Trong kịch bản toàn cầu, nhiệt độ bề mặt trái đất có thể tăng 4 độ C vào cuối thế kỷ 21 nếu các quốc gia, tổ chức và cá nhân không có những hành động cụ thể. Vì vậy một trong những mục tiêu quan trọng đối với thế giới hiện nay là giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Hoàng Thanh Hà, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), cho biết các Chính phủ đang đưa cho doanh nghiệp 4 phương án: Nộp phí phạt hoặc nộp thuế môi trường; Tự giảm phát thải tại cơ sở sản xuất; Mua tín chỉ giảm phát thải trên thị trường; Đầu tư, thực hiện dự án giảm phát thải carbon ở một nơi khác.
Trong đó, việc mua bán tín chỉ giảm phát thải (tín chỉ carbon) trên thị trường là phương pháp tiên tiến mà ngày càng nhiều quốc gia triển khai. Hoạt động mua bán được thực hiện trên thị trường carbon, nơi các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trong nước trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).
Ông Hà cho biết có nhiều loại tín chỉ khác nhau, và giá tín chỉ cao hay thấp phụ thuộc vào từng lĩnh vực (nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, xử lý chất thải,..), vào độ uy tín của đơn vị phát hành tín chỉ cũng như thời điểm mua/bán trên thị trường carbon.
Tại Việt Nam, theo báo cáo “Triển vọng Năng lượng Việt Nam”, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh của hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn đầu tư mỗi năm. Riêng trong năm 2050, số vốn cần có ước tính lên tới 167 tỷ USD, tương đương 11% GDP dự kiến của Việt Nam vào năm này.
Một số liệu khác từ Viện Năng lượng cũng dự đoán Việt Nam cần đầu tư 532 tỷ USD vào nguồn phát điện và hệ thống truyền tải trong giai đoạn 2021-2045.
Ông Hà phân tích Việt Nam hiện có một số cam kết nhận tài trợ từ các chính phủ, tổ chức quốc tế. Như hồi cuối tháng 12/2022, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Theo đó, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, vị chuyên gia đánh giá nguồn vốn này chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng số vốn cần thiết của Việt Nam. Chưa kể đa phần khoản tài trợ ở dạng vốn vay, và chỉ một phần nhỏ là viện trợ.
“Tài chính carbon hay doanh thu từ mua bán tín chỉ carbon là giải pháp bền vững cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam”, chuyên gia Hoàng Thanh Hà nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Theo đó, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Việt Nam đã quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế chính sách để triển khai cam kết Net Zero vào năm 2050. Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01 phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về những giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Ban hành chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Rà soát, cập nhật NDC 2022, trong đó có tính đến cam kết Net Zero của Việt Nam,…và nhiều văn bản liên quan khác.