Tài chính tiêu dùng bùng nổ đẩy lùi tín dụng “đen”

(ĐTCK) Sự phát triển mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của người dân và góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi trên thị trường.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm cao của các đối tác trong và ngoài nước

Tài chính tiêu dùng bùng nổ

Sau gần một thập kỷ tăng trưởng liên tục với tốc độ 20%/năm, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đạt mức 646.000 tỷ đồng vào cuối năm 2016, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước…

Nhiều ý kiến cho rằng, tài chính tiêu dùng đã bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định. Bằng chứng là, nếu như năm 2015, tổng mức dư nợ cho vay tiêu dùng tương đương 6,62% GDP thì đến năm 2016, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ còn 6,4% GDP. 

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cho vay tiêu dùng có sự tăng trưởng đột phá trong hai năm vừa qua. Năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65%, cao hơn mức tăng trưởng 50,2% trong năm 2016. Nhờ đà tăng nhanh đó, từ chỗ chiếm tỷ trọng 12,3% trong tổng tín dụng vào nền kinh tế trong năm 2016, tín dụng tiêu dùng đã chiếm tới 18% tổng tín dụng trong năm 2017.

Tính trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trong năm 2017 ước đạt khoảng 6,53 - 6,56 triệu tỷ đồng, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), quy mô thị trường cho vay tiêu dùng cuối năm 2017 đạt khoảng 1,17 - 1,18 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 52 tỷ USD.

Cũng theo NFSC, cho vay phục vụ mục đích mua nhà, sửa chữa nhà để ở chiếm 53,8% (năm 2016 chiếm khoảng 50%) tổng tín dụng tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao, khiến nhu cầu về nhà ở gia tăng; đồng thời, người dân đang có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Cho vay mua trang thiết bị gia đình tăng 6,5%, chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại tăng 35,2%, chiếm 8,3%.

TS. Cao Sỹ Kiêm 

Xét về thị phần, tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đang tăng mạnh, từ mức 39% toàn thị trường vào cuối năm 2016 lên 45,7% vào cuối năm 2017. Trong khi đó, thị phần của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có xu hướng giảm nhẹ, từ mức 47% xuống 42,4%. Nhóm công ty tài chính đóng góp 7,6% thị phần (năm 2016 là 9,3%), còn lại là nhóm ngân hàng nhà nước.

Như vậy, thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại. Sự chênh lệch lớn về thị phần của hai nhóm là do danh mục cho vay của các ngân hàng thương mại chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như cho vay mua nhà, mua ô tô. Trong khi nhóm công ty tài chính hướng đến các khoản vay giá trị thấp cho cá nhân và cho vay tín chấp. Hơn thế, các ngân hàng thương mại có được lợi thế rất lớn về nguồn vốn, hệ thống và mạng lưới giao dịch rộng khắp, điều mà các công ty tài chính khó có được.

Tín dụng tiêu dùng đang là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng. Hiện các công ty tài chính tiêu dùng đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tăng mức độ tiếp cận khách hàng, giảm chi phí, tăng hiệu quả và phát triển thị trường theo chiều sâu.

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các đối tác trong và ngoài nước hơn bao giờ hết. Việc FE Credit thông báo sẽ tiếp nhận khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank mới đây và việc công ty này nhận thêm khoản vay 50 triệu USD từ Lion Asia vào đầu năm 2018 là minh chứng rõ nét.

 Giới trẻ ưa thích công nghệ cũng là những "tín đồ" của tài chính tiêu dùng
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vòng ít nhất 5 năm tới. Nhận định này trên cơ sở thực tế là dù liên tục tăng trưởng 20%/năm trong suốt gần 10 năm qua, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. Phần lớn những người có nhu cầu vẫn chưa tiếp cận được với tài chính tiêu dùng chính thống đã phải tìm đến tín dụng "đen” để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn “khoảng 60 triệu người dân sống ở các vùng nông thôn cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là tài chính toàn diện”.

Thậm chí, ngay cả ở khu vực thành thị, mặc dù người dân đã quen với sự hiện diện của hình thức cho vay tiêu dùng, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn được xem là đang phát triển dưới tiềm năng, bởi danh mục các sản phẩm được vay mua trả góp hiện còn hạn chế.

Sản phẩm thường xuyên góp mặt trong danh mục này chỉ gói gọn trong các siêu thị, cửa hàng điện máy, xe máy…, trong khi các loại hình dịch vụ, từ làm đẹp cho đến du lịch, y tế lại ít được các công ty tài chính tiêu dùng tập trung phát triển.

Bên cạnh đó, việc thị trường tài chính tiêu dùng, vốn được dự báo sẽ có giá trị tới 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, nhưng hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép thành lập (tính đến hết tháng 6/2017) và chỉ một vài tên tuổi khẳng định được vị thế trên thị trường khiến tính cạnh tranh của thị trường còn rất thấp, người tiêu dùng ít được hưởng lợi.

Hơn thế nữa, trong số 16 công ty được cấp phép thành lập, chỉ có 5 - 6 công ty hoạt động thực sự có hiệu quả, số còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, hoặc chưa chính thức bước chân vào thị trường này.

Đẩy lùi tín dụng “đen”

Việc xây dựng một thị trường cho vay tiêu dùng lành mạnh, bảo đảm việc khách hàng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ khi vay vốn sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen phát triển.

Thực tế cho thấy, do nắm bắt được nhu cầu của những người cần tiền gấp và chịu trả lãi suất cao, hàng loạt cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính đã xuất hiện ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác trên khắp cả nước. Và hệ lụy từ tín dụng đen xảy ra là điều tất yếu. Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), từ năm 2010 đến 2017, trên cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc trưng cơ bản của tín dụng đen là giao dịch ngầm, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng ngân hàng chính thức. Tín dụng đen không có trần hay sàn lãi suất như các tổ chức tín dụng chính quy, mà lãi suất hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa bên cho vay và đi vay với mức lãi suất “cắt cổ”.

Từ mức lãi suất 0,15%/ngày, tương ứng 4,5%/tháng, 54%/năm cho các khoản vay ngắn hạn, lãi suất tín dụng đen có thể lên tới 10.000 đồng/ngày cho khoản vay 1 triệu đồng, tương đương mức lãi suất 30%/tháng và 360%/năm. Thủ tục hoạt động tín dụng đen cũng rất đơn giản.

Các giao dịch được hoàn tất có khi chỉ trong vài phút, thế chấp có khi chỉ cần một chứng minh nhân dân, một bản photo không cần công chứng ủy quyền về nhà đất. Thậm chí, chỉ cần một lời hứa và thỏa thuận miệng và khả năng tín chấp luôn mở rộng cho những khách quen có giao dịch với nhau đủ uy tín từ hai lần trở lên…

Sở dĩ tín dụng đen có đất phát triển là vì dù đã có cả hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, ngân hàng người nghèo, ngân hàng phát triển, nhưng đa số người dân vẫn không có điều kiện tiếp cận vốn từ các tổ chức hợp pháp này và họ phải tìm đến tín dụng đen.

Để từng bước đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng là một đòi hỏi tất yếu. Không chỉ là một trong những phương tiện tốt nhất giúp cho người dân có thể tích lũy được tài sản, mà các định chế về tài chính tiêu dùng sẽ là một trong các tác nhân tốt để hạn chế cho vay nặng lãi trong nền kinh tế.

Thực tế, sự phát triển của công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của một bộ phận người tiêu dùng từ trước tới nay không với tới được các gói vay của ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện vay vốn.

Yếu tố này được xem là góp phần đem lại tác động tích cực cho xã hội thông qua việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng, đồng thời kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để thị trường phát triển lành mạnh, cần có hành lang pháp lý rõ ràng đối với tài chính tiêu dùng. Với sự ra đời của Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị đối xử như với một ngân hàng thương mại.

Đây là sự thay đổi lớn, tích cực trong quản lý của cơ quan chức năng, ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của các công ty tài chính và ngân hàng thương mại, một loại hình hoạt động được xem là mới, nhưng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, Thông tư 43/2016/TT-NHNN có những quy định mới liên quan đến quy đổi lãi suất theo năm, thời gian gọi điện nhắc nợ với khách hàng, đơn giản hóa về hồ sơ vay vốn…

Tất cả những điều khoản này sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. 

TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục