng trưởng của các công ty này”, bà Dương nhấn mạnh.
Tài chính tiêu dùng: Những lợi ích cho kinh tế - xã hội
Chia sẻ về lợi ích mà tài chính tiêu dùng mang lại cho nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích: Thứ nhất, các công ty tài chính đã và đang tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Tính đến tháng 4/2017, số lượng nhân sự tại các công ty tài chính đạt khoảng 40.000 người, không thua kém bao nhiêu so với một ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam. Các nhân sự này có được mức thu nhập nhất định, góp phần giảm nghèo trong xã hội.
Thứ hai, các công ty tài chính đã có đã giúp đẩy mạnh quá trình triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam. Việc tập trung vào phân khúc khách hàng ở độ tuổi từ 18-30, thu nhập hàng tháng từ 5-10 triệu đồng (trong khi các ngân hàng thương mại tập trung vào những khách hàng từ 31-40 tuổi và có thu nhập cao hơn) giúp các công ty tài chính đã có sự thâm nhập nhanh trên thị trường tài chính Việt Nam. Phân khúc khách hàng có thu nhập thấp đang chiếm khoảng 87% dân số, vốn chưa được các ngân hàng thương mại quan tâm đúng mức, thì nay đã có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính từ các công ty tài chính.
Thứ ba, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.
Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ những ngân hàng thương mại là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, thế mạnh của các công ty tài chính là thủ tục nhanh gọn, đơn giản, sẵn sàng cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân vay tiền…
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, tiềm năng phát triển thị phần của các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn nhờ vào đặc tính đơn giản, nhanh chóng của sản phẩm. Sự tăng trưởng của tài chính tiêu dùng sẽ mang đến nhiều tích cực cho nền kinh tế.
"Các hộ gia đình có thể dễ dàng tiếp cận kênh cho vay này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn nhỏ lẻ, từ đó hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, tăng thu ngân sách nhà nước, đời sống xã hội tránh được các bất ổn...", ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, dân số Việt Nam có quy mô lớn, đi kèm với nền kinh tế phát triển năng động đặt ra nhu cầu đa dạng hóa các kênh cung cấp vốn trên thị trường. Tại các nước phát triển, cho vay tiêu dùng là kênh cung cấp vốn khá lớn, có tỷ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng GDP. Trong khi tại Việt Nam, tỷ trọng này vẫn còn khá khiêm tốn, chưa xứng với mức độ kỳ vọng.
"Tuy nhiên, có cầu sẽ có cung. Nhu cầu vay vốn tiêu dùng và vay nhỏ lẻ với thủ tục đơn giản ngày càng tăng cao sẽ dẫn đến sự phát triển của các công ty tài chính với mục tiêu chú trọng cho vay tiêu dùng. Sự phát triển cung - cầu đi đôi này sẽ kéo theo mức tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, góp phần vào tăng trưởng của GDP Việt Nam trong tương lai”, ông Phong nhấn mạnh.
Tăng đầu tư vào công nghệ để phòng tránh rủi ro
Lãnh đạo các công ty tài chính đều thừa nhận, sự tăng trưởng "nóng" sẽ khó tránh được những rủi ro, song vấn đề là giải pháp cho thị trường này phát triển an toàn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Dương cho biết, trước làn sóng công nghệ 4.0, các công ty ty tài chính cũng đang nỗ lực “số hóa” để nâng cao hiệu suất, quy trình, từ đó giảm chi phí hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro và mở rộng thị phần.
Theo bà Dương, việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống xử lý… Để xây dựng được quy trình cho vay số hóa thực sự, công nghệ phải được áp dụng cho tất cả các giai đoạn của quy trình và công nghệ hiện nay có thể đáp ứng được yêu cầu này.
"Các công nghệ tiên tiến như OCR/ICR giúp đọc và nhận diện thông tin khách hàng trên các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe… để đối chiếu với thông tin tự khai của khách hàng, đối chiếu ảnh trên giấy tờ tùy thân với ảnh tự chụp của khách hàng để đảm bảo xác thực thông tin nhanh và chính xác hơn so với tác nghiệp thủ công.
Các thông tin được sử dụng trong quá trình ra quyết định cho vay, bao gồm thông tin cung cấp bởi khách hàng, thông tin nội bộ, thông tin từ bên thứ ba chính thống đáng tin cậy (CIC, sao kê tài khoản, hóa đơn tiền điện, nước…) và thông tin người dùng từ mạng xã hội… được tích hợp để có thể tra cứu và đưa ra quyết định cho vay một cách tự động và tức thì", bà Dương nêu ví dụ.
Bà Dương cho biết thêm, nếu xây dựng được nền tảng công nghệ vững chắc, các công ty tài chính hoàn toàn có thể làm tăng sự hài lòng của khách hàng nhờ việc ra quyết định nhanh chóng, loại trừ sự gián đoạn trong xử lý hậu kỳ do giới hạn về thời gian làm việc, thay đổi nhân sự, nghỉ phép, chất lượng nhân viên không đồng đều… đối với các sản phẩm cho vay được số hóa.
Cùng với đó, việc đảm bảo quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng phải luôn được các công ty tài chính “khắc cốt ghi tâm” nhằm đảm bảo an toàn và tối đa hóa lợi ích về dài hạn. Tích hợp API giữa các hệ thống/phần mềm nội bộ và hệ thống/phần mềm của bên thứ 3 giúp dòng chảy của thông tin để ra quyết định cho vay được liền mạch, tức thời và không tiềm ẩn các rủi ro hoạt động như khi được thực hiện thủ công. Việc xác thực các thông tin cần được thực hiện theo các “quy tắc” (rule based) được xây dựng và thực hiện bởi hệ thống công nghệ, giúp giảm thiểu yếu tố chủ quan của con người, bao gồm các can thiệp có chủ đích và các lỗi tác nghiệp khách quan.
“Các công nghệ mới như nền tảng blockchain cũng có thể trợ giúp các công ty tài chính trong việc nâng cao tính minh bạch và an toàn hệ thống. Công nghệ blockchain ghi lại mọi dấu vết giao dịch và không thể đảo ngược, hay sửa đổi. Tóm lại, công nghệ mới đem lại cơ hội mới và là bạn đồng hành cùng các công ty tài chính trên con đường hiện thực hóa các cơ hội này”, bà Dương nhấn mạnh.