Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả để đối mặt những khó khăn một cách tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo khảo sát mới nhất của Viện Kế toán công chức Hoa Kỳ, có đến gần 75% người trẻ có mong muốn sở hữu những món hàng “trending” trước khi nghĩ đến sự cần thiết hay giá trị của chúng.
Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả để đối mặt những khó khăn một cách tốt nhất

Điều đáng lo ngại hơn chính là lối suy nghĩ ổn định kinh tế đồng nghĩa với khả năng chi trả tất cả chi phí hàng tháng và thiếu sự cân nhắc đến khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, diễn biễn của nền kinh tế trong những năm qua cho thấy việc cần thiết có một khoản tiết kiệm hay quản lý tài chính cá nhân hiệu quả để có thể đối mặt và xử lý những khó khăn bất ngờ, tiềm ẩn một cách tốt nhất.

Theo một khảo sát “Am hiểu tài chính” do MasterCard tổ chức, xếp hạng thứ 14/16 trong khu vực lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương, giới trẻ Việt Nam hầu như còn yếu và thiếu hiểu biết khi nhắc đến khái niệm quản lý tài chính cá nhân.

"Rõ ràng, thế hệ trẻ là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm nhằm tạo thói quen tiết kiệm từ sớm, tạo phong trào tiết kiệm trong xã hội, hướng tới đối tượng của tài chính toàn diện, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững", theo MasterCard.

Đó cũng là một trong những lý do Chương trình Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và Giao lưu “Tiết kiệm thông minh, Tương lai bền vững” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Sparkassenstiftung Đức (DSIK) tổ chức vào ngày 31/10/2022. Sự kiện cũng nhằm hưởng ứng Ngày tiết kiệm Thế giới 31/10 hàng năm.

Các diễn giả và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Sự kiện

Các diễn giả và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Sự kiện

“Đây là lần đầu tiên sự kiện này được diễn ra tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy phong trào và ý thức tiết kiệm, trong đó tập trung tới đối tượng sinh viên, qua đó tăng cường nhận thức của các em sinh viên về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tại buổi Tọa đàm, ông Christian Grajek, Trưởng đại diện DSIK khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh đến vấn đề tiết kiệm, bởi nếu như thu nhập lớn hơn chi tiêu thì cần có khoản tiết kiệm hàng tháng. Vấn đề quan trọng là phải biết được những khoản chi tiêu nào là cần thiết và không cần thiết, cần phân biệt được giữa mong muốn và nhu cầu.

Còn PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, khi bàn đến tài chính cá nhân thì chúng ta thường hay chỉ nghĩ đến vấn đề đầu tư tài chính hay đầu tư chứng khoán.

“Tuy nhiên, vấn đề tài chính cá nhân chi phối một phạm trù rộng hơn rất nhiều. Tài chính cá nhân liên quan đến việc tối ưu hóa ba yếu tố: nguồn thu nhập, kiểm soát chi tiêu hiệu quả và việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, sau khi có tiết kiệm thì mới nghĩ đến vấn đề lựa chọn kênh đầu tư nào là hiệu quả để có thể gia tăng tích lũy tài sản. Và diễn biến thị trường tài chính trong một năm qua đã chứng minh cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu biết kiến thức về các sản phẩm đầu tư quan trọng như thế nào. Việc không có kiến thức đầu tư cần thiết sẽ rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo và tin vào các kênh đầu tư đầy rủi ro.

Đồng quan điểm này, TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khẳng định, khi có năng lực quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, tài chính cá nhân sẽ luôn duy trì an toàn và chi tiêu hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp nâng cao khả năng tiết kiệm, thúc đẩy tích lũy tài sản cá nhân, qua đó nâng cao tổng tiết kiệm xã hội, tạo thêm lớp đệm chống sốc cho nền kinh tế cũng như mở rộng vốn đầu tư phát triển kinh tế.

“Ngoài ra, khi có tài sản tích lũy hay các khoản tiết kiệm, cá nhân mỗi người sẽ chủ động tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm chính thức từ các tổ chức tài chính để lưu trữ và lấy lãi, tránh lạm phát hằng năm. Điều này một lần nữa lại giúp thúc đẩy tài chính toàn diện”, ông Tú nói.

Thực tế cho thấy, mỗi một lứa tuổi sẽ có những nhìn nhận, tư duy về tài chính khác nhau và cần có phương pháp hướng dẫn phù hợp. Đối với sinh viên, việc vận dụng những kiến thức về tài chính ngân hàng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào cho hiệu quả và tối ưu nhất là vấn đề không đơn giản. Do vậy, việc xây dựng những chương trình bổ trợ giúp sinh viên được trải nghiệm và áp dụng các nội dung lý thuyết trên giảng đường vào thực tiễn là hết sức cần thiết.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “Chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày tiết kiệm thế giới sẽ giúp trang bị thêm cho các em những kiến thức bổ ích để nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý ngân sách cá nhân hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc học tập cũng như trang bị tốt cho tương lai”.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ chủ động, tích cực phối hợp với đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động hơn nữa nhằm tăng cường nhận thức của người dân về việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng nói chung, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân nói riêng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, chú trọng đến đối tượng là giới trẻ, phụ nữ, người yếu thế trong xã hội.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục