
Xoay trục kinh doanh
Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rủi ro đến từ chính sách thương mại, chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với hơn 180 nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Trước thềm cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 24/4/2025, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) công bố điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm nay. Ở kịch bản cơ sở, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng, giảm so với kế hoạch ban đầu là doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.500 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này đến từ diễn biến mới là chính sách thuế quan cao của Mỹ.
Ứng biến với thị trường bất định, nhiều doanh nghiệp có chủ trương “làm mới mình, làm mới sản phẩm, làm mới thị trường”.
Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 24/4/2025, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã PAN) Nguyễn Thị Trà My cho biết, doanh nghiệp đã và đang tái cấu trúc thị trường cũng như sản phẩm, chuyển sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
“Ngoài việc xuất khẩu sang Mỹ, PAN đã mở rộng hợp đồng với các siêu thị tại Anh, bao gồm Waitrose, một chuỗi siêu thị cao cấp hơn cả Tesco. Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng tối đa và tìm kiếm các thị trường cao cấp ở gần để giảm chi phí vận chuyển”, bà Trà My nói.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) nêu rõ định hướng tái cấu trúc trong niên độ tài chính 2024 - 2025 khi dự báo tình hình kinh tế nói chung và thị trường ngành tôn, thép nói riêng sẽ biến động phức tạp, tạo ra các thách thức cho doanh nghiệp.
Trên thế giới, Mỹ, Ấn Độ, nhiều nước châu Âu đang áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia tiếp diễn. Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp, nguồn cung sản phẩm tôn, thép đang dư thừa, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành ngày càng gay gắt, khiến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Trước bối cảnh đó, Hoa Sen tiếp tục đặt trọng tâm vào việc tái cấu trúc mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu nguồn lực và thích ứng linh hoạt trong những năm tới.
Đối với mảng sản xuất kinh doanh truyền thống (tôn, thép), Hoa Sen giữ vai trò công ty mẹ, các công ty con, nhà máy sản xuất - kinh doanh truyền thống do công ty mẹ sở hữu 100% vốn hoặc nắm quyền chi phối. Hiện nay, mảng sản xuất - kinh doanh truyền thống cần ổn định hiệu quả hoạt động nhằm ứng phó với biến động thị trường.
Về mảng kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng và nội thất, chiến lược phát triển Hệ thống Hoa Sen Home sẽ là trọng tâm. Trong giai đoạn 2025 - 2026, Hoa Sen sẽ thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Home để tập trung phát triển hệ thống này.
Tìm động lực tăng trưởng mới
Nhiều doanh nghiệp thuộc đa dạng các ngành nghề có chủ trương “làm mới mình, làm mới sản phẩm, làm mới thị trường”.
Không ít doanh nghiệp đã tìm thấy động lực tăng trưởng mới cho năm 2025. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS) chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 24/4/2025 rằng, từ một doanh nghiệp được biết đến là nhà phân phối, DXS đã chuyển đổi qua mô hình nhà phát triển dự án. Hiện có nhiều chủ đầu tư không có đủ năng lực phát triển dự án, Công ty sẽ tham gia cung cấp dịch vụ từ thiết kế, xây dựng, bán hàng, đến cả thu xếp vốn cho chủ đầu tư. Để phát triển mạnh hơn ở lĩnh vực phát triển dự án, DXS đã mua lại cổ phần Regal Group từ Đất Xanh Miền Trung. Regal Group đã có giấy phép pháp lý dự án Regal Complex Da Nang, dự kiến quý IV/2025 sẽ triển khai bán hàng; các dự án khác tại Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên sẽ triển khai trong năm nay.
Tại Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT), doanh nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là tiếp tục đầu tư nâng cấp đội tàu, giữ vững thị phần nội địa, mở rộng vận tải quốc tế, quản trị chi phí hiệu quả và tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành. Danh mục đầu tư dự kiến gồm các tàu dầu sản phẩm, tàu dầu thô cỡ lớn và tàu khí, nhằm tăng tỷ trọng đội tàu chuyên dụng, phục vụ thị trường quốc tế và đáp ứng các yêu cầu vận hành hiện đại. Cùng với kế hoạch đầu tư, PVTrans sẽ đẩy mạnh công tác tái cấu trúc theo đề án đã được duyệt đến năm 2025, từng bước nâng cao năng lực quản trị và phát triển bền vững.
Đại hội đồng cổ đông PVTrans đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 960 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 35% so với mức thực hiện năm ngoái. Tuy nhiên, lãnh đạo PVTrans cho biết, doanh nghiệp sẽ nỗ lực để mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn năm ngoái, trong đó doanh thu hợp nhất phấn đấu đạt khoảng 13.200 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã TNG), Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Thời cho hay, nhiều doanh nghiệp ngành xuất khẩu đang đi tìm động lực tăng trưởng mới từ việc tái cấu trúc, mở rộng thị trường. Bản thân TNG tiếp tục mở rộng thị trường tại Nga với việc lập thêm chi nhánh mới.
Doanh nghiệp ngành gỗ cũng coi áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ hiện nay là động lực để “bỏ trứng vào nhiều giỏ” hơn, hướng tới xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông…
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong ngành gỗ có những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ với tỷ lệ 70 - 90%. Biến động về chính sách thuế quan gần đây buộc doanh nghiệp phải đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường cũng như sản phẩm. Kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ tìm thấy động lực ở hành trình mới, dù trước mắt có thể khó khăn.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc cho rằng, tới đây, Việt Nam phải thay đổi cấu trúc phát triển để có thể bảo đảm đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức hai con số một cách bền vững, trong đó doanh nghiệp Việt Nam phải trở thành chủ lực đích thực của phát triển kinh tế. Ông khẳng định, đây là vấn đề then chốt và sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải dồn lực đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân, phải coi doanh nghiệp như một thứ tài sản quý của quốc gia.