Theo ông Giang, ngành hoạch định tài chính cá nhân được hình thành từ năm 1969 khi ông Loren Dunton nhóm họp cùng với 13 nhà lãnh đạo tài chính tại một khách sạn ở Chicago, Mỹ. Mục tiêu nhằm thảo luận về việc nâng cao ý nghĩa và tính chuyên nghiệp của nghề tư vấn tài chính, không dừng lại ở việc bán sản phẩm tài chính, mà còn đưa ra những lời tư vấn chuyên nghiệp cho khách hàng của mình.
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam |
Cũng theo ông Giang, hoạch định tài chính cá nhân là một quá trình phối hợp giữa bên tư vấn và khách hàng nhằm tối đa hoá tiềm năng của khách hàng và giúp họ đạt được các mục tiêu trong cuộc sống thông qua những lời tư vấn tài chính toàn diện tương ứng với hoàn cảnh tài chính của họ.
Cho đến thời điểm này, lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển vô cùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính quốc tế (FPSB) và các Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính tại 27 quốc gia thành viên.
“Chứng chỉ Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (Certified Financial Planner - CFP) là chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân hiện có 203.312 chuyên gia trên thế giới đang nắm giữ”, ông Giang thông tin.
Tại Việt Nam, ông Giang cho biết, hoạt động hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân đang bắt đầu phát triển và cũng gặp phải nhiều tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua. Bên cạnh nguyên nhân là trình độ dân trí về tài chính của người dân Việt Nam còn đang ở mức chưa cao, thì việc hàng loạt các cá nhân tự nhận là tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư trên thị trường hoặc các tổ chức tài chính mạo danh… đã dẫn tới các vụ việc lừa đảo lớn gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân, và doanh nghiệp.
Ông Giang nhấn mạnh: “Đã đến lúc, tất cả chúng ta bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, các đơn vị đào tạo, và các tổ chức cá nhân khác cùng chung tay để thiết lập các chuẩn mực cho lĩnh vực hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp này”.
Quang cảnh Tọa đàm “Hoạch định tài chính cá nhân ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 5/1 |
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khẳng định, tài chính cá nhân thực sự là một mảnh ghép cuối cùng của mảng tài chính Việt Nam. Tài chính bao gồm tài chính vĩ mô và tài chính vi mô. Vĩ mô là chuyện của nhà nước còn về vi mô bên cạnh mảng tài chính doanh nghiệp đã nói rất thường xuyên thì mảng cuối cùng đó là tài chính cá nhân. Do vậy, để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chung nhất cho ngành Hoạch định Tài chính cá nhân tại Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh đã đưa ra những khuyến nghị.
Ví dụ như, tài chính cá nhân khi xem xét đây là một nghề. Theo TS. Ánh, đây là một nghề hoàn toàn mới, nó không phải là môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm như bây giờ. Bản chất cả ba nghề môi giới ở trên là đứng về phía người bán, họ phục vụ lợi ích chính đáng, họ thông tin bảo hiểm, bán sản phẩm bảo hiểm cho các công ty; nhưng cái nghề tư vấn tài chính cá nhân ở đây thì lại đứng ở phía ngược lại là đứng về phía người mua.
“Nghề phục vụ lợi ích cho người mua và nhận tiền từ người mua. Đây là bản chất nghề nghiệp hoàn toàn khác nhau, cùng với đó, cách tư duy cũng hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, không thể lẫn lộn trong câu chuyện môi giới hiện nay với cái nghề tư vấn tài chính vì bản chất cơ bản đã khác nhau”, TS. Ánh nói.
TS. Ánh cũng lưu ý, ngoài bộ tiêu chuẩn về nghề, thì tiêu chuẩn hay chuẩn mực của hoạch định tài chính cá nhân, trong đó quy tắc, nguyên tắc về nghề nghiệp này rất cần thiết. Ví dụ như, bản thân người hoạch định tài chính cá nhân phải là một người hoạch định tài chính của bản thân tuyệt vời trước.
Hay như một vấn đề cần quan tâm nữa đó là trách nhiệm của họ sẽ như thế nào? Nếu mục tiêu của khách hàng chỉ là sự bền vững thì chỉ là không phá sản, không đầu tư rủi ro quá; nhưng nếu mục tiêu là phát triển và giàu lên vậy thì trách nhiệm khi ký hợp đồng tư vấn với một cá nhân nào đó thì nó sẽ như thế nào? Ở đây lại nảy sinh một vấn đề nữa đó là chứng chỉ hành nghề.
Theo TS. Ánh, đây thật sự là câu chuyện lợi ích cá nhân gắn với lợi ích khách hàng, là cạnh tranh trên thị trường lao động, cạnh tranh trên chất lượng trình độ kết quả của người tư vấn. Nhìn xa hơn nữa, là mối quan hệ giữa tài chính vĩ mô và tài chính cá nhân; câu chuyện an ninh tài chính bảo hiểm xã hội và quỹ hưu trí của đất nước và cả thế giới. Tất cả đều liên quan đến tài chính cá nhân và thậm chí liên quan đến sự phát triển của đất nước “dân giàu nước mạnh”.
“Tóm lại, câu chuyện ở đây là vấn đề cơ chế. Điều này sẽ quy định như cơ chế chứng khoán do nhà nước quy định hay thị trường sẽ hoạt động tự do? Khi chúng ta đưa tư vấn tài chính cá nhân vào Việt Nam thì nó phải là những vấn đề rất cụ thể và rất khả thi có thể thực hiện”, TS. Ánh nhấn mạnh.
Tại tọa đàm “Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) đã công bố Hội đồng chuẩn hóa Hoạch định Tài chính cá nhân và bản Dự thảo Tiêu chuẩn Hoạch định Tài chính cá nhân Việt Nam.